, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 21/01/2023, 05:30

Con số biết nói: 44,2%

TRẦN TRỌNG THỨC
Từ ngàn xưa, uống rượu là một phần lễ nghi trong văn hoá của người Việt chúng ta, thế nhưng ngày nay đã trở thành một tệ nạn. Một số du khách phương Tây tỏ ra ngạc nhiên khi thấy quán nhậu bên đường tràn lan khắp các đô thị và vùng nông thôn, vui uống rượu đã đành mà buồn người ta vẫn nhậu nhẹt la lối ồn ào ngay cả trong đám ma.
Hình minh họa.

Ca dao quán nhậu hôm nay là “chim khôn chọn cành cao để đậu, người khôn chọn bạn nhậu để chơi”, hoặc “rượu làm từ gạo mà ra, ta đây uống rượu cũng là… ăn cơm”.

Cục Y tế dự phòng của Việt Nam cũng như Tổ chức Y tế Thế giới đều nhấn mạnh rằng việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là giới trẻ và được thể hiện qua các tiêu chí: mức tiêu thụ bình quân đầu người quy đổi ra lượng cồn nguyên chất, tỷ lệ sử dụng rượu bia của hai giới, và sử dụng ở mức nguy hại, tất cả đều ở mức cao.

Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh khác nhau. Số người chết vì rượu trong một năm lên đến 40.800. Và theo WHO, Việt Nam đang xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ ba ở châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia tính theo đầu người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến khi 44,2% người trưởng thành Việt Nam làm bạn với ma men.

Rượu bia là nguyên nhân gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế xã hội, thách thức các nỗ lực giảm nghèo bền vững. Theo Bộ Thông tin Truyền thông và Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế thì năm 2021 có tới 64% nam giới và 10% nữ giới uống rượu bia suốt 30 ngày trong tháng. Đáng chú ý tỷ lệ uống ở mức nguy hiểm đều tăng cao qua các năm nhất là nam giới cứ ba người thì có một người say xỉn.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy giai đoạn 2003 - 2005, lượng đồ uống có cồn tiêu thụ ở Việt Nam chỉ đạt trung bình 3,8 lít một người trong một năm thì giai đoạn 2008 - 2010 đã lên đến 6,6 lít và từ 2015 - 20 17 là 8,3 lít. Như vậy trong khoảng 10 năm, lượng tiêu thụ bình quân một người trong năm đã tăng hơn gấp đôi với tốc độ tăng trung bình mỗi năm lên tới 8,1%. Đó là chưa kể lượng rượu bia tiêu thụ không chính thức có thể lên đến 5 lít/người/năm.

Một trong những nguyên nhân khiến người uống rượu bia tại Việt Nam ngày càng thoải mái là vì mức thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho hai loại thức uống này còn thấp. Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Đồng thời điều tiết mạnh thu nhập của người tiêu dùng, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế. Thuế tiêu thụ đặc biệt do các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hóa đó nộp, những người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế được cộng vào giá bán. Hiện nay rượu bia chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định như sau:

Rượu từ 20 độ cồn trở lên chịu thuế suất 65%, rượu dưới 20 độ cồn thuế suất 35% và bia chịu thuế suất 65%. Thế nhưng các nhà sản xuất và kinh doanh đang vận động không tăng thuế suất, trong khi đó ở nhiều nước, thuế rượu bia chiếm khoảng 40 đến 85 % giá bán lẻ. Nên nhớ rằng Tổ chức Y tế Thế giới cho biết chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu bia, hạn chế gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu bia gây ra. Khi giá rượu bia tăng lên, lượng tiêu thụ và tác hại cũng sẽ giảm, ngay cả người uống nhiều hoặc lệ thuộc vào rượu bia cũng sẽ giảm lượng uống. Theo tính toán, giá rượu bia tăng 20% có thể làm giảm 13% lượng tiêu thụ. Như vậy vấn đề tăng thuế ít nhất giữ cho sức mua không tăng và từ đó giảm thiểu hậu quả đối với sức khỏe người dân, kinh tế xã hội.

Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. Thông tin từ các quốc gia thu nhập thấp cho thấy việc hạn chế quảng cáo tiếp thị rượu bia, đặc biệt là bia, cũng sẽ làm giảm được tổng lượng uống và lượng uống trung bình thường xuyên. Nghiên cứu ở 17 quốc gia với thời gian theo dõi trong 13 năm cho thấy rằng các quốc gia không cho phép quảng cáo rượu bia trên đài phát thanh và truyền hình, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia sẽ thấp hơn 11% các quốc gia cho phép quảng cáo, tỷ lệ tai nạn giao thông cũng thấp hơn 23%.

Suy cho cùng người thu lời hàng đầu vẫn là các công ty rượu bia vì nếu không có lời thì họ đã không sản xuất bia rượu. Kế đến là ngân sách nhà nước, trong danh sách 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất năm 2020 theo Tổng cục thuế, Công ty nhà máy bia Heineken Việt Nam đứng thứ chín. Cụ thể công ty này đã đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp 997 tỉ đồng năm 2020, năm 2021 đóng thuế 756 tỉ đồng và ước tính năm 2022 sẽ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 810 tỉ đồng.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất