, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 18/01/2017, 10:39

Coi chân gà đoán vận nhà trong năm

Cao Thị Hoàng

1.

Ở quê tôi, đêm giao thừa rất thiêng liêng; bởi đó là đêm chứng kiến cũ giao lại, mới đón lấy. Đồng thời, giao thừa còn được người trong xóm gọi trừ tịch; té ra là đêm bỏ ra, bớt đi. Và, cái đêm bỏ ra, bớt đi ấy, thiên hạ gọi là lễ trừ ma quỷ!

- Năm gà, không cúng gà. Nhớ nha má con Lợt!

Tía dặn đi dặn lại. Má cự nự:

- Ơ cái ông nầy! Ông có biết vì sao lễ Giao thừa nhà nhà đều cúng gà không? Mà phải là gà trống, loại trống chưa một lần leo lên lưng mái đè “con người ta’’ ra xịt!

Nói rồi, má cằn nhằn tía:

- Tết nhứt tới nơi, ông lo ‘’đánh quần đánh áo’’ sang hàng xóm nhậu nhẹt; trong ngoài ông bỏ mặc một mình tui. Đã vậy, còn về nhà xúi giục vợ con mần trái tục lệ xưa nay của ông bà!

Tới hồi má dòm lên, tía lỏn đi mất.

Má lom khom thổi lửa đun nước sôi nhổ lông gà, tôi an ủi má:

- Tía lớn tuổi hơn má con giáp, hằng chục năm ‘’bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’’. Có lẽ vậy, tía lẩm cẩm cũng nên, má thương tía!

- Mầy chỉ giỏi binh tía mầy! Tau không thương ổng, sao gắn với bó cùng ổng mấy chục năm? Tau cực quá, nói cho hả hơi cái cực.

Má nói khác chi giãi bày với con, tôi xoa lưng má.

- Má cực mà không khổ!

Má tôi cười. Nụ cười hiền dịu như nắng chiều cuối năm!

*

Má con lui cui nhổ lông con gà trống vừa bước vào tuổi đạp trống, có người gọi gà trống choai. Tôi hỏi: ‘’Sao không cúng gà mái, vậy má?’’. Má nói: ‘’ Hết tía, tới con!’’. Rồi, má nói tiếp: ‘’Xưa nay, ông bà mình có cúng giao thừa bằng gà mái bao giờ! Gà mái lấy cái gì mà gáy và nếu nó gáy, tiếng gáy đó mang điềm gở, thiên hạ xúm nhau đập chết liền!’’. Má trở vô nhà lấy cây nhíp nhổ lông con. Tôi ngồi nghĩ bâng quơ:

- Trống, mái cũng là gà. Thánh thần, ma quỷ phân biệt và gây rắc rối hay tại con người gây rắc rối và phân biệt? Đực cái đồng hành, trống mái cùng đi...thì, cái bình đẳng kia mới có thể...Chợt nhớ hôm rồi, tôi đi chạp mả gặp thím Bảy Xe; thím cháu ngồi nghỉ mệt và chuyện vãn việc khó khăn nước nôi phèn mặn trên đồng. Không biết tôi hỏi thím cái gì đó, mà thím nói: “Đời bất công nên cọng lông thím vuốt hoài không thẳng/ Người bất bình đẳng nên cọng lông vuốt thẳng nó vẫn cong”. Tôi ôm bụng cười sặc sụa và chẳng biết thím học lóm câu nói đó của ai mà nghe đã quá!

- Tui đã biểu má con Lợt: Năm gà, không cúng gà! Trời đất, sao má nó chẳng chịu nghe tui?

Tía về nhà. Tiếng nói oang oang của tía cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.

Má trở ra, tiếp tục cùng tôi loay hoay nhổ những sợi lông con còn sót trên lưng gà. Má nín thinh!

- Pháp sư Cuội dặn tui: ‘’Năm gà kỵ cúng gà’’. Tại sao má con Lợt biết hông? Gà cúng gà thì gà ngủm, cũng như củi đậu nấu đậu thì đậu nhừ tử. Kỵ tuổi kỵ năm, lễ giao thừa nhà mình cúng món khác.

Má tỉnh bơ, nói nhỏ với tôi: ‘’Tía mầy dốt giống tau, bữa nay trở chứng lên lớp mần thầy!’’. Nói xong, má kêu tía ngồi xuống gần má.

Từng cụm mây bay lang thang qua bầu trời xanh.

- Hổm rày, mình quần tới quần lui chuyện gà cúng giao thừa, tui nhịn mình là muốn yên nhà yên cửa; chớ thiệt lòng mình nói không đúng, mần sao tui nghe. Thuở đời nay, lễ giao thừa không có nhà ai không cúng gà - mà là, gà trống vừa bước vào ngưỡng đạp trống - Ông bà và cả làng, chưa ai nói: ‘’Năm gà kỵ cúng gà’’ như lão pháp sư mắc dịch, mắc gió nào đó!

Má chậm rãi nhắc truyền thuyết cúng gà trống ngay thời khắc giao thừa và từ rất lâu nó đã trở thành phong tục của người mình.

- Gà trống gáy, tiếng gáy đó đánh thức mặt trời thức dậy! Và mặt trời mang sự sống đến con người, vạn vật, chúng sinh...Không cúng gà trống lễ giao thừa, bộ mình muốn sự chết hủy diệt trần gian?

Tía ngồi im re, vấn thuốc rê hút. Má được thể, lấn lướt:

- Đã có một Ngọc Hoàng thương trái đất lạnh lẽo, tối tăm, đã hấp tấp và lỡ miệng ra lịnh cùng lúc mười ông mặt trời hè nhau chiếu nắng sáng xuống trần gian. Đất chịu chẳng thấu, muôn loài khô héo sắp cháy thành tro. Thời may, có chàng tráng sĩ giương nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời, một ông còn lại sợ quá trốn biệt tăm và ngủ vùi quên thức dậy. Tiếng gà trống gáy giúp hồn ông mặt trời nhập vào vía tỉnh giấc...Tui hỏi mình: ‘’Giao thừa không cúng gà trống, nghĩa mần sao? Mình nói đi!’’

Coi bộ tía xìu, giả lả cười cầu tài với má.

- Thì, má con Lợt cứ mần theo lệ hằng năm!

2.

Nhang khói còn phảng phất sau lễ cúng kiến giao thừa, bác Hai dẫn đoàn chúc tết trong xóm đến xông đất, chúc tết tía má. Mọi người chúc tụng, nói cười rôm rả và đón gió xuân mang hương vị tết quê nhà. Giờ nầy, có lẽ cả xóm đang thức cùng đất trời!

Bác Hai hỏi:

- Chú thím coi chưn gà chưa?

Tía vừa cười, vừa khoe:

- Năm con gà, ngón chưn gà cong coi đã lắm, anh Hai!

Có tiếng của bác nào đó trong đoàn:

- Quanh năm gà kiếm ăn bằng cách bươi đất. Lấy gì bươi đất? Lấy ngón chưn và nó cũng chỉ sử dụng ba ngón. Ngón cái dùng để phụ cái cựa đóng bên trên để đánh trả kẻ thù khi bị tấn công. Ngón chưn gà co lại, đồng nghĩa năm con gà, cả nhà chú thím đỡ vất vả, mọi sự bình yên!

Cả đoàn uống rượu chúc mừng, bác Hai cười rung rinh chòm râu bạc.

Má cảm hứng bởi sự lôi cuốn vào cuộc vui xuân:

- Chưn nó nổi gân xanh, da trong và khô ráo. Ngó thiệt là đẹp, thiệt ngon tiền, chớ chẳng chơi!

Bác Hai tiếp lời theo má tôi. Bác giải thích:

- Xanh và trong là biểu tượng tấm chơn tình của người đàng hoàng. Khô là ý nói có cái ăn cái để và sẵn lòng tương thân tương ái!

Bác Hai biểu tía lấy cặp chưn gà cúng giao thừa cho bà con được nghía tận mắt!

Bác lật cặp chưn gà coi qua coi lại, mọi người cùng coi và trầm trồ:

- Vượng khí sung! Năm gà, cả nhà đều sung!

Tía cười ngất, đôi gò má của má đỏ gấc như trái gấc chín đeo tòn teng trên dây.

*

Tía rót rượu mời bác Hai, mời cả đoàn. Không khí tràn ngập tết!

Bác Hai cắt nghĩa cho mọi người cùng nghe.

- Lúc sinh thời, nội của qua từng lên Thất Sơn học bói toán, bấm độn với bốc sư Khùng, trên núi người dân biên địa thường gọi Đạo Khùng. Thiệt ra, khùng mà biết khùng thì chẳng khùng! Nhiều lần, qua quảy bồng theo tía lên núi thăm ông nội. Qua nghe ông nội kể chuyện coi và bói chưn gà có từ đời cố hỉ cố lai. Tới đời Cửu Thiên Huyền Nữ tiên sư Chân mới truyền vào chốn dân gian, đại khái rằng: Vị trí Huyền vũ, ngón giữa. Chu tước, ngón út nhỏ ngắn. Thanh long, ngón trong. Bạch hổ, ngón ngoài...Coi mà hiểu tới cái cần tới, là hiểu được phần nào sự huyền bí của trời đất, giải mã hung kiết cõi nhân gian, sự chuyển dịch mạch cục, mềm rắn...đối với con người. Có lẽ, Đông Định Vương Nguyễn Lữ nắm và bắt được điều ấy, khổ luyện ‘’Kê quyền’’ rồi tự thân vô vi biến vào càn khôn?

Rồi như sực nhớ nói để quên, bác Hai dặn má:

- Cặp chưn gà treo nơi cửa chính, phòng khi bị rắn rết cắn đau nhức thấu trời, thím lấy móng chưn gà mài uống sẽ hết tức thời hoặc bịnh thời khí no hơi, sình bụng, chịu khó uống chưn gà nó hay phải biết!

*

Sương khuya nặng hạt, phả mặt người tỉnh ngủ. Má và tôi bưng bánh mứt mời khách quý đầu năm. Cạn tách trà xuân, bác Hai cùng đoàn đứng dậy kiếu từ để tiếp tục sang nhà dì Tám xông đất và chúc tết. Tía khép cửa và nhập đoàn chúc xuân cùng xóm.

Sau nầy, khi làm vợ, làm mẹ, làm bà...tôi nhận ra bất cứ con gà luộc nào da cũng trong, gân cũng xanh và đặc biệt, các ngón đều co khép lại. Dù vậy, tôi vẫn yêu mến tục cúng gà trống trong lễ đón giao thừa. Và, tôi cũng không thể quên những điều coi chưn gà, đoán vận nhà trong năm. Bởi đó là, điềm lành và cũng chính là, niềm vui đến mọi nhà ngay giây phút đầu tiên năm mới!

Cao Thị Hoàng

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất