, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 15/03/2023, 07:00

Con số biết nói: 2045

TRẦN TRỌNG THỨC
Hồi đầu tháng 2 năm nay, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố số liệu cho thấy năng suất lao động của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn Campuchia (gấp 2,4 lần), Myanmar (gấp 1,6 lần) và Lào ( gấp 1,2 lần).Trong khi đó năng suất lao động ở Singapore gấp 26 lần chúng ta, Malaysia gấp 7 lần, Thái Lan gấp 3 lần và Philippines gấp 2 lần.

Thực tế này quả là đáng buồn với một đất nước thoát khỏi chiến tranh gần nửa thế kỷ và vùng vẫy đổi mới kinh tế trong 25 năm mà vẫn chưa phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực. Và cũng đáng buồn hơn khi Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo với các cơ quan nhà nước rằng nếu năng suất lao động không được sớm cải thiện thì đến năm 2045, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội khi thị trường lao động vào thời điểm ấy đi vào một cuộc tranh gay gắt, lao động dịch chuyển tự do.

Năng suất lao động thường được hiểu đơn giản là số lượng sản phẩm làm ra (tính theo GDP) trên một lao động làm việc. Tất nhiên năng suất này còn tùy thuộc vào một số yếu tố khác như máy móc, công nghệ; nhưng quan trọng hơn cả là kỹ năng người lao động sử dụng thuần thục máy móc và công nghệ đó. Nói cho dễ hiểu, để có được năng suất này thì người lao động phải có kỹ năng cao. Khổ nỗi con số này nước ta chỉ dừng lại ở mức 11,6% và chỉ có 26% lao động đã qua đào tạo có bằng cấp hoặc chứng chỉ (!). Chính điều này khiến lao động Việt Nam khó cạnh tranh với các nước khác trong khu vực, nơi người lao động chịu khó học hỏi, làm việc nghiêm túc, ý thức kỷ luật cao và nhà nước có một chính sách đào tạo nhân lực hợp lý.

Chúng ta thường nghe nói đến khái niệm dân số VN đang ở vào thời kỳ vàng, nhưng chất lượng lao động vẫn còn dừng lại ở màu xám.

Các nghiên cứu thống kê cho thấy 68% công việc tại Việt Nam hiện nay đòi hỏi kiến thức về kỹ năng số. Và theo ước tính đến năm 2045, thị trường lao động nước ta có thêm 10 triệu việc làm mới chủ yếu trong các ngành dịch vụ hiện đại cũng như một số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất, đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật số.

Nếu tỷ lệ lao động kỹ năng cao của Việt Nam quá thấp và không đủ để đáp ứng tốc độ phát triển của nền kinh tế thì đến thời điểm đó, ít nhất khoảng 2 triệu việc làm sẽ bị mất đi và lợi thế lại thuộc về lao động nước ngoài có kỹ năng cao. Điều này thật đáng lo khi thị trường lao động Việt Nam đang đứng trước thách thức bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh và xu hướng sử dụng Robot vào sản xuất kinh doanh mà trình độ kỹ năng của lao động Việt Nam còn quá nhiều hạn chế.

Những khảo sát đáng tin cậy cho thấy hiện nay chỉ 8,96% lao động Việt Nam có khả năng làm việc từ xa, 5% lao động có trình độ tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập. Thu nhập bình quân của lao động Việt Nam khoảng 300USD tương đương với 7 triệu đồng, thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực thường là khoảng 1.992USD.

Thực tế tuyển dụng lao động cũng cho thấy sự bất ổn, chẳng hạn như lao động phổ thông là nhóm dễ tuyển người nhất với 62%, kế toán và quản lý 42%, cán bộ kỹ thuật 25%, quản lý giám sát 20%. Trong khi đó để tuyển một giám đốc điều hành thật là khó khăn, chỉ khoảng 5% đã là một mơ ước của nhiều giám đốc nhân sự.

Tất cả bất ổn đó lâu nay dồn hết cho các doanh nghiệp. Nhà nước cũng đã nhiều lần bàn về chính sách đào tạo nhân lực hợp lý hiện đại, nhưng rồi đâu cũng vào đấy chưa thấy có sự phát hiện nào cho chúng ta một sự tin cậy lâu dài. Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung vào các giải pháp nâng cao nhận thức về thị trường, xem lao động là hàng hóa đặc biệt để có cơ chế chính sách phù hợp, có những thay đổi trong chính sách tiền lương để người lao động gắn bó cống hiến cho doanh nghiệp, quan tâm tới dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, đảm bảo phân bổ hợp lý và cuối cùng là đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Thật ra đây không phải là những điều mới, chủ trương đã có rất nhiều nhưng thực thi thì không có hiệu quả. Nên chăng lần này cần tập trung vào việc đầu tư, nâng cao năng lực của hệ thống giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế là hiện nay có một lượng lớn sinh viên ra trường không có việc làm hoặc làm những công việc không đúng ngành học, thậm chí có người phải đầu quân vào đội ngũ chạy xe công nghệ để kiếm sống. Sự lãng phí này chẳng lẽ không phải trách nhiệm của hệ thống giáo dục đào tạo và cao hơn là các chính sách phân bổ nguồn nhân lực chưa hợp lý?

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.


Căn bệnh virus sưng chồi ca cao (CSSVD) do loại rệp sáp gây ra đang tàn phá những rừng cây ca cao ở Tây Phi và có khả năng khiến nguồn cung chocolate toàn cầu gặp nguy hiểm.
Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất