, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 03/02/2022, 10:00

Còn duyên, mình lại bài chòi

CẨM HÀ
Sáng xuân đẹp trời này, tôi bỗng da diết nhớ Bình Đào. Xã thuộc huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam, nổi tiếng nhờ loại khoai lang Trà Đỏa vừa to vừa bở, một củ cả nhà đủ ăn. Nhưng tôi không nhớ khoai bằng nhớ bài chòi. Đó là lần duy nhất cho đến nay tôi được tham dự một cuộc chơi bài chòi thực sự của người dân quê.
Anh “hiệu” trình diễn bài chòi.

Đâu chỉ là “hái” thử vận may!

Việc của tôi, sau khi lẽo đẽo theo chị lên chợ, là trông hai cái thúng và nhóm một lư giác trầm nho nhỏ để “quảng cáo” cho mặt hàng đặc biệt chỉ bán dịp năm hết Tết về của chị. Trong lúc ấy, chị sẽ đi một vòng chợ để thanh toán công nợ với cuốn vở học sinh ghi chép nguệch ngoạc dày kịt. Khi chị quay về - mà nhanh lắm, có lẽ ai cũng muốn gọn lẹ chứ không khó khăn ngặt nghèo gì với nhau - thì những miếng giác trầm bắt đầu tỏa làn khói thơm nhè nhẹ lên trời và tôi được “giải phóng” với chút tiền lẻ để đi ăn quà. Chưa ăn vội, tôi chạy tuốt tới chỗ chừng chục chiếc chòi lá được dựng lên nơi góc chợ để xem bài chòi. Xem thôi, vì còn “con nít”, chưa thể đàng hoàng mua thẻ leo chòi.

Kỳ lạ là sau bao nhiêu năm tháng, tôi vẫn còn nhớ tiếng hô của anh “hiệu” - người chủ trò mà cũng là “diễn viên” chính: “Mừng ngày Nguyên đán/ Dân làng bè bạn/ Khán giả gần xa/ Vận may có sẵn đây mà/ Ghé vô nhận lấy, chậm là tuột tay/ Nhanh chân chọn một chòi bài/ Vận may ta hái lộc tài đầu xuân”.

Thật khó để định nghĩa bài chòi là loại hình giải trí gì. Thì là chơi bài, có thưởng. Nhưng cái háo hức được thưởng không thú vị bằng sự đoán đợi kết quả thông qua các hình thức diễn xướng phong phú và lối pha trò dí dỏm của anh hiệu, chị hiệu (người phụ với anh hiệu dẫn dắt cuộc chơi). Thế nên gọi là “chơi bài” thôi thì còn lâu mới đủ!

Bãi chòi có một chòi chính ở giữa, hai dãy chòi hai bên gồm mỗi bên 4 - 5 chòi, mỗi chòi đủ cho vài người ngồi. Bộ bài để đánh bài chòi nom như bộ tam cúc, với 33 con bài mang các tên gọi nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Thằng Bí, Lá Liễu… vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Mỗi thẻ tre dán ba con bài, không trùng nhau. Người chơi mua thẻ, lên chòi ngồi chờ nghe “quay số mở thưởng”.

Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai, tại sao gọi là “hô thai” sẽ nói ở phần sau) xốc ống bài, rút ra một con và sẽ xướng tên con bài đó lên. Để tạo ra không khí gay cấn và bắt người chơi phải động não, anh hiệu sẽ trình diễn một câu hát nào đó gợi ý về con bài rồi cố ý trình diễn trò trước khi chính thức công bố con bài được rút.

Bài chòi xưa.

Chẳng hạn, với con bài “Thằng Trò”, anh hát: “Đi đâu cọ xiểng đi hài/ Cử nhơn không đậu, tú tài cũng không”. Con Chín Gối: “Cổ tay em trắng lại tròn/ Để cho ai gối đã mòn một bên”. Nếu chị hiệu phụ việc cười duyên, rút được con Ông Ầm, anh rất có thể ứng tác: “Nửa đêm gà gáy le te/ Muốn đi rón rén đụng nghe cái ầm”. Anh hiệu tùy ý vận dụng và sáng tác các câu hát, làn điệu, từ hò khoan, hát ru cho tới lý thương nhau, lý tình tang… chêm xen bằng cả các điệu múa dân gian như hát tuồng trông rất nhộn. Không hiếm người chơi đã khấp khởi mừng thầm, hóa ra… bé cái nhầm về con bài đang được nói tới.

Sau này, tôi còn nghe được rất nhiều câu thai bài chòi dí dỏm khác nữa: “Lưng choàng áo đỏ/ Đầu đội khăn đen/Chân đi lèng quèng/ Là ông chân gãy” (con Tử Cẳng). Hay “Lội suối trèo non/ Tìm con chim nhỏ/ Về treo trước ngõ/ Nó gáy cúc cu” (con Chín Cu)…

Còn duyên…

Thế tại sao lại gọi anh hiệu là người “hô thai”? Theo “Đại Nam quấc âm tự vị” của cụ Huỳnh Tịnh Của xuất bản ở Sài Gòn năm 1896, “thai” còn đọc là “xai”, từ Hán Việt, có nghĩa là “nghi, bói, định chừng”. Do câu hô của anh hiệu buộc người nghe phải đoán, nên nó cũng là một loại “thai”. Xưa, thai đố cũng là một cuộc vui của tao nhân mặc khách. Một người hay chữ được chọn làm thầy thai ra đề, cầm trống cho người ta nói thai. Đoán trúng thì đánh một hồi trống, nói trật thì gõ tang trống. Trúng thì được thưởng, mà trật thì cười xòa vui vẻ, hòa cả làng. Thai đố khó hơn nhiều so với những câu thai bài chòi. Như: “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai miệng, một lời song song” (Vật gì? Trả lời: ống sáo). “Núi kia ai đắp mà cao/ Sông kia, biển nọ ai đào mà sâu?” (Bánh gì? Trả lời: bánh hỏi).

Trở lại với bài chòi. Vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, ở dải đất miền Trung còn nhiều thú dữ trên rừng về phá hoại mùa màng, quấy nhiễu cuộc sống của dân lành. Dân làng bèn dựng những chiếc chòi cao, cắt cử trai tráng canh gác, nếu thấy thú dữ về thì đánh trống, hò hét đuổi đi. Trong lúc canh gác, người ta ngồi trên các chòi hô - hát đối đáp hoặc đánh bài với nhau để giải trí. Đó là khởi nguồn của nghệ thuật bài chòi sau này.

Bộ bài chòi.

Bài chòi có thể coi là môi trường thực hành và sáng tạo nghệ thuật, đồng thời giúp bảo tồn vốn văn nghệ dân gian, phong cách trình diễn và các giá trị văn hóa vùng miền. Rất nhiều tục ngữ, ca dao, bài vè… đã được biến tấu một cách linh hoạt khi hô bài chòi, tạo nên sự hấp dẫn riêng có. Vì thế, nhất là sau khi được công nhận di sản văn hóa, bài chòi vẫn được tổ chức ở nhiều nơi, không chỉ vào dịp Tết đến xuân về. Du khách đến Hội An, kể cả người nước ngoài, cũng được hướng dẫn để tham gia vào hình thức sinh hoạt văn hóa - giải trí thú vị này…

*

Tôi nhớ bài chòi, nhưng còn nhớ chị Hai Bườm của tôi hơn. Nếu không có bác Hai, chị Hai Bườm của tôi ở xứ xa đó thì một đứa bé rặt thành phố như tôi đâu biết đến bài chòi mà nhớ. Xa lắm rồi, những người thân yêu chất phác của tôi…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất