, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 08/08/2018, 11:21

Có thể làm giàu từ cây mắc ca

Cây mắc ca rất có tiềm năng và chắc chắn sẽ là một loại cây giúp đồng bào ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc cũng như một số tiểu vùng khí hậu ở các tỉnh khác có thể làm giàu, góp phần vào mục tiêu phát triển đất nước - ông Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Tạp chí Nông thôn Việt về việc phát triển cây mắc ca ở nước ta.

 Ông Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam
Ông Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam

Tiềm năng của cây mắc ca rất lớn

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của cây mắc ca ở Việt Nam?

Hạt mắc ca rất tốt cho sức khỏe, thơm, ngon, bùi, béo và được người dân trên khắp thế giới ưa chuộng. Các sản phẩm làm từ mắc ca có rất nhiều loại: từ hạt rang khô, dầu ăn, mỹ phẩm, mật ong… nên lượng tiêu thụ sẽ rất nhiều. Cho tới nay, sản lượng mắc ca trên toàn thế giới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu trong khi tốc độ tăng trưởng của thị trường bình quân khoảng 15%/ năm. Theo Dự báo của Hiệp hội Quả khô thế giới (INC) đến năm 2030 lượng cung hạt mắc ca mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ. Vì vậy, Việt Nam cần đầu tư và có chiến lược tốt để nắm bắt cơ hội và phát triển cây mắc ca.

Trong khi đó, thực tế quỹ đất và các vùng sinh thái phù hợp với trồng cây mắc ca trên thế giới không nhiều. Hiện nay chỉ có một số nước có thể trồng mắc ca như Úc, Nam Phi, Mỹ, Trung Quốc… Trong khi Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, có 02 vùng khí hậu đặc biệt phù hợp là Tây Bắc, Tây Nguyên và cùng 1 số tiểu vùng khí hậu ở các tỉnh miền bắc, miền trung rất phù hợp đề trồng cây mắc ca. Do đó tiềm năng của cây mắc ca ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Mắc ca là một loài cây rừng, có sức chống chịu tốt, tương đối dễ trồng, ít sâu bệnh hại so với những loại cây ăn quả khác … Cùng với đó, nông dân Việt Nam cần cù, chịu khó và có kinh nghiệm làm nông nghiệp, trồng cây ăn quả, đây cũng là một thế mạnh của Việt Nam trong chiến lược trồng và phát triển cây mắc ca.

Hiện nay, Chính phủ rất ủng hộ việc phát triển cây mắc ca. Vì vậy cây mắc ca rất có tiềm năng và chắc chắn sẽ là một loại cây giúp đồng bào ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc cũng như một số tiểu vùng khí hậu ở các tỉnh khác có thể làm giàu, góp phần vào mục tiêu phát triển đất nước. Mắc ca được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn định nghĩa là một loài cây lâm nghiệp đa mục đích sẽ giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc ở vùng Tây Bắc, góp phần tái tạo lại môi trường rừng và nâng cao thu nhập cho nhân dân

Theo ông, cây mắc ca có điều kiện để phát triển tốt tại Việt Nam. Vậy nguyên nhân tại sao đây vẫn là loại cây trồng gây nhiều tranh cãi?

Do giai đoạn đầu vừa đưa cây mắc ca vào Việt Nam, có 1 số cơ sở đã vội vàng sản xuất cây giống một cách vô trách nhiệm. Họ đưa ra giống dởm, giống kém chất lượng nên nhiều cây không ra quả hoặc ra quả rất ít. Mặt khác, quá trình trồng mắc ca không đảm bảo. Có nơi trồng mắc ca tại những vùng khí hậu không phù hợp nên mắc ca phát triển không tốt.

Vườn mắc ca của ông Đinh Minh Đại tại huyện Krong Năng, Dăk Lăk
Vườn mắc ca của ông Đinh Minh Đại tại huyện Krong Năng, Dăk Lăk

Trong quá trình trồng thì người dân không chăm sóc hoặc chăm sóc không đúng kỹ thuật, dẫn đến vườn mắc ca đạt sản lượng thấp. Báo chí lại đưa ra thông tin nửa vời, không phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiểu lầm trong công chúng.

Việt Nam đã trải qua những dự án thất bại như ca cao, cao su trồng ở Tây Bắc, tạo ra một cái tâm lý giống như sợ sệt, hoài nghi, ngay cả bây giờ khi triển khai dự án nhiều người vẫn có những hoài nghi như vậy. Một số nhà báo còn cố tình giật tít, gây ra những tranh luận trái chiều trên truyền thông.

Mặt khác, những thông tin đúng về mắc ca chưa đến được với đông đảo quần chúng. Vì vậy nhiều người vẫn còn băn khoăn, hoài nghi. Có người hiểu rõ nhưng không muốn chịu trách nhiệm, không dám bảo vệ quan điểm của mình. Một số cơ quan chức năng thì thờ ơ, đứng ngoài cuộc, không ủng hộ việc phát triển mắc ca. Điều này tạo sự tranh cãi trên các phương tiện truyền thông.

Mắc ca là loại cây có thể làm giàu

Theo ông giải pháp nào để phát triển cây mắc ca tại Việt Nam?

Thực tế, mắc ca là loại cây có thể làm giàu, đặc biệt ở những địa phương còn khó khăn nhưng có vị trí địa lý, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp để trồng mắc ca như vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và một số tiểu vùng có điều kiện tương đồng. Để đạt được điều này cần cung cấp cho người dân đầy đủ thông tin từ cây giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến. Và hơn nữa, để cây mắc ca là cây có thể làm giàu thì cần sự cố gắng của cả người dân và Nhà nước, thực hiện đúng qui trình mà chúng tôi đã đưa ra.

Vườn mắc ca giống
Vườn mắc ca giống của Công ty Him Lam Mắc ca tại Đức Trọng, Lâm Đồng

Chính phủ và các Bộ Ngành, địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển cây mắc ca. Cần bỏ việc quy hoạch cứng nhắc diện tích trồng mắc ca theo từng tỉnh như hiện nay (nhiều tỉnh đã trồng vượt diện tích được quy hoạch và các doanh nghiệp rất khó khăn khi xin giấy phép trồng mắc ca). Cùng với đó, Chính phủ cần có những chế tài nghiêm khắc đối với hoạt động cung cấp cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm nghiêm khắc chất lượng.

Hiệp Hội Mắc Ca và Bộ Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT)cần tuyên truyền và vận động người dân để họ nhìn nhận rõ được hiệu quả của cây mắc ca. Từ đó người dân tự ý thức được và chủ động trồng, phát triển mắc ca để tạo ra vùng nguyên liệu mắc ca và nâng cao thu nhập.

Cần có những doanh nghiệp đi tiên phong để trồng và phát triển mắc ca. Từ đó tạo ra các mô hình để người dân học hỏi và chủ động trồng tạo ra vùng nguyên liệu lớn. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ thu mua mắc ca của người dân và tập trung vào khâu chế biến. Như vậy, các doanh nghiệp vừa có thể chủ động về nguồn nguyên liệu và vừa là nơi tiêu thụ cho người dân trồng mắc ca.

Để chủ động về đầu ra của cây mắc ca, Hiệp Hội Mắc Ca Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cần có quan hệ, hợp tác với các đối tác nước ngoài để tạo đầu ra cho cây mắc ca. Chúng tôi sẽ tổ chức việc thu mua chế biến một cách khoa học, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán như một số mặt hàng nông sản khác.

Mặt khác, Hiệp Hội Mắc Ca Việt Nam sẽ liên kết với Hiệp Hội Mắc Ca các nước. Từ đó cung cấp các thông tin cần thiết cho người dân và doanh nghiệp để tránh các sai lầm khi trồng mắc ca. Ngân hàng nhà nước cần có các chính sách tín dụng ưu đãi để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn hợp lý để phát triển mắc ca.

Cần 3 đúng với mắc ca

Những khuyến cáo của Hiệp hội Mắc Ca với người trồng là gì, thưa ông?

Cần 03 đúng để phát triển mắc ca có hiệu quả:

- Thứ nhất, trồng đúng vùng khí hậu phù hợp với cây mắc ca đã được BNN&PTNT và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam quy hoạch.

- Thứ hai, phải đúng giống cây ghép chuẩn, mắt ghép phải có nguồn gốc từ cây đầu dòng đạt chuẩn và được cơ quan quản lý nhà nước chấp nhận. Phải trồng đúng giống mua ở các đơn vị đã được các cơ quan quản lý nhà nước chấp nhận như Công ty Him Lam Mắc Ca – Lâm Đồng, Công ty Vinamacca – Đắk Lắk, Công ty giống cây Ba Vì, Công ty Liên Việt Gia Lai, Công ty Liên Việt Lai Châu...

- Thứ ba, trồng, chăm sóc, thu hoạch đúng quy trình kỹ thuật.

Hiện tại, Hiệp hội Mắc Ca và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đang tổ chức các hội thảo để cung cấp các thông tin cho người dân từ việc hỗ trợ về vốn, cung cấp giống cây chuẩn, nghiên cứu vùng trồng, tư vấn kĩ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, cách thu hoạch, bảo quản Mắc Ca... đến việc hỗ trợ đầu ra. Như vậy sẽ đảm bảo tối đa được rủi ro cho nông dân khi trồng mắc ca.

Xin ông cho biết một số hoạt động chính của Hiệp hội Mắc ca? Cách thức hoạt động của Hiệp hội có những đặc thù gì?

Hiện nay diện tích trồng mắc ca chưa nhiều, vì vậy trước mắt nhiệm vụ của HHMC là đẩy mạnh diện tích trồng cây mắc ca theo phương châm 03 đúng: Đúng vùng, đúng giống, đúng kỹ thuật. Kế hoạch từ nay đến năm 2020 Hiệp hội Mắc ca VN tập trung vào việc xác định các vùng có thể trồng được mắc ca, đẩy mạnh và mở rộng diện tích trồng mắc ca, tập trung tổ chức hội thảo hướng dẫn cho người nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch mắc ca.

Giữa năm 2017, Hiệp hội và Viện Điều tra Quy hoạch rừng – Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn thống kê được cả nước đã trồng khoảng 1,4 triệu cây mắc ca (hơn 7.000 ha, đa số là trồng xen), mùa mưa năm vừa rồi (tính đến hết tháng 4.2018) các vườm ươm lớn đã bán ra được trên 1 triệu cây. Như vậy ước lượng có thể đã trồng thêm được 1,2 triệu cây. Năm nay ước lượng sẽ trồng thêm được khoảng 1,6 triệu cây. Người nông dân rất muốn trồng nhưng đang thiếu giống. Ở Tây Nguyên đã xuất hiện nhiều vườn của dân tự phát làm giống trở lại. Hiệp hội đang tích cực làm việc với Bộ NN&PTNT để Bộ ban hành được Quy trình công nhận cây đầu dòng trong tháng 10.2018. Như vậy, các Sở Nông nghiệp mới có cơ sở để công nhận cây đầu dòng trong các vườn của nông dân, số lượng cây giống trong các năm tới mới tăng lên được, giúp giảm giá thành cây giống đạt chuẩn. Ước lượng sau năm 2020, cả nước sẽ trồng thêm được trên 3 triệu cây mỗi năm.

Hiệp hội đang xây dựng cơ sở dữ liệu về việc trồng mắc ca ở Việt Nam. Đây là việc làm tốn rất nhiều công sức và chi phí, nhưng sẽ giúp cho Hiệp hội, các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và đối tác nước ngoài nắm bắt được những thông tin chính xác về việc phát triển mắc ca ở Việt Nam cũng như dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, làm tăng giá trị sản phẩm mắc ca của Việt Nam.

Hiệp hội sẽ kết hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt định giá đất trồng mắc ca để người dân có thể vay vốn trồng và chăm sóc mắc ca. Đồng thời, Hiệp hội cũng kết hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đảm bảo đầu ra của mắc ca cho người nông dân bằng cách bảo lãnh cho các doanh nghiệp chế biến thuộc Hiệp hội thu mua mắc ca.

Hiệp hội sẽ kết hợp với các tổ chức chuyên môn để nghiên cứu về các loại sâu bệnh đối với cây mắc ca. Từ đó đưa ra các biện pháp phòng trừ. Làm việc với Chính phủ và Bộ NN&PTNT để tham mưu và đưa ra những chính sách hỗ trợ phát triển mắc ca trong thời gian tới. Vận động truyền thông để có những cái nhìn chính xác, cụ thể hơn đối với tiềm năng và hiệu quả trong việc phát triển mắc ca. Tập trung vào nghiên cứu công nghệ chế biến, tạo chuỗi giá trị sản phẩm, giảm xuất khẩu thô. Từ sau năm 2020 sẽ tập trung đẩy mạnh công nghiệp chế biến cũng như mở rộng diện tích trồng mắc ca.Liên kết với các HHMC trên thế giới, tạo mối quan hệ hợp tác, học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt được diện tích sản lượng, xu hướng tiêu thụ và thị hiếu sản phẩm của các quốc gia trên thế giới từ đó dự báo thị trường trong tương lai.

Theo ông Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý hoặc điều kiện gì để khi triển khai cây mắc ca theo chuỗi sản xuất từ khâu giống, trồng đến thu hái, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản xuất hiệu quả và giảm thiểu rủi ro?

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến mắc ca. Bộ NN&PTNT cần khảo sát, nghiên cứu và công nhận các cây đầu dòng để làm giống ghép. Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo các Viện nghiên cứu, phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nghiên cứu đánh giá lại hiệu quả của 10 giống đã được Bộ NN&PTNT công nhận. Căn cứ vào tình hình thực tế để loại bỏ các giống cây không phù hợp và bổ sung những giống mắc ca mới có năng suất chất lượng tốt áp dụng cho từng vùng. Cần ban hành các chế tài để xử phạt các hành vi liên quan đến việc làm giống cây mắc ca giả, kém chất lượng.

Ở góc độ Hiệp hội, ông có thể cho biết nếu người dân cần tìm nguồn vốn vay với lãi suất vừa phải, thì gõ cửa nơi nào khả thi nhất?

Hiện tại, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt là ngân hàng đầu tiên và duy nhất có gói sản phẩm ưu đãi dành riêng cho cây mắc ca từ khâu vay để mua đất trồng, mua cây giống, trồng, chăm sóc đến chế biến… Mức cho vay đối với mục đích mua đất trồng mắc ca là 70% giá trị tài sản đảm bảo nếu tài sản đảm bảo chính là đất mua, 100% giá trị đất mua nếu bổ sung thêm tài sản thế chấp. Thời hạn cho vay tối đa lên đến 15 năm.

Mức cho vay đối với mục đích trồng, chăm sóc cây mắc ca tối đa 80% tổng mức chi phí. Thời hạn cho vay tối đa lên đến 10 năm , thời gian ân hạn gốc lãi lên đến 5 năm. Ngoài ra Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng có các gói cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn khác như cho vay thu mua, chế biến, cho vay hỗ trợ các cây nông nghiệp trồng xen cây mắc ca…

Xin cảm ơn ông!

Hiếu Lê thực hiện

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Những ngày này, nắng nóng khốc liệt kéo dài, nhiều ao hồ, sông suối nhỏ, hồ chứa thủy lợi tại các tỉnh Tây Nguyên đã khô kiệt nước. Nông dân khu vực này đang khẩn trương bằng mọi cách tìm nguồn nước cứu hạn cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất