, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 28/10/2021, 09:48

Cổ vật lưu lạc và nỗi lo bảo vệ di sản

MAI HƯƠNG
(laodong.vn)
Mới đây, sự việc một chiếc mũ quan văn triều Nguyễn còn nguyên vẹn được Nhà đấu giá Invaluable ở Barcelona (Tây Ban Nha) chuẩn bị đấu giá với giá khởi điểm 500 Euro đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Sự kiện này đã làm dấy lên một câu hỏi: “Bằng cách nào, cổ vật của Việt Nam phải chịu cảnh lưu lạc ở nơi đất khách quê người?”.
Mũ quan văn triều Nguyễn đang được đấu giá ở Tây Ban Nha. Ảnh từ invaluable.com

Cổ vật “chịu cảnh” lưu lạc

Theo Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam, sau chiến tranh, có rất nhiều cổ vật, đặc biệt là từ triều đại nhà Nguyễn, của Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài. Có những cổ vật đã may mắn được thu hồi về với quê hương, cũng có những món hiện nằm trong bộ sưu tập của những nhà sưu tầm khắp thế giới.

Lý giải về nguyên nhân cổ vật của Việt Nam đang chịu cảnh lưu lạc ở nước ngoài, TS Nguyễn Hữu Mạnh, Bộ môn Khảo cổ học - Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết, trong giai đoạn từ năm 1858 - 1945, dưới sự thống trị của thực dân Pháp, khá nhiều bộ sưu tập hiện vật quý của Việt Nam được di chuyển từ “thuộc địa” Việt Nam sang trưng bày tại “chính quốc” Pháp. Cũng có nhiều ghi chép liên quan đến việc cướp bóc của quân đội Pháp với những cổ vật Việt Nam được lưu trữ ở kinh đô Huế lúc bấy giờ. 

Vấn nạn này không chỉ xảy ra trong kinh đô Huế mà nhiều cổ vật tại lăng mộ của các vua nhà Nguyễn cũng đều bị cướp phá. Thậm chí không ít người Pháp chứng kiến những vụ cướp phá này đã để lại ghi chép. Vào cuối thế kỷ XIX, người Pháp cũng mang đi rất nhiều tượng thờ quý trong đền tháp của người Chămpa xưa. Hiện nay, nhiều bảo vật Chămpa quý vẫn được trưng bày tại các bảo tàng lớn trên thế giới như Bảo tàng quốc gia Nghệ thuật Châu Á Guimet (Pháp), Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á San Francisco (Mỹ)…

Cá biệt, năm 1906, con tàu Mekong chở theo 80 tấn cổ vật bằng đá, kim loại quý lấy từ tháp Bánh Ít, tháp Đôi… (Bình Định) cho Bảo tàng Lyon (Pháp) nhưng khi đến lãnh hải Somalis, con tàu đã bị đắm tại biển Hồng Hải, mang theo không biết bao nhiêu báu vật của Việt Nam, mãi chôn vùi trong lòng biển sâu 

TS Nguyễn Hữu Mạnh cho biết: “Việc cổ vật lưu lạc bên ngoài một phần cũng phụ thuộc vào nguồn mua bán bất hợp pháp. Tại Thừa Thiên Huế, cách đây vài năm, bên cạnh Bảo tàng Cung đình Huế hay ngay chân cầu Tràng Tiền, hiện tượng mua bán trao đổi cổ vật vẫn diễn ra một cách công khai. Tuy nhiên, những cuộc buôn bán cổ vật công khai như thế chỉ là mặt nổi của tảng băng chìm, có rất nhiều vụ mua bán bất hợp pháp cổ vật ra nước ngoài mà chúng ta không thể biết được. Đó là lý do khiến cổ vật Việt Nam lưu lạc ở nước ngoài nhiều như vậy”.

TS Nguyễn Hữu Mạnh cho biết thêm, những đồ vật càng cổ, càng lâu đời, càng đẹp thì sẽ càng đắt. Ví dụ như mũ quan văn triều Nguyễn có giá trị cao vì hiện vật này không chỉ có giá trị về mặt tạo tác, được chế tạo thủ công bởi nghệ nhân xưa một cách tỉ mỉ, gắn nhiều từ kim loại quý mà còn có giá trị về mặt lịch sử văn hóa, phản ánh nét đẹp, tài hoa của người xưa. 

Không để “chảy máu” cổ vật

Trả lời Lao Động, bà  Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục di sản Văn hoá (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) cho biết, Luật Di sản văn hóa năm 2001 công nhận và bảo vệ về các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa. Điều 5 quy định: “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật. Quyền sở hữu, quyền tác giả đối với di sản văn hóa được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Về Di sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cũng được Luật Di sản văn hóa quy định tại Khoản 2, Điều 8: “Di sản văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ theo tập quán quốc tế và theo quy định của các điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia”.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước tham gia “Công ước UNESCO 1970 về Các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa”. Công ước này là một công cụ pháp lý quan trọng để cộng đồng quốc tế nói chung và các nước thành viên tham gia công ước nói riêng có thể hạn chế, tiến tới ngăn chặn việc buôn bán trái phép tài sản văn hóa.

Việt Nam là một trong những nước tích cực tham gia Công ước UNESCO 1970 và để tránh “chảy máu” những cổ vật thuộc sở hữu nhà nước và những hình thức sở hữu khác, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật liên quan đã có những quy định cụ thể (Điều 43 Luật Di sản văn hóa; Luật Thương mại; các Nghị định và Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 02 Luật nêu trên…).

Theo đó, về cơ bản, các cổ vật có nguồn gốc Việt Nam, thậm chí là các cổ vật có xuất xứ nước ngoài (trừ trường hợp tạm nhập khẩu - tái xuất khẩu) đều không thể mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Cục trưởng Cục di sản Văn hoá Lê Thị Thu Hiền cũng cho biết thêm, thực tế, trải qua nhiều thế kỷ giao thương quốc tế, nhiều vật có nguồn gốc Việt Nam đang được lưu giữ ở nước ngoài, có trong những bộ sưu tập lớn với những hình thức sở hữu khác nhau hoặc được trưng bày tại các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới. Cùng với các cuộc trưng bày cổ vật, bảo vật quốc gia do Việt Nam phối hợp với các nước tổ chức ở nước ngoài, đây chính là những minh chứng cho giá trị di sản văn hóa lâu đời của Việt Nam được giới thiệu cho cộng đồng quốc tế.

Liên quan đến quy định về phương thức mua hiện vật, Khoản 2 và khoản 3 Điều 10 Thông tư số 11/2013/TT-BVHTTDL ngày 16.12.2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập đã quy định về phương thức mua hiện vật qua đấu giá và mua hiện vật có giá mua đặc biệt lớn. Tuy nhiên, sử dụng ngân sách nhà nước để mua hiện vật phải tuân thủ các quy định về tài chính. 

Nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc đã có cách làm tương đối hiệu quả để “hồi hương” cổ vật là khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân mua cổ vật bị “thất lạc” tại các phiên đấu giá quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này ở Việt Nam, cần có chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cùng chung tay “hồi hương” cổ vật Việt Nam hiện đang được lưu giữ ở nước ngoài về nước,  ví dụ như cơ chế ưu đãi khấu trừ thuế, ưu tiên đầu tư,....

“Do đó, về lâu dài, giải pháp mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu và sẽ kiến nghị xây dựng thành quy định cụ thể trong đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa về việc sưu tầm cổ vật có nguồn gốc ở Việt Nam hiện đang được lưu giữ ở nước ngoài và nhà nước có chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức cùng tham gia “hồi hương” cổ vật Việt Nam” Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền cho biết.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất