, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 10/08/2023, 06:30

Con số biết nói: 1 tỷ đô-la

TRẦN TRỌNG THỨC
Trái sầu riêng về nhan sắc bên ngoài trông xấu xí nhưng lại đang trong một cuộc chạy đua đường dài giữa các nước Đông Nam Á tìm đường vào thị trường Trung Quốc, nơi đang xem đây là trái cây được ưa chuộng đến mức có thể làm quà tặng vào dịp lễ lớn.
Hình minh họa.

Hiệp định Tự do hóa thương mại, Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực được một năm đã giúp cắt giảm thuế đối với trái cây Đông Nam Á xuất sang Trung Quốc. Hồi năm ngoái, thị trường này đã nhập khẩu hơn 824.000 tấn sầu riêng tươi, trị giá hơn 4 tỉ USD trong đó 3,1 tỉ USD thuộc về Thái Lan. Có thể nói trong cuộc chạy marathon này, sầu riêng Thái đang dẫn đầu, phía sau là Malaysia và thêm trái sầu riêng của Philippines cũng đang nhập cuộc.

Việt Nam ta khiêm tốn chạy theo với hy vọng kiếm được 1 tỉ USD vào năm 2023 trong điều kiện thực tế hiện nay. Nhưng nông dân ta thì có tính toán lớn hơn đã tự động tăng diện tích trồng như một giải pháp đón đầu.

Mới đây, Cục trồng trọt (Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã khuyến cáo các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Đông Nam bộ kiểm soát diện tích cây sầu riêng, không để diện tích loại cây trồng này tăng nóng. Trước đó, vào cuối tháng 11/2022, Bộ NN&PTNT cũng đã có chỉ thị về việc phát triển bền vững cây sầu riêng, trong đó cảnh báo tình trạng phát triển nóng ở nhiều địa phương, đồng thời nêu ra nhiều bất cập, rủi ro thách thức trong hoạt động sản xuất xuất khẩu sầu riêng ở nước ta. Từ đó yêu cầu các địa phương rà soát diện tích, xây dựng đề án kế hoạch phát triển theo vùng tập trung gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng cơ sở đóng gói sơ chế chế biến. Nông dân được khuyến cáo không tự mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu không phù hợp, không tuyên truyền chặt phá hoặc chuyển đổi các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng.

Tuy nhiên, đến nay theo thống kê chưa đầy đủ, tổng diện tích cây sầu riêng của cả nước đã đạt hơn 100.000ha, vượt xa 75.000ha theo định hướng đến năm 2030, nhưng diện tích loại cây này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này cũng dễ hiểu vì từ ngày sầu riêng được nhập khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (11/7/2022), giá sầu riêng liên tục tăng cao, đem lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với cây lúa hoặc các loại cây trồng khác, do đó có thể nông dân không lường trước được những hệ lụy khi đổ xô trồng sầu riêng.

Cũng nên lưu ý rằng Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với cây sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc chỉ có hiệu lực trong vòng ba năm. Sau đó không ai dám chắc trái sầu riêng Việt Nam vẫn còn được xuất khẩu thuận lợi hay không, nhất là trong điều kiện cạnh tranh gay gắt mà Việt Nam không có ưu thế.

Các thống kê cho thấy sầu riêng của Việt Nam đã xuất khẩu đi 22 nước trên thế giới nhưng thị trường lớn nhất vẫn là Trung Quốc. Trong giai đoạn 2015 - 2021, khối lượng xuất khẩu trái sầu riêng hằng năm của chúng ta vào khoảng 10.000 - 15.000 tấn. Năm 2022 là năm đầu tiên mở cửa xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, khối lượng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường này là 40.000 tấn, chiếm 78% lượng xuất khẩu dầu riêng của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu đạt 420 triệu USD.

Năm tháng đầu năm 2023, khối lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 65.000 tấn, tăng 41% so với cả năm 2022. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm 97% trong tổng khối lượng sầu riêng xuất khẩu của nước ta. Với kết quả này, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm nay sẽ lên đến 1 tỉ USD.

Nhưng chúng ta cũng đừng quên đảo Hải Nam (Trung Quốc) cũng đang làm thí điểm trồng sầu riêng với quy mô lớn, mặc dù chưa có kết quả tốt nhưng vẫn có tham vọng thay thế sầu riêng nhập từ Đông Nam Á như lâu nay.

Trong khi đó, nhận thấy sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ như Việt Nam, Malaysia và Philippines khiến mất vị thế độc tôn của mình, Thái Lan đã đề ra giải pháp ứng phó để giữ thị trường với việc nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng. Thái Lan cũng thúc đẩy xuất khẩu bằng đường bộ, đường sắt qua Lào để rút ngắn thời gian nhằm cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam và các nước khác.

Hiện nay có một mối lo ngại là việc diện tích cây sầu riêng tăng thiếu kiểm soát đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nông dân. Hàng trăm nghìn héc-ta sầu riêng đang được trồng vội vã hôm nay sẽ cho thu hoạch vào năm sáu năm tới. Khi đó không biết thị trường với giá sầu riêng sẽ ra sao? Nguy cơ tái hiện tình trạng cung vượt cầu như đã từng xảy ra đối với nhiều loại cây trồng khác là rõ rệt, khi đó nông dân sẽ phải gánh hậu quả vì chạy theo biến động thị trường. Xin đừng để trái sầu riêng trở thành trái sầu chung của nông dân và nền kinh tế.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất