, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 12/07/2023, 11:16

Con số biết nói: 8.560 tỷ đồng

TRẦN TRỌNG THỨC
Tình hình sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Hậu quả là người lao động thiếu việc làm hoặc mất việc làm, tác động đáng lo đến khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm xã hội được coi như chiếc phao cho người làm công ăn lương vào lúc này. Đây là một trong những vấn đề được đặt ra trong phiên chất vấn mà các thành viên Chính phủ phải giải trình tại phiên họp của Quốc hội vào thượng tuần tháng 6 vừa qua.

Ba nội dung bất cập liên quan đến đời sống người lao động trong tình hình hiện nay được nêu ra qua phiên chất vấn này là (1) Doanh nghiệp chậm và trốn đóng Bảo hiểm xã hội; (2) Xu hướng lãnh bảo hiểm xã hội một lần; (3) Người lao động không có việc làm ngày càng nhiều.

* Về nội dung đầu tiên, theo số liệu báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, số tiền doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ BHXH (gọi chung là nợ) đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng (tăng 121 tỷ đồng so với năm trước đó). Trong đó có khoảng 26.670 đơn vị giải thể, phá sản do tình trạng làm ăn thua lỗ, không chống cự được với các đợt bão táp kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 200.000 lao động.

Cũng cần chia sẻ khó khăn của không ít doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình thế giới có nhiều bất ổn và đang bước vào thời kỳ suy thoái, khiến doanh nghiệp của chúng ta bị ảnh hưởng phải cho người lao động nghỉ việc vì thiếu đơn hàng dẫn đến khó khăn tài chính.

Trước thực tế này, biện pháp giải quyết tạm thời của BHXH Việt Nam là thu nợ đến đâu, ghi nhận và giải quyết đến đó với người đủ điều kiện như hưởng chế độ lương hưu hàng tháng, có nhu cầu được nhận bảo hiểm xã hội một lần sau khi thất nghiệp.

* Nội dung tiếp theo là tại sao có nhiều người muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần thay vì hưởng chế độ lương hưu hàng tháng?.

Trước tiên đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều, đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn.

Hầu hết lao động trẻ có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.

Ngoài ra do thiếu sự liên kết từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp hợp lý với các ngành khác nên người lao động chưa được hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng để chuyển đổi nghề nghiệp.

Thứ tư (nếu có) là niềm tin vào hệ thống bảo hiểm xã hội vẫn chưa thật vững vàng vì tổ chức bộ máy còn nhiều trở ngại, vướng mắc, chưa mang lại lợi ích thiết thực cho người hưởng bảo hiểm xã hội qua việc sinh lợi từ việc đầu tư vào Quỹ Bảo hiểm xã hội như nhiều nước thường làm.

Suy cho cùng việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần không lợi bằng hưởng lương hưu hàng tháng sau khi không còn làm việc. Tuy vậy, bảo hiểm xã hội một lần là biện pháp bất đắc dĩ bởi người lao động cần tiền trong một giai đoạn nào đó mà thực chất họ biết là sẽ tác động bất lợi cho nền kinh tế - xã hội và gây khó khăn cho hệ thống an sinh quốc gia.

* Nội dung thứ ba là tình trạng này ngày càng phổ biến nhất là khi nhiều doanh nghiệp các ngành nghề, địa phương bị cắt giảm đơn hàng từ quý IV - 2022 và tiếp tục đến quý I - 2023, khiến hàng trăm ngàn người mất việc làm. Theo báo cáo sơ bộ, số lao động nghỉ việc trên cả nước chỉ trong quý I - 2023 đã lên khoảng 300.000 người, trong đó đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 83,8%, tập trung chủ yếu ở ngành da giày (44,2%), may mặc (18,8%), linh kiện - sản phẩm điện tử (17%) và ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trong làn sóng hơn 3 triệu người trở về các địa phương vừa qua, phần đông là những người mẹ đem theo con nhỏ, không trụ nổi ở các thành phố, đành phải trở về quê nhà.

Đây là vấn đề quá lớn, chỉ một mình Quỹ Bảo hiểm xã hội khó đảm đương mà phải trở lại với trách nhiệm của các ngành liên quan đến tài nguyên con người, nhất là vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc nâng cao trình độ nhân lực, làm sao để bảo đảm việc làm cho người lao động có thu nhập đủ sống và tích lũy, đóng góp tích cực vào sức khỏe của doanh nghiệp. Khi đó thì những khoản nợ bảo hiểm xã hội tám chín nghìn tỷ đồng sẽ chẳng là gì cả, cho dù số người hưởng lương hưu và bảo hiểm thất nghiệp có lên đến con số hơn 17 triệu người. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất