, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 24/01/2023, 13:30

Con đường tơ lụa giữa Sài Gòn

MINH MINH
Cách đây hơn 10 năm, trong khu Bảy Hiền có một dự án chung cư mang tên Bảy Hiền Tower. Tọa lạc trên đường Phạm Phú Thứ, ngay trục chính của làng dệt Bảy Hiền xưa. Vì vậy, đội ngũ marketing của dự án đã tận dụng hình ảnh con đường tơ lụa để quảng bá. Bây giờ, vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân từ chủ đầu tư và ảnh hưởng dịch dã, siêu thị vải sợi ở tầng trệt khu chung cư Bảy Hiền lèo tèo hàng hóa, chưa thể thành thế giới giao thương của tơ lụa như chủ đầu tư giới thiệu và dân trong vùng kỳ vọng.

1.

Sài Gòn không chỉ là đô thị hiện đại với những con đường trung tâm có bóng cổ thụ trùm lên tòa biệt thự thơ mộng hay phố xá tấp nập, lấp lánh bảng hiệu. Sài Gòn còn là một công xưởng khổng lồ dẫn đầu cả nước về lượng sản phẩm hàng hoá làm ra.

Tôi may mắn sống trong một quận được xem là công xưởng của Sài Gòn, và còn may mắn hơn khi khu dân cư của tôi là địa danh nổi tiếng ngay cửa ngõ Sài Gòn xưa: khu Bảy Hiền.

Trước 1975, Bảy Hiền được biết tới với những chuồng ngựa, với cụm bốt gác, với bệnh viện Vì Dân (nay là bệnh viện Thống Nhất), và nổi danh bởi đây là làng dệt của của người Quảng Nam di cư tới để tránh bom đạn tại miền Trung khói lửa.

Dữ liệu lịch sử Phường 11 Quận Tân Bình cho biết, chính vì địa hình đặc biệt với nhiều hẻm thông nhau, làng dệt này từng là lui tới, ẩn náu của lực lượng cách mạng, là điểm may và giấu cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tài liệu khác lại cho thấy, những năm 1980 - 1990, thời cực thịnh của nghề dệt thủ công, riêng Phường 11 có tới 1.700 hộ với 4.000 nhân công theo nghề, làm nên 75% GDP của quận, trở thành địa phương chủ lực cung cấp lượng vải sợi cho người thành phố.

Từ ngã tư Bảy Hiền bây giờ, đi về phía Lạc Long Quân chừng 200 mét, khách sẽ gặp đoạn phố nhiều tiệm vải vóc áo quần. Nếu rẽ trái sang khu chợ Tân Bình, khách sẽ chìm nghỉm trong thế giới của thời trang với hàng trăm mặt bằng, kios, bịt kín hai mặt tiền các con đường nhỏ quanh chợ. Nếu rẽ phải, theo đường Bảy Hiền, Năm Châu, Võ Thành Trang, Phạm Phú Thứ hay Hồng Lạc, khách sẽ lọt vào làng dệt Bảy Hiền nổi tiếng.

Tất nhiên trong làng dệt bây giờ không còn những khung dệt cổ bằng gỗ như trong các bài báo du lịch. Khi vải Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã phong phú tràn ngập thị trường và cuộc cách mạng 4.0 len lỏi tới từng làng nghề, ngành vải đã số hóa dần theo từng mẫu thiết kế, mẫu cắt, mẫu thêu, mẫu dập kỹ thuật cao…

Hơn 20 năm sinh sống ở đây, chúng tôi uống cà phê, ăn mì Quảng giữa tiếng máy dệt lạch xạch dọc các trục đường Võ Thành Trang, Nguyễn Bá Tòng, Năm Châu… Sâu trong các con đường nhỏ, các con hẻm nhỏ xíu quanh khu chợ Bà Hoa (chợ chuyên bán thực phẩm của người Quảng) là tiếng rào rào như mưa của dàn máy may công nghiệp, máy thêu, máy kansai... Âm thanh của các dàn máy nghề vải quen thuộc tới mức chúng tôi hầu như không còn nhận ra hay để ý chúng. Nhưng những người bạn từ phương xa tới hay Việt kiều về thường ngạc nhiên thích thú trước những âm thanh đó. Họ cũng hỏi thăm rất nhiều về những khung dệt vải truyền thống với hình ảnh con thoi gỗ được xem trên guidebook.

Thực tế, theo thời cuộc, các xưởng may gia đình bây giờ hầu như không còn dệt vải bằng khung dệt thủ công thuở người Quảng mang từ các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên vào Sài Gòn. Bây giờ, sản xuất vải phải theo công nghệ mới để có chất lượng tốt hơn, năng suất cao hơn. Chủ các cơ sở bán máy cũ, nhập máy móc, nguyên liệu từ nước ngoài, màu sắc mẫu mã cũng bám kịp thị hiếu để cho ra các sản phẩm theo nhu cầu đổi thay của người tiêu dùng hiện đại. Trong phường, nhiều nhà đã bỏ làm dệt, chuyển sang may gia công hoặc kinh doanh nguyên phụ liệu ngành may.

Khi hàng vải sợi Trung Quốc, Hàn Quốc tràn ngập thị trường, để tồn tại, người làng Bảy Hiền phải linh hoạt và nỗ lực rất nhiều. Ở các quán cà phê khu vực này, câu chuyện trao qua đổi lại không phải là chứng khoán, đất đai, mà sẽ là nhập máy móc hay sợi, về việc xuất hàng đang nghẽn khâu nào. Trong và sau những ngày dịch Covid-19 căng thẳng, một số hộ nhập dán máy sản xuất khẩu trang, cung cấp ra thị trường một lượng hàng rất lớn.

Dù bị cạnh tranh dữ dội và khốc liệt, Bảy Hiền hôm nay vẫn là một xưởng gia công ngành may khổng lồ. Mùa làm hàng Tết của dân nghề vải bắt đầu từ giữa năm, các xưởng sản xuất sáng đèn thâu đêm. Tới khoảng tháng 11, tháng 12, quần áo thành phẩm đã được vô bao bì, ngồn ngộn trong kho xưởng, chuẩn bị theo xe lên đường.

Ngoài giao dịch trực tiếp với các mối hàng ở tỉnh xa hay ra nước ngoài, hàng hoá Bảy Hiền còn được xe máy, xe ba gác chở tới để giao thương tại chợ Tân Bình, các chợ vải phía Chợ Lớn như chợ Bình Tây, An Đông…

Chợ Tân Bình bên hông khu Bảy Hiền là ngôi chợ sỉ hàng thời trang bình dân. Chợ quanh năm đông vui, nhộn nhịp. Hàng Trung Quốc nhập từ Quảng Đông (Trung Quốc) cũng về tập kết tại đây, trước khi theo chân mối lái về nơi bán lẻ. Mang tên “hàng chợ”, quần áo vải vóc chợ Tân Bình phục vụ thị hiếu phổ thông. Khách có thể tìm từ quần áo mặc ở nhà tới quần áo công sở, đồng phục học sinh, quần áo thời trang cho giới trẻ.

Chợ Tân Bình còn là đầu mối cung cấp áo cưới lớn nhất thị trường phía Nam. Đầm cưới, áo dài, quần áo vest… cho cô dâu chú rể ở đây có mẫu mã phổ thông, được các nhà thiết kế nhận xét là rườm rà, nhiều kim sa hột bẹt, nhưng lại rất hợp với thị hiếu người dân xã huyện Sài Gòn và dân tỉnh. Nếu chịu khó chọn lựa mẫu mã và đặt may tại chợ, các cô dâu có thể sở hữu chiếc soire cưới giá rẻ có phom dáng không thua kém chiếc với áo cưới trong tủ kính ở các con đường thời trang đắt đỏ của thành phố.

2. 

Tôi có người bạn tên Thuý Hà, kinh doanh vải ở mé cổng chính chợ Tân Bình. Cách đây hơn 10 năm, chị Hà “ra riêng” bằng một kios trong chuỗi kios chuyên doanh vải, như một kiểu mở rộng quy mô chợ Tân Bình tự phát. Khi nhà lồng trở nên chật chội, hàng loạt con đường quanh chợ đã thành phố vải vóc quần áo. Mặt bằng các tiệm vải lan mạnh và kéo cả về phía đường Bảy Hiền, Phạm Phú Thứ, trong làng dệt Bảy Hiền cũ.

Mỗi lần ghé sạp vài vài mét vuông của chị Hà vào buổi trưa nắng nóng, tôi luôn thấy ngộp bởi vải lèn chất ngồn ngộn tới trần, cô chủ thì ngồi lọt thỏm trong vải ăn cơm hộp. Nhìn có vẻ nhếch nhác vậy thôi, chứ vốn lưu động của Hà hàng chục tỷ, khách hàng của Hà ở khắp các miền.

Nghề bán vải của Hà, được truyền lại từ mẹ - một bà giáo sau 1975 từ Huế vào Sài Gòn dùng toàn bộ vốn liếng thuê sạp vải nhỏ nuôi bầy con và ông giáo mất việc. Bây giờ, cơ ngơi của họ là căn biệt thự sang trọng trên con đường lớn. Đó là điều gia đình bà giáo nhập cư không ngờ, nhưng dân buôn vải giàu là điều chẳng ai ngạc nhiên. Rất nhiều năm trước, kinh doanh vải là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận.

Mẹ tôi, một nhân viên nhà nước ở tỉnh lẻ, sau khi nghỉ hưu non với số vốn nhỏ và khát vọng có tiền nuôi con ăn học, cũng góp phần nhỏ bé vào dòng chảy thời trang. Mẹ và các bạn thương lái từ nhiều tỉnh thành tới chợ Tân Bình chọn mua hàng, rồi mang quần áo, mỹ phẩm, giày dép về phân phối cho các sạp chợ ở thành phố quê hương. Từ chợ thành phố, hàng hoá lại đi tiếp về các vùng quê, các khu chợ miền núi. Mẹ tôi hay nói, chợ Tân Bình và Chợ Lớn chính là hai nơi “định nghĩa thời trang” cho dân quê. Cứ bạn hàng chợ Tân Bình giới thiệu trend nào, thì thanh niên quê tôi có mẫu mã đó để diện. Tôi thì thấy, từ những xưởng dệt, tơ sợi thành tấm vải mỹ miều, qua tới những xưởng cắt xưởng may, vải thành áo thành quần. Ra tới những sạp chợ như của chị Thuý Hà, theo những chuyến hàng của mẹ tôi… con đường tơ lụa từ Tân Bình đã nối dài khắp nước.

Lại nhớ, có lần tôi dự một cuộc họp của quận Tân Bình với ngành công thương, anh lãnh đạo đại diện quận Tân Bình đã nêu cái ý: Dù ở cửa ngõ hàng không, quận Tân Bình không ôm giấc mơ thành trung tâm du lịch, mà chọn hướng sản xuất, gia công, và đẩy mạnh các dịch vụ thiết yếu.

Đấy là hướng đi đúng, rất “biết mình biết người”, giúp Tân Bình phát triển bền vững bao năm. Nhưng ngồi bên nhau trong các con hẻm ồn tiếng máy dệt, chúng tôi, những kẻ trung niên vẫn mơ mộng: Một ngày nào đó, quận Tân Bình đẩy thêm mảng du lịch dựa trên thế mạnh của mình.

Tân Bình đã có ngôi chợ Bà Hoa và đặc sản món Quảng, nay hoàn toàn có thể tận dụng kết hợp để thiết kế sản phẩm du lịch cho những vị khách yêu thích văn hóa bản địa và mê mua sắm hàng giá rẻ. Chợ Tân Bình và các con đường quanh chợ có thể quy hoạch thành khu chợ thời trang bình dân cuối tuần giống chợ Chatuchak nổi tiếng của Thái Lan; có thể thiết kế các tour chợ áo quần bán về đêm giống trên đường phố Bangkok hay phố cổ Hà Nội. Bên cạnh đó, rất cần hỗ trợ các hộ dân người Quảng giữ lại máy dệt khung gỗ kiểu cổ, để lưu giữ kỷ niệm về một làng nghề trong phố, để dựng tour tham quan làng dệt, tham quan “con đường tơ lụa”…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất