, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 11/06/2021, 16:05

Còn nhiều lắm những nhịp cầu ọp ẹp

THÙY DUNG

Về vùng trũng Long An những ngày cuối tháng 5, khi các trận mưa lớn bắt đầu dội xuống liên tục ở vùng đất này, chúng tôi càng thấm thía nỗi vất vả của bà con nơi đây. Thiếu những cây cầu kiên cố, việc đi lại ở vùng sông nước vốn đã khó lại càng khó hơn…

Cầu kênh Đầu Ngang (huyện Tân Hưng) đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn.

Tân Hưng: Còn đó nỗi mong chờ

Ngày Ban tổ chức Chương trình Cầu Nông thôn về huyện Tân Hưng (Long An) để khảo sát các vị trí dự kiến xây dựng cầu, trời mưa tầm tã từ sáng sớm. Lúc đến vị trí cầu Kênh Đầu Ngàn thuộc địa bàn ấp 3 (xã Thạnh Hưng) thì trời cũng vừa tạnh. Trước mắt chúng tôi là cây cầu gỗ nhỏ hẹp chỉ vừa cho một chiếc xe máy chạy qua. Sau cơn mưa, nền cầu bằng ván ọp ẹp vốn đã không bằng phẳng giờ lại thêm phần trơn trượt. Mỗi khi xe chạy qua, chiếc cầu rung lên, bánh xe loạng choạng chực ngã khiến chúng tôi không khỏi thót tim. Nguy hiểm là vậy nhưng muốn qua kênh thì không còn lựa chọn nào khác vì đây là cây cầu duy nhất nối liền đôi bờ kênh ở khu vực này.

Còn tại xã Vĩnh Đại, cây cầu bắc qua kênh Ngang thuộc ấp Vĩnh Bửu tuy chắc chắn hơn nhờ được làm bằng sắt, nhưng cũng chỉ có xe máy lưu thông được. Trên con đường này của Vĩnh Đại có đến 4 điểm cầu giống vậy, thế nên việc vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Cuộc, nhà ở ngay đầu cầu bộc bạch: “Bà con vùng này mong có cây cầu mới dữ lắm, chỉ cần cầu có “tấn” thôi là mừng lắm rồi”!

Trực tiếp dẫn chúng tôi đi khảo sát, ông Huỳnh Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - cho biết trên địa bàn huyện còn rất nhiều những cây cầu tạm. Có tuyến kênh thậm chí còn chưa có cầu bắc ngang, người dân phải di chuyển bằng thuyền hoặc đi đường vòng khá xa. “Mặc dù huyện đã nỗ lực đầu tư song đến nay hệ thống cầu và đường giao thông nông thôn trên địa bàn vẫn chưa được đồng bộ. Điều này gây ra không ít trở ngại trong việc đi lại, giao thương của bà con, nhất là trong mùa mưa lũ”. - ông Huỳnh Thanh Hiền chia sẻ.

Theo quy hoạch, trong thời gian tới, huyện Tân Hưng cần đầu tư xây dựng gần 20 công trình cầu đường bộ tại các địa điểm trọng yếu.

Rạch Tràm - Mỹ Bình: Đường xong cầu chưa… đủ

Tuyến đường Rạch Tràm - Mỹ Bình chạy dọc theo bờ kênh Rạch Tràm thuộc huyện biên giới Đức Huệ kết nối cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây với trung tâm hành chính tỉnh và các huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Đức Hòa, đặc biệt là TP.HCM. Chạy dài hơn 33km và đi qua 6 xã: Bình Hòa Hưng, Bình Thành, Mỹ Bình, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Quý Tây và Mỹ Quý Đông, tuyến đường này khi hoàn thành sẽ giúp lộ trình từ các xã biên giới như Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Tây đi thành phố Tân An rút ngắn từ 70km chỉ còn 50km. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ cho biết: “Đây là một trong những tuyến đường giao thông huyết mạch của huyện, có ý nghĩa rất lớn trong việc liên kết vùng nhằm phát triển kinh tế xã hội cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng”.

Sắp tới, những cây cầu tạm trên tuyến đường cặp kênh Trà Cú (huyện Thạnh Hóa) sẽ được xây mới.

Nhận thấy tầm quan trọng của tuyến đường, thời gian qua, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ban Tổ chức Chương trình Cầu nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt đã vận động được các doanh nghiệp tài trợ kinh phí xây dựng 8 cây cầu, đoạn từ cầu T62 đến cầu Ba Lạng, trên tuyến Rạch Tràm - Mỹ Bình. Khi hoàn thành, 8 cây cầu này sẽ giúp nối thông một đoạn dài gần 7km trên tuyến Rạch Tràm - Mỹ Bình; đoạn đường này chạy qua 4 xã Bình Hòa Hưng, Bình Thành, Mỹ Bình và Mỹ Thạnh Tây, kết nối đường tỉnh 818 với đường tỉnh 838B. Những cây cầu này hiện đã cơ bản hoàn thành và dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 6 tới.

Riêng đoạn còn lại (từ cầu Ba Lạng đến sông Vàm Cỏ Đông) của tuyến Rạch Tràm - Mỹ Bình, hiện địa phương đã đầu tư làm xong đường cấp phối rộng 7m, nhưng vì chưa đủ kinh phí làm cầu nên xe cộ chưa lưu thông được. Ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ: “Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân để có tiền làm cầu và đưa đường Rạch Tràm - Mỹ Bình vào sử dụng. Đường mà thông thì đời sống người dân ở huyện biên giới Đức Huệ cũng sẽ từng bước được nâng lên”.

Đường cặp kênh Trà Cú đã reo vui

Về Thạnh Hóa, chúng tôi đến thăm xã biên giới Thuận Bình. Theo lời kể của anh Nguyễn Văn Tèo, Chủ tịch UBND xã, Thuận Bình là một trong những vùng kinh tế mới của tỉnh Long An. Do là vùng đất biên giới và đa phần là dân kinh tế mới, xâm canh nên địa phương gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Xuất phát điểm thấp là vậy, nhưng với nỗ lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xã Thuận Bình đã từng bước trở mình. Hiệu quả từ những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần nâng cao đời sống người dân. Từ trồng lúa, trồng tràm là chính, nay bà con chuyển sang trồng chanh, sầu riêng, bưởi, mít, cà na Thái... mang lại thu nhập khá cao.

Bớt đi nỗi lo về phát triển sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho nông dân, xã biên giới Thuận Bình giờ đây lại đang loay hoay với việc hoàn thiện giao thông nông thôn để nâng cao đời sống nông dân và thúc đẩy giao thương phát triển. Ông Nguyễn Văn Tèo bày tỏ: “Hiện số lượng cầu giao thông nông thôn cần được xây mới hoặc bê-tông hóa trên địa bàn xã còn khá nhiều. Chúng tôi lại không đủ kinh phí. Đây là bài toán rất khó của xã”…

Trên địa bàn huyện Tân Hưng, còn rất nhiều cầu tạm nhỏ hẹp, tải trọng yếu, chỉ để cho xe máy qua lại.

Nhờ sự vận động tích cực của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ban Tổ chức Chương trình Cầu nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt, mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đã đồng ý tài trợ 3 tỷ đồng để xây dựng 4 công trình cầu, cống trên tuyến đường cặp kênh Trà Cú thuộc xã Thuận Bình. Hiện 4 cây cầu cũ trên tuyến đường này đều là những cây cầu tạm, nhỏ hẹp, tải trọng yếu, xe lớn không thể qua được.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND huyện Thạnh Hóa cho biết: “Đường cặp kênh Trà Cú là tuyến giao thông kết nối xã biên giới Thuận Bình với các xã lân cận trong huyện. Có con đường này, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con xã biên giới sẽ thuận lợi hơn, nông sản sẽ có giá hơn. Hiện chúng tôi đang khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để các công trình này sớm được khởi công”…

*

Với sự hỗ trợ nhiệt tình của rất nhiều doanh nhân - doanh nghiệp và các mạnh thường quân khác (thông qua chương trình Cầu Nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt) mà nhiều cây cầu nông thôn đã được xây dựng, giúp việc đi lại, giao thương của người dân ở các vùng còn khó khăn được cải thiện, đời sống bớt đi nhiều nhọc nhằn và bộ mặt làng quê ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vùng đất khác đang bị chia cắt và cần lắm những nhịp cầu nối những bờ vui. Ban Tổ chức Chương trình Cầu Nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cá nhân, đơn vị để có thể nối thêm những bờ vui nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân và nông thôn có thêm điều kiện phát triển…

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất