, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 10/07/2019, 15:50

Cơ hội mới từ mô hình nuôi chim trĩ

Với niềm đam mê chăn nuôi, anh Mai Ngọc Thành (SN 1985), thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy đã làm giàu từ mô hình nuôi chim trĩ. Đến nay, đàn chim trĩ đã mang lại cho gia đình anh thu nhập mỗi năm khoảng trên 120 triệu đồng.

Tốt nghiệp khoa Địa chính, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, anh Mai Ngọc Thành được Trung tâm trắc địa bản đồ biển ở Hà Nội tuyển vào làm việc với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng.

Sau nhiều năm làm việc, cuối năm 2017 anh quyết định từ bỏ công việc mà nhiều người mơ ước để về quê mượn đất của chị gái ở thôn Phù Lưu, xã Hưng Thủy xây dựng trang trại nuôi chim trĩ. Anh Thành tâm sự: “Lúc đầu, gia đình nghe tôi nói bỏ việc về quê nuôi chim trĩ thì ai cũng phản đối. Nhưng sau khi tôi đưa ra kế hoạch chi tiết, ai cũng ủng hộ”.

Qua tìm hiểu về kỹ thuật nuôi chim trĩ trên các phương tiện truyền thông, anh Thành quyết định mua 20 con chim trĩ giống về nuôi. Sau một thời gian, anh thấy chim trĩ cũng dễ nuôi, phù hợp với điều kiện khí hậu miền Trung nên ít nhiễm bệnh, mang lại lợi nhuận cao.

Hiện anh Thành đã xây dựng khu chuồng nuôi rộng 240 m2, phủ đệm lót sinh học sạch sẽ nên không gây ô nhiễm môi trường. Nhờ chăm sóc tốt, nên đàn chim trĩ của anh phát triển mạnh. Hàng ngày, anh lấy trứng chim bán và mua máy ấp trứng chim trĩ để nhân rộng tổng đàn, cung cấp giống ra thị trường.

Mô hình nuôi chim trĩ của anh Mai Ngọc Thành ngày càng phát huy hiệu quả.
Mô hình nuôi chim trĩ của anh Mai Ngọc Thành ngày càng phát huy hiệu quả.

Anh Thành cho biết: “Kỹ thuật nuôi chim trĩ cũng không quá khó, nhưng cần phải chăm sóc, theo dõi thường xuyên để sớm phát hiện và điều trị một số bệnh thông thường. Ngoài ra, phải cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ cho chim. Đến khi chim đẻ trứng, hay chim non vừa mới nở, cần phải có chế độ chăm sóc đặc biệt”.

Thức ăn của chim trĩ gồm: gạo, lúa, cám, thức ăn chế biến và có thể cho ăn thêm các loại rau xanh, thân chuối băm. Đặc biệt, qua tìm hiểu thông tin trên mạng Internet, anh nhận thấy chim trĩ rất thích ăn dế nên đã đầu tư mua 5 khay trứng dế giống về nuôi. Sau một thời gian, dế đã sinh sôi nảy nở giúp anh có thêm nguồn thức ăn cho chim trĩ và bán cho những người nuôi chim cảnh, cá cảnh.

Chỉ sau hơn 2 năm, từ 20 con giống ban đầu, đàn chim trĩ của anh đã tăng lên 300 con, gồm 70 con chim bố mẹ, 230 con chim thương phẩm và chim giống. Hiện sản phẩm chim trĩ anh đang được khách hàng rất ưa chuộng, tìm đến tận nơi mua. Chim trĩ 1 ngày tuổi anh bán với giá từ 35.000 đến 40.000 đồng/con, chim 1 tháng tuổi 100.000 đồng/con và chim thương phẩm từ 230.000-240.000 đồng/kg, trứng chim bán giá 10.000 đồng/quả. Nhờ đó, sau khi trừ đi chi phí, anh có thu nhập trên 120 triệu/năm.

Anh chia sẻ: “Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tìm đầu ra và mở rộng quy mô trang trại để nuôi với số lượng lớn. Đồng thời, tôi cố gắng xây dựng thương hiệu chim trĩ sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng”.

Ông Đinh Viết Màng, Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy cho biết: “Mô hình chăn nuôi chim trĩ khép kín của anh Mai Ngọc Thành tại địa phương rất mới lạ và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động bà con chuyển đổi mô hình chăn nuôi truyền thống kém hiệu quả, như: cá, lợn, gà, sang nuôi những vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thực tế địa phương”.

Theo báo Quảng Bình

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất