, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 19/11/2023, 08:37

Con ba khía và “cuộc đời mới”

PV

“Tháng bảy nước chảy Cà Mau
Tháng 10 ba khía hội - kéo nhau đi làm
U Minh Rạch Gốc rừng tràm
Muỗi kêu kệ muỗi, tao ham ba khía rồi”.

Câu ca dao từ ngàn xưa nhưng vẫn được lưu truyền tới ngày nay bởi một “sự kiện hội hè” độc đáo của con ba khía. Không chỉ gìn giữ những ký ức về một thời xa xưa, với người dân xứ Cà Mau, mùa ba khía hội còn mùa hái ra tiền.

Bắt ba khía trong đêm.

Chỉ cần bộ đồ nghề là đèn đội đầu, vớ, bao tay, can nhựa và cây seo là có thể băng rừng tìm bắt ba khía. Mỗi đêm, người bắt ba khía giỏi có thể bỏ túi vài trăm ngàn đồng. Những khi “trúng mánh” thì tiền kiếm được có thể lên đến hàng triệu đồng một đêm. 

Là người có thâm niên theo nghề bắt ba khía nhiều năm, bà Nguyễn Thị Lan (Thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) kể:  “Ngày xưa, cứ tới mùa ba khía hội là ba khía nó ra đen hết trơn, tụi tui đi bắt cho ghe. Mình chỉ việc xăn quần, mang bao tay lội lên rừng bắt bán. Ba khía hồi đó nhiều lắm, bắt không kịp.  Ba khía giờ ít hơn hồi xưa rồi, hết nước là không có, muốn bắt ăn cũng ít lắm, nói gì đem bán”.

Mua bán ba khía trên sông.

So với ngày xưa, cảnh ba khía bu đen trên những gốc mắm, gốc đước vào mùa ba khía hội giờ chỉ còn là dĩ vãng.  Người bắt ba khía phải rảo bước dưới sình bùn trong rừng khuya hàng giờ liền mới thu về lèo tèo vài ký ba khía. Nguyên nhân ba khía ngày càng ít đi trong tự nhiên cũng được chỉ ra là do số lượng người bắt ba khía quá nhiều, thậm chí nhiều người còn bắt cả những con ba khía nhỏ, ba khía mang trứng. 

Để bảo tồn, gây giống ba khía, mới đây, tỉnh Cà Mau đã có dự án sản xuất thử nghiệm, hoàn thiện quy trình nuôi ba khía. Dự án này đang được triển khai và hứa hẹn một tương lai bền vững hơn cho con ba khía.

Đặc biệt, ba khía muối Cà Mau là món ăn dân dã gắn liền với hình thức làm truyền thống. Tuy nhiên, trong thời đại phát triển công nghệ và đòi hỏi phải cải tiến quy trình sản xuất để đáp ứng với nhu cầu thị trường và khách hàng. Tại Cà Mau, cơ sở Ba Khía Đầm Dơi đã bắt kịp xu hướng và vươn lên phát triển trở thành nơi sản xuất ba khía đạt chuẩn OCOP đầu tiên của tỉnh. Các sản phẩm từ ba khía cũng từ đó mà đi khắp nơi thậm chí bay sang cả nhiều nước trên thế giới.

Chế biến ba khía.

Chị Trần Thị Xa - Giám đốc HTX Ba Khía Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cho biết: “Qua một thời gian phát triển, HTX đã có lượng khách hàng rất ổn định. Họ chấp nhận cách làm mới đối với món ăn truyền thống này, từ khâu vận chuyển cũng phải sạch sẽ, không gây mùi, mọi quy trình đều được công khai hết trên các trang mạng điện tử để khách biết nên lượng khách hàng mỗi ngày tiếp cận sản phẩm đều tăng".

Món ngon từ ba khía.

Tỉnh Cà Mau có hơn 400 cơ sở sản xuất và chế biến ba khía với hàng ngàn lao động làm nghề bắt ba khía. Con ba khía từng là cứu cánh giúp cho người Cà Mau vượt qua khó khăn, đói khổ những năm tháng chiến tranh. Ngày nay, ba khía tiếp tục mang sứ mệnh giúp cho người nghèo, người ít đất sản xuất có thêm thu nhập trong công cuộc mưu sinh.

Một mùa ba khía hội nữa lại đến. Ít ai ngờ rằng, con ba khía bình dân, bình dị, thậm chí là bình thường ở đất Cà Mau - có một ngày rũ bùn lầy, trở thành đặc sản nức tiếng gần xa không chỉ trong nước mà còn vươn mình ra thế giới.

(Bài do Tạp chí điện tử Nông thôn Việt phối hợp Truyền hình báo Tuổi Trẻ thực hiện)

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Bồn bồn thuộc loại cây cỏ, dân địa phương hay gọi là cỏ nến. Loại cây này thường thích hợp sinh trưởng tại vùng nước phèn trũng. Ở vùng đất U Minh, nước càng đỏ thì thân cây lại càng trắng, càng mềm, vị càng ngọt, làm say lòng thực khách…
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất