, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 16/03/2021, 17:19

Cơm với cá như má với con!

CHÂU LAN
(baocantho.com.vn)

Nhật ký của ông ba Cát được mua với giá “tượng trưng” từ nhiều năm rồi, trong đó ghi chép số cá đánh bắt được, phân loại lớn - nhỏ, so sánh với những ngày đã qua. Cả đời hạ bạc ở khúc sông Trường Tiền của gia đình ông là nhờ cá. “Ngày xưa vui lắm, nước son là mùa cá bống, đêm xuống người ta đốt đèn đỏ cả khúc sông, chỉ lấy rổ tre vớt cũng vài chục ký mỗi ghe. Nhưng nay, chủng loài và số lượng cá giảm đi rất nhiều, có hôm chỉ vài ký!” - ông Trần Văn Cát, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ nói.

Cá nước ngọt tự nhiên suy giảm nghiêm trọng.
Cá nước ngọt tự nhiên suy giảm nghiêm trọng.

Con cá cứu rỗi

Khác xa với những “lão ngư tri thủy” xuyệt điện, ông ba Cát chỉ dùng lưới, giăng câu chứ không dùng bất kỳ công cụ lạm sát nào. Dòng sông, con cá và sinh kế của ông thuần thành là do cách nghĩ “đừng vì miếng ăn của mình mà hủy diệt hết thì con cháu còn gì?”.

Ở khu vực An Hòa Tự, cách chợ Bà Vệ (Chợ Mới, tỉnh An Giang) vài trăm thước là bến nước cho ghe đậu của anh Phúc và chị năm Dưa. Một hôm, tình cờ thấy cá lượn thành đàn, anh rải thức ăn cho chúng. Ngày nào cũng như vậy, anh gõ khúc cây lên ghe làm tín hiệu, rồi rải thức ăn xuống. Đàn cá ngày một đông hơn, nhiều chủng loại tới mức anh phải mua thức ăn cho chúng. Nhiều youtuber quay video kêu gọi người tới xem đàn cá tự nhiên nên mua thức ăn tới giúp anh Phúc.

- “Mai mốt sẽ vớt lên bán hay sao anh?”. “Không, tui chỉ nuôi thôi, không bắt, không bán và mong đừng ai phá chúng” - anh Phúc nói.

Thực ra cũng có người giăng lưới ngoài khu vực An Hòa Tự, nhưng lưới rách, hàng câu rối nùi mà chẳng bắt được con nào.

Nhiều nhà nghiên cứu thủy sản nói rằng rất nhiều loài cá được dân gian xem là sự cứu rỗi (cá nến, ông Hô, ông Nược…), may mắn. Nhiều loài, khi chết được chôn cất như linh thần. Cá báo hiệu những thay đổi trong môi trường sống của chúng ta.

Giám đốc Công ty Kocana ở Thốt Nốt đã nuôi lớn những con cá tra “King size” bán ra thị trường với giá 250.000-300.000 đồng/kg cùng với lời kêu gọi cá quá lứa thuần dưỡng theo công thức riêng (25-30 kg/con), đủ thực phẩm cho chúng ta mà không cần phải truy sát, tìm diệt cá tra dầu - loài đang tuyệt chủng. Nhiều loài cá khổng lồ hiền lành từng xuất hiện từ thời khủng long, nhưng 23 trong số 27 loài hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng do các đập thủy điện ngăn chặn các tuyến đường di cư của chúng dọc theo sông Dương Tử, sông Danube, sông Rhein và các con sông khác, đánh bắt quá mức, săn trộm để buôn bán trứng cá muối hoang dã bất hợp pháp, ô nhiễm và mất môi trường sống. Cá mái chèo Trung Quốc đã bị tuyên bố tuyệt chủng vào năm 2020. Những dự án hàng hải, hoạt động nạo vét và đập thủy điện, đang làm tăng áp lực lên quần thể cá ở sông Mekong.

Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (World Wide Fund For Nature - WWF) đã đưa ra sáng kiến ​​toàn cầu mới để bảo vệ những sinh vật cổ đại này. Hy vọng đảm bảo không có loài cá nào phải tuyệt chủng. Trong số 10.336 (56%) loài cá nước ngọt đã được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources - IUCN) đánh giá tình trạng bảo tồn, 30% được coi là có nguy cơ tuyệt chủng. Nếu cứu được những giống cá sắp tuyệt chủng cũng có nghĩa là chúng ta đặt trọng tâm quan tâm vô đúng sự sống của dòng sông, vì lợi ích của con người và thiên nhiên.

Từ lưu dưỡng tới cạnh tranh

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, làm việc ở Trung tâm Giống Thủy sản An Giang, cho biết nghề nuôi cá ở An Giang có lịch sử từ năm 1964. Lúc đó sông Châu Đốc có vỏn vẹn 4 bè, nuôi toàn cá tra, hình thức nuôi còn mang tính chất lưu dưỡng chủ yếu là từ kinh nghiệm tích lũy từ những người nuôi trước truyền lại, nhưng đó là khởi thủy của ý thức chọn lọc dòng cá thương mại.

Ngày xưa, ông  bà chọn vật nuôi là cá tra và ba sa vì là loài cá hiền và quá trình lưu dưỡng có thể dùng chuối, cám, tấm cho nó ăn. Cá tra được chọn nuôi phổ biến tại Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam. Vào thời đó, ở Campuchia, tỷ lệ cá tra thả nuôi chiếm 98%, chỉ có 2% là cá ba sa và cá vồ đém (cá tra nuôi chiếm 1/2 tổng sản lượng các loài cá nuôi). Ở hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Ðồng Tháp, riêng An Giang đã có hơn 60% số bè nuôi và có năm đã chiếm tới 76% sản lượng nuôi cá bè của toàn vùng.

Ông ba Cát, người ghi nhật ký cá sông và hệ sinh thái nước ngọt ở Cần Thơ.
Ông ba Cát, người ghi nhật ký cá sông và hệ sinh thái nước ngọt ở Cần Thơ.

Đến năm 1980, tỉnh An Giang có hơn 1.000 bè tập trung tại các vùng Châu Đốc, Tân Châu và An Phú, bè có kích thước trung bình 5m x 10m x 3m, được làm bằng gỗ sao; bè với kích thước 5m x 10m x 4m phải đến trên 70 khối gỗ sao. Vật nuôi là cá tra, cá ba sa, cá bông, cá he, cá vồ đém, cá hú… mật độ thả bình quân 60 con/m3, năng suất bình quân 8 tấn/bè (5m x 10m x 3m). Những năm 1990, số bè nuôi cá tăng lên gấp đôi và lan sang Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới… số lượng bè đóng mới có quy cách lớn hơn 10m x 20m x 5m, mật độ thả cao hơn, năng suất nuôi cũng tăng hơn. Sản lượng cá tra, cá ba sa nuôi bè khoảng 20.000 tấn/năm, trong đó tiêu thụ nội địa do hai Công ty Mekong và Cửu Long, đã phân phối cho thị trường trong nước khoảng 2.000 tấn, chiếm 10% tổng sản lượng cá nuôi các loại của tỉnh An Giang. Số còn lại xuất sang thị trường Bắc Mỹ và Tây Âu.

Thức ăn nuôi cá là hỗn hợp tự chế biến, thành phần chủ yếu là cám, tấm, bắp, cá khô xay, cá linh tươi và các loại rau quả như rau muống, bí đỏ… hệ số thức ăn khoảng 3,2kg/1kg cá, thời gian nuôi từ 8-12 tháng, mỗi ngày cho cá ăn từ 2-3 lần.

Trong khi đó, ở Campuchia, từ thời vua Shihanouk đã ra lệnh hạn chế nuôi cá dữ chỉ vì để có 1 tấn cá thương phẩm con người hủy diệt trên 3 tấn cá tạp; trong tự nhiên, không được đánh bắt khi cá đi theo đàn.

Năm 2000, ở nước ta nghề nuôi cá bè bước sang giai đoạn mới do quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản nên nghiêm cấm việc khai thác cá bột trên sông. Từ đó các viện trường bắt đầu nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá tra. Việc thành công sinh sản nhân tạo cá tra đã giúp nghề nuôi cá bè phát triển rất nhanh. Thời điểm này số bè trong tỉnh tăng lên đến gần 4.000 bè, mô hình nuôi cá trong bè ngoài tỉnh An Giang, Đồng Tháp, lan rộng đến các địa phương khác lân cận như: Cần Thơ, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Lúc cao điểm, An Giang có tổng số 2.062 lồng bè nuôi cá, trong đó nuôi cá rô phi và điêu hồng là 1.524 lồng bè chiếm tỷ lệ 73,90%. Việc phát triển nuôi thủy sản lồng bè tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước tự nhiên và nhiều vấn đề do nội bộ cạnh tranh nhau.              

Sau này, giảm bè, tăng diện tích nuôi cá tra bãi bồi và nhiều loại cá dữ được nuôi dưỡng - cá tạp không đủ để làm thức ăn, việc nuôi cá bước vào kỷ nguyên thức ăn công nghiệp -với “chiếc đũa thần” - chất tăng trưởng.

Nhiều loài đã biến mất

Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 thống kê mùa nước nổi mang lại sự đa dạng với trên 130 loài tôm, cá quý có giá trị kinh tế cao như cá hô, cá leo, bông lau, cá chạch lấu, cá bống tượng, cá kết, cá ba sa, cá linh… nhưng lượng thủy sản khai thác trong tự nhiên của tỉnh An Giang trong 5 năm trở lại đây giảm khoảng 3.000 tấn/năm do mất mùa nước nổi.

Là loài đặc hữu của sông Mekong, cá linh thuộc giống Cirrhinus, phân bố phạm vi lưu vực khá rộng trên sông chính, sông nhánh thuộc Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. ĐBSCL từng có lợi thế khai thác cá linh gần như đặc quyền của cả vùng. Khu vực này có 2 loài chiếm ưu thế thuộc giống Cirrhinus là cá linh thùy (Cirrhinus lobatus) và cá linh ống (Cirrhinus siamensis). Đây là 2 loài di cư theo mùa, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của các hệ sinh thái thủy vực. Chuỗi thức ăn chủ yếu của chúng là mùn bả hữu cơ, tảo, phiêu sinh thực vật. Cá linh có tập tính kiếm ăn ở những vùng ngập, quầng đàn tăng sinh khối mạnh trong mùa lũ.

Ngày xưa, cứ vào tháng 11 đến tháng 12, cá linh từ đồng ruộng, kênh, rạch vùng ĐBSCL đổ ra sông lớn (sông Tiền, sông Hậu), bắt đầu thực hiện hành trình di cư ngược dòng lên thượng nguồn sông Mekong tìm những vực sâu để quần tụ. Đến đầu mùa lũ, cá linh sinh sản, cá non di cư theo dòng nước về vùng hạ lưu để kiếm ăn và trưởng thành. Mấy năm nay, cá linh có giá 250.000-300.000 đồng/kg do khan hiếm. Nhưng nguy cơ không chỉ đe dọa những lò nước mắm đồng mà còn bộc lộ tính xấu của người kinh doanh khi trộn cá duồng hoặc giả danh cá linh.

Không ở đâu cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học trên thế giới lại gay gắt hơn ở các hệ sinh thái nước ngọt. Khoảng 1/3 các loài cá nước ngọt đang bị đe dọa tuyệt chủng, 80 loài đã được xem là tuyệt chủng. Trên sông Hậu, đầu tiên là cá cháy biến mất nay nhiều loài khác đang suy giảm, nhưng chưa được biết đến!

Quần thể các loài cá lớn mang tính biểu tượng, những con cá khổng lồ của thế giới nước ngọt, như cá tra dầu trên sông Mekong, cá hô, cá đuối, cá heo nước ngọt… đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, giảm một cách thảm khốc (94%)  kể từ năm 1970.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần có một khu bảo tồn nguồn gien động vật thủy sản phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản. An Giang có vùng ngập nước tự nhiên trên 2.000ha tại Búng Bình Thiên (huyện An Phú), rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), rừng tràm Bình Minh (Tri Tôn) và trên sông Vàm Nao (đoạn Tân Châu - Phú Tân) để dẫn dụ và bảo vệ nguồn gen các loài thủy sản quý hiếm. Nếu tổ chức và duy trì mô hình quản lý cộng đồng về khai thác thủy sản tự nhiên (như vùng cồn Chim, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) thì việc cân bằng, phục hồi nguồn thủy sản nước ngọt, an toàn hệ sinh thái và môi trường nước ngọt và việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác thủy sản bằng công cụ hủy diệt mới thực sự hữu hiệu.

Tại Cần Thơ, PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm, Trường Đại học Cần Thơ, từng xây dựng “túi cá” ở vùng ven thành phố. Nhưng làn sóng đô thị hóa đã xóa sổ dự án này. Thật đáng tiếc, bởi vì ngày nay, theo các nhà kinh tế và cả nhà tâm lý đều cho rằng câu cá giải trí là một ngành cực kỳ tốt, đáp ứng nhu cầu thư giãn, xả stress… Trên toàn cầu, ngành kinh tế mới nổi này có doanh số 100 tỉ USD.

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất