, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 12/02/2021, 19:28

Con trâu là đầu cơ nghiệp

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Xuân Tân Sửu đang gõ cửa mọi nhà, đến tận những xóm làng xa xôi, nổi bật trước hết là trên những tờ lịch đủ hình ảnh, màu sắc. Có điều, năm Sửu mà hiếm thấy con trâu nào trên lịch. Trên những trang bìa báo Tết cũng vậy. Còn đâu “không khí” trước thềm năm Ất Sửu (1985), khi tôi còn làm Tạp chí Sông Hương, hồi hộp chờ xem họa sĩ Bửu Chỉ vẽ trâu lên bìa ra sao…

 

Mà thật ra vị thế con trâu đã “xuống thang” từ khoảng đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Đó là lúc các hợp tác xã bậc cao phát triển, kéo theo các đội máy kéo về làng; thế là từ đầu xóm đến cuối thôn lập tức lưu truyền câu tục ngữ hiện đại Trâu đen ăn cỏ/Trâu đỏ ăn gà. Nguyên do ngày đó, nhiều máy kéo nhập từ Bêlarút (một nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ) thường sơn màu đỏ, một số cán bộ mượn cớ bồi dưỡng người lái “trâu đỏ” theo kiểu “khách 3 chủ 7”. Câu ca châm biếm Trâu đỏ ăn gà ra đời từ đó…

Bây giờ, hình ảnh con trâu đi trước, cái cày đi sau ngày càng thưa vắng trên những cánh đồng, nhưng trước thềm Tân Sửu, đọc câu tục ngữ xưa, tâm trí bỗng thao thức hồi tưởng lại cả một lịch sử dài lâu từ thuở con trâu đầu tiên về làm bạn với con người. Chưa có ai tìm được thời gian ghi dấu sự kiện đặc biệt đó, nhưng chắc là đã xa, xa lắm.

Từ thuở hồng hoang, con người chỉ biết kiếm sống bằng hái lượm, dần dà biết đào xới trồng trỉa lúa khoai. Cho đến một ngày, có con vật đen trũi, to kềnh, với cặp sừng cong nhọn hoắt hơn tất cả loài vật đang sống quanh con người, oai vệ đếm bước tiến vào đường làng, khiến tất cả kinh ngạc và sợ hãi; nhưng bỗng xuất hiện một chú bé bứt nắm cỏ non như ngọn cờ xanh tỏ dấu hiệu làm thân, rồi can đảm trèo lên con vật lạ và dần thuần dưỡng được nó. Đó là Ông Tổ của trẻ mục đồng…

Sự tích tự ngàn xưa chợt hiện trong trí tưởng tượng, nhưng có thể không xa sự thật là mấy. Con trâu ban đầu giúp chở người qua những quãng đường lầy, vượt sông suối, kéo gỗ về dựng nhà rồi kéo cày đỡ công người đổ mồ hôi cuốc đất. Đến ngày lúa chín, trâu kéo xe chở lúa về, khi đêm xuống, trăng lên, trâu lại kiên nhẫn kéo con lăn đá trục lúa quanh sân... Thảm cảnh “người kéo cày thay trâu” chỉ còn trong… phim để minh họa cho cuộc sống cùng cực của kẻ thất cơ lỡ vận, quá đói nghèo ở một nơi nào đó, một thời nào đó đã xa. Vì thế, người nông dân tôn vinh “con trâu là đầu cơ nghiệp”, người ta xem việc mua trâu, làm chuồng trâu là sự kiện lớn trong đời. Tục ngữ có câu: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà - Trong ba việc ấy thật là khó thay!” Vậy nên người nông dân mua trâu thận trọng học hỏi kinh nghiệm, xem tướng số và đã đúc kết thành một bài vè miêu tả con trâu tốt giống: Sừng cánh ná/ Dạ củ khoai/ Tai lá mít / Đít lồng bàn…

Không chỉ là “đầu cơ nghiệp”, trâu còn là người bạn gần gũi thân thiết, đến mức người xưa “mượn trâu dạy người” trong rất nhiều tác phẩm văn học dân gian. Ví như để nhắc nhở phải biết tính toán trong công việc, có câu “trăm trâu cũng một công chăn”; để cảnh tỉnh những kẻ hết thời vẫn ưa “tân trang” hòng kéo dài thời gian hưởng thụ, có câu “cưa sừng làm nghé”; với thói đố kỵ, ganh ghét ở đời, người xưa giễu nhại bằng cảnh Trâu buộc thì ghét trâu ăn/Quan võ thì ghét quan văn dài quần…

Bìa tạp chí Sông Hương năm Ất Sửu

Hình ảnh tiêu biểu thời hoàng kim của con trâu, cũng là vẻ đẹp của nông thôn một thời là bức tranh làng Hồ với chú mục đồng đầu đội lá sen, thảnh thơi thổi sáo trong ánh chiều tà. Cũng trong tranh làng Hồ, hình ảnh con trâu lại gắn với sự kiện được ghi lại đầu tiên trong lịch sử hơn một ngàn năm trước: Đinh Bộ Lĩnh (về sau trở thành vua Đinh Tiên Hoàng) cùng các bạn mục đồng lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau. Nhớ lại hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu tập trận, tôi chợt nghĩ có khi câu tục ngữ “Con trâu là đầu cơ nghiệp” xuất xứ từ đây. Chẳng phải Đinh Tiên Hoàng đã thành lập nên nước Đại Cồ Việt đó sao?

*

Trong thời khắc vũ trụ giao mùa trước thềm Tân Sửu, tưởng nhớ lại những chuyện trâu đã xa, khi gió lạnh đang tràn xuống phủ kín những vùng cao phía Bắc Tổ quốc, vẫn không khỏi lo cho đàn trâu đang thiếu “áo ấm” chống rét. Nhiều làng quê có máy cày thay trâu, câu tục ngữ “Con trâu là đầu cơ nghiệp” chẳng mấy ai nhắc đến, nhưng không ít vùng đất hẹp, đồi núi cao, con trâu vẫn là lao động chính trong cuộc mưu sinh, vẫn là bạn thân thiết với con người. Lại chợt nghĩ: Không biết đã có tổ chức thiện nguyện nào nghĩ đến việc “chế tạo” kiểu áo chống rét và chở lên các vùng cao cho đàn trâu đang run rẩy dưới nhiệt độ đang dần thấp xuống?

Thời hoàng kim của con trâu đã qua, nhưng giá trị con trâu qua câu tục ngữ “Con trâu là đầu cơ nghiệp” dường như chưa dừng lại. Đâu chỉ là chuyện định vai vế một vật nuôi, ông cha ta ngày xưa rõ là tư duy rất sáng suốt khi biết coi trọng sức kéo. Không có đầu tàu, cả đoàn tàu dài mấy cũng phải nằm chết cứng tại sân ga! Đây cũng là tư duy nhấn mạnh vai trò người đứng đầu cho mọi tổ chức trong cuộc sống hôm nay, một điều tưởng là hiển nhiên, nhưng không phải ở đâu, lúc nào cũng thực hiện được!

Một ngẫu nhiên thú vị là đất nước bước vào kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 với tầm nhìn xa đến 2030 và 2045 bắt đầu từ năm con trâu - Tân Sửu! Lời người xưa Con trâu là đầu cơ nghiệp nhất định sẽ thêm một lần ứng nghiệm, cơ nghiệp Tổ tiên để lại nhất định sẽ vượt qua những trở lực, những biến động chưa có tiền lệ - mà dịch Covid-19 có thể mới chỉ là bước đầu tiên - để tiếp tục phát triển, nhịp bước cùng bè bạn khắp bốn biển năm châu…

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.
Nổi bật
Được quan tâm


Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất