, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 07/07/2020, 09:30

Con đường mơ ước

THÙY DUNG

Trên tuyến đường cặp kênh Trà Cú Thượng thuộc xã Bình Hòa Bắc (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), bên cạnh cây cầu mới khang trang, vẫn còn đó cây cầu bê tông cũ nhỏ hẹp, thành lan can có khúc bể gãy, trơ ra khung sắt đã rỉ sét. Anh Trần Đăng Khoa - Cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Đức Huệ nói vui: “Hồi đó cây cầu nhỏ xíu này là cây cầu “sang” nhất ở đây đấy nhé, nhưng giờ thì nó “hết thời” rồi”.

Cây cầu cũ nhỏ hẹp nép mình bên cây cầu mới khang trang.
Cây cầu cũ nhỏ hẹp nép mình bên cây cầu mới khang trang.

Thăng trầm một vùng đất

Chúng tôi tìm đến hỏi chuyện vị Đại tá về hưu Hà Văn Lục, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Đức Huệ và cũng là người gắn bó với con kênh Trà Cú Thượng từ lúc sinh ra cho đến nay - khi tuổi đã lục tuần. Hướng mắt về con đường trước nhà, ông vừa nhớ vừa kể rằng vùng đất này có từ thời Pháp thuộc, do múc kênh đắp lên đây nên thành bờ xáng. Hồi đó, người dân đi lại bằng thuyền chứ không có đường.

Trong thời kỳ chống Mỹ, chiến tranh khốc liệt nên người dân vùng này bỏ đi hết. Đến năm 1973 thì chính quyền Sài Gòn cho lập ấp, bà con dỡ hoang làm ruộng cũng chỉ đi đường thủy. Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà nước đưa người về đây để xây dựng khu kinh tế mới, cấp cho mỗi người một căn nhà, một chiếc xuồng và gạo để đủ ăn trong 6 tháng. Thế nhưng được mấy năm thì người ta cũng bỏ đi hết vì không sống nổi ở nơi bưng điền, đất phèn. Mãi sau này, dần dần bà con tản cư cũng tìm về xứ, rồi cùng nhau khai hoang phục hóa. Có người ở, đi lại riết rồi cũng có con đường mòn. Sau 5, 7 năm, bạch đàn người dân trồng cũng đủ lớn để đốn làm cầu khỉ bắc qua các con rạch để đi lại trong mùa khô, khi nước thấp. Đến mùa nước lên thì cầu cũng ngập, không đi được.

Những năm 1987 – 1988, đoàn bộ đội kinh tế của Long An về đây đắp đê thành con lộ nhỏ, người dân và chính quyền địa phương thay cầu khỉ bằng những chiếc cầu cây, và cũng chỉ đi được vào mùa khô. Được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, địa phương bắc được một cây cầu bê tông ở ngay đầu tuyến - chính là cây cầu “sang” nhất mà anh Khoa nói đến. Được mệnh danh là cây cầu “hiện đại” nhất vùng nhưng đến tháng 8, tháng 9 nước ngập thì cũng hết đi được! Nhấp ngụm trà, ông Lục lắc đầu khi nghĩ đến một thời đã qua: “Ngày đó vất vả lắm, tôi đi làm phải gửi xe ngoài đầu đường rồi đi bộ vô, mùa nước thì ra vào phải có cái xuồng nhỏ”.

Ông Lục về hưu đến nay đã 3 năm. Ông cho biết, hồi còn đương chức, năm nào ông cũng thấy Đảng bộ huyện Đức Huệ đặt vấn đề phải mở rộng tuyến đường cặp kênh Trà Cú này, vì đây là một trong những tuyến đường trọng điểm của huyện, dân cư ở đây khá đông. Dù đã khảo sát, nhưng không có ngân sách nên mãi cũng chưa làm được. Huyện từng đề xuất phương án “chạy bền”, mỗi năm chỉ làm chừng 1 - 2 cây số nhưng rồi cũng làm không nổi. Điều này cũng dễ hiểu, bởi huyện Đức Huệ là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Long An. Tuyến đường cặp kênh Trà Cú Thượng có chiều dài 6,6km nhưng có đến 8 cây cầu và 13 cống bắc ngang, tính trung bình cứ hơn 300m lại có 1 cây cầu hoặc cống. Muốn làm được, cần khoản kinh phí rất lớn.

Mở lối cho huyện nghèo

Giữa năm 2017, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Ban tổ chức Chương trình Cầu Nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt đã có chuyến khảo sát tuyến đường cặp kênh Trà Cú Thượng. Tận mắt chứng kiến những khó khăn trong việc đi lại của người dân địa phương, ông Trương Tấn Sang và Ban tổ chức Chương trình đã vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân tài trợ kinh phí xây dựng 3 cầu và 10 cống ngang đường với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng.

Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Vettel tài trợ kinh phí xây dựng 3 cây cầu, Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng Quận 7 – TP.HCM và Bánh mì Như Lan tài trợ kinh phí xây dựng 5 cống, Tập đoàn Minh Hưng Group và Công ty TNHH MTV Anh Minh Anh tài trợ kinh phí xây dựng 3 cống và Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang tài trợ kinh phí xây dựng 2 cống. Sự hỗ trợ của các mạnh thường quân đã mở ra hướng đi cho địa phương. Để phát huy hiệu quả của các công trình cầu/cống, huyện Đức Huệ đã đầu tư nâng cấp toàn bộ tuyến đường, xây dựng thêm 5 cầu giao thông nông thôn và 3 cống ngang đường còn lại. Tổng kinh phí đầu tư gần 25 tỷ đồng từ ngân sách huyện.

Các em học sinh đạp xe trên con đường mới.
Các em học sinh đạp xe trên con đường mới.

Nhắc đến quãng thời gian 6 tháng thi công, anh Đào Ngọc Thanh – Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Đức Huệ cười xòa: “Làm con đường này trầy trật lắm!” Vì không có đường nên tất cả máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng đều phải vận chuyển bằng xà lan. Một số điểm xây cống là các con rạch nhỏ, xà lan không vào được thì phải vận chuyển vật liệu bằng thuyền nhỏ rồi tiếp tục vận chuyển thủ công lên bờ. Có những ngày anh em phải vác từng khối đá trên vai hay xúc từng xe đất đưa từ thuyền đến địa điểm thi công. Huyện Đức Huệ không nằm trong quy hoạch cho phép khai thác đất phục vụ xây dựng nên địa phương phải mua đất từ nơi khác, quãng đường vận chuyển khá xa. Trong quá trình làm việc, đội thi công còn phát hiện ra 3 quả bom nằm sâu dưới mặt đất, Huyện Đội phải xuống xử lý.

“Khó khăn là thế nhưng khi nhìn thấy con đường mới dần hoàn thiện, trở thành một trong những tuyến đường đẹp nhất huyện, thì mọi sự vất vả được thay thế bằng những niềm vui” – anh Thanh tâm sự. Theo thiết kế, nền đường rộng 6,5m, song thực tế khi thi công con đường này có đoạn được mở rộng đến 7,5m. Đặc biệt, địa phương không mất một đồng nào cho việc bồi thường quy hoạch. Phải nói sự đồng tình ủng hộ của người dân đã góp phần rất lớn để quá trình thi công diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ. Địa phương cũng đã vận động Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Long An hỗ trợ cây sao đen để trồng 1 bên đường. Được biết, đây là tuyến đường duy nhất của huyện có đủ độ rộng phù hợp trồng loại cây này. Bên cạnh đó, huyện cũng được một doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư hệ thống chiếu sáng dọc suốt tuyến với kinh phí khoảng 350 triệu đồng.

Điểm tựa để phát triển

Sự xuất hiện của con đường mới này cũng đã làm thay đổi cuộc sống của người dân ở một vùng quê nghèo khó. Đại tá Hà Văn Lục kể, khi công trình thi công đến đoạn đường trước cửa nhà ông, vừa cho thông xe là ông dắt xe máy ra “chạy thử” liền. “Ngày trước trên tuyến này chỉ có vài ba hàng quán nhỏ, người dân mỗi lần đi chợ là mua thức ăn cho cả tuần. Giờ thì chạy cái rẹc là đến chợ”! - ông Lục phấn khởi.

Ngày khánh thành, trong suốt hành trình đưa đoàn đại biểu tham quan tuyến đường cặp kênh Trà Cú Thượng và các công trình cầu, cống trên tuyến đường mới, ông Nguyễn Thanh Nguyên - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ liên tục bày tỏ: “Con đường này đúng là mơ ước ngàn đời của người dân ở đây”.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu tham quan các công trình cầu, cống mới trên tuyến đường cặp kênh Trà Cú Thượng.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu tham quan các công trình cầu, cống mới trên tuyến đường cặp kênh Trà Cú Thượng.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng bất ngờ với sự thay đổi diện mạo ngoạn mục của một xã nghèo. Nhắc lại lần khảo sát còn phải đi bằng xe máy, ông vui mừng khi lần này trở lại đã thấy xe hơi có thể chạy bon bon qua những công trình cầu, cống chắc chắn. “Đây là một trong những tuyến đường mới mở ở Đồng Tháp Mười mà hoàn chỉnh cả đường, điện, cây xanh. Thời gian tới, chắc chắn đời sống của bà con trên tuyến đường này sẽ được cải thiện rất nhiều”.

Không chỉ góp phần cho an sinh xã hội, hệ thống đường giao thông nông thôn được hoàn thiện còn mang lại cơ hội để phát triển kinh tế. Mở đường cho dân đi cũng là là mở lối để doanh nghiệp đến. Nguyên Chủ tịch nước nhắn nhủ: “Địa phương phải biết nắm bắt cơ hội, cần chủ động điều chỉnh quy hoạch, cơ sở pháp lý để thu hút nhà đầu tư. Đức Huệ phải tiến tới trở thành một huyện vừa giàu, vừa đẹp”.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất