, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 06/07/2022, 15:47

Cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo trong bối cảnh lạm phát toàn cầu

THANH SƠN - MINH SÁNG
(nongnghiep.vn)
Lạm phát trên toàn cầu đang gây khó khăn cho xuất khẩu nhiều mặt hàng nông nghiệp, nhưng xuất khẩu gạo được dự báo sẽ thuận lợi về thị trường do nhu cầu tăng.
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây với 710 nghìn tấn, trị giá 347 triệu USD, tăng mạnh 27,8% về lượng và 25,8% về trị giá so với tháng 4, tăng 13,5% về lượng và tăng 2,5% về trị giá so với tháng 5/2021.

Nhờ tăng trưởng mạnh trong tháng 5, nên trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt gần 2,8 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD, tăng 6,9% về lượng và giảm 3,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 6, xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trưởng mạnh. Từ 1-15/6, lượng gạo xuất khẩu đạt 346.231 tấn, trị giá 171 triệu USD, tăng 90,59% về lượng và tăng 66,59% về trị giá so với nửa đầu tháng 5/2021. Lũy kế xuất khẩu gạo đến ngày 15/6 đã đạt trên 3,1 triệu tấn, trị giá hơn 1,5 tỷ USD, so với cùng kỳ 2021 tăng 12,3% về lượng và tăng 1,01% về trị giá.

Theo ý kiến của một số chuyên gia ngành lương thực, lương thực (trong đó có gạo) là nhóm hàng thiết yếu, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn cầu. Vì thế, trong bối cảnh lạm phát cao ở châu Âu, Mỹ đang lan ra nhiều nước trên thế giới, xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraina, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi…, thì nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới không những không giảm mà có khả năng tăng lên.

Bằng chứng là trong thời gian gần đây, khách hàng từ nhiều nước châu Phi đang rất quan tâm tới gạo Việt Nam do họ bị thiếu hụt một nguồn cung lương thực quan trọng từ Đông Âu do xung đột Nga - Ukraina.

Thông tin từ Bộ Tài chính Philippines, cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, nước này đã nhập khẩu 1,26 triệu tấn gạo, tăng tới 43,3% so với cùng kỳ năm 2021. Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu gạo của nước này trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt kỷ lục 2,3 triệu tấn, trị giá 957,7 triệu USD, tăng 17,7% về lượng và 5,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều đáng chú ý trong việc nhập khẩu gạo kỷ lục của Trung Quốc 4 tháng đầu năm nay là gạo rẻ tiền chiếm tỷ trọng lớn. Sở dĩ Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu loại gạo này là để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh giá nhiều loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, lúa mì… đã tăng quá cao và nguồn cung bị thắt chặt do xung đột Nga - Ukraina.

Các vụ lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long trong năm nay đều đạt kết quả tốt. Ảnh: Thanh Sơn.

Ở Việt Nam, thông tin từ một số thương nhân ngành gạo cho thấy, việc sử dụng tấm và các loại gạo phẩm cấp thấp làm thức ăn chăn nuôi cũng đang có xu hướng tăng lên.

Như vậy, có thể thấy, ngoài nhu cầu tăng trong việc sử dụng làm lương thực cho con người, việc dùng gạo phẩm cấp thấp làm thức ăn chăn nuôi ở nhiều quốc gia, cũng sẽ làm tăng nhu câu tiêu thụ gạo nói chung trên thế giới.

Bộ Công Thương dự báo, với nhu cầu mua gạo của các thị trường đang tăng, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm, đặc biệt là thị trường Philippines và Trung Quốc. Nguyên nhân là do sản lượng gạo Trung Quốc bị giảm sút vì ảnh hưởng của lũ lụt và nguồn gạo dự trữ của Philippines đang giảm mạnh, cần nhập khẩu thêm.

Từ biến động mạnh của nhu cầu gạo trên toàn cầu, Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu gạo Việt Nam trong cả năm nay có thể đạt trên 6,4 triệu tấn cao hơn 200.000-300.000 tấn so với năm 2021.

Sản xuất lúa vụ đông xuân và vụ hè thu ở ĐBSCL trong năm nay đều đã và đang rất ổn định. Dự báo các vụ lúa còn lại trong năm cũng sẽ tốt. Năm nay, ĐBSCL có thể giành ra khoảng 6,6 triệu tấn gạo cho xuất khẩu.

Lúa chất lượng cao (lúa đặc sản, lúa thơm, nếp, lúa chất lượng cao…) ước chiếm trên 90% tổng sản lượng lúa ở ĐBSCL trong năm nay. Vì vậy, có một câu hỏi đang được đặt ra là xuất khẩu gạo tăng mạnh về lượng trong 6 tháng đầu năm, nhưng tại sao kim ngạch lại chỉ tăng rất khiêm tốn là khoảng 1%?

Nhiều thông tin nhận định lạm phát, xung đột Nga - Ukraina… đang làm tăng nhu cầu, tăng giá lương thực trên toàn cầu, nhưng trong đó, nhu cầu và giá gạo xuất khẩu có thực sự tăng hay không? Nếu tăng thì tăng ra sao? Đây là những câu hỏi cần được làm rõ để nông dân không đua nhau sản xuất lúa gạo rồi có thể dẫn tới tình trạng sản lượng gạo quá dư thừa.

(Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt)

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất