, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 12/02/2021, 09:36

Con trâu trong văn hóa Việt

TRẦN ĐÌNH HẰNG
 

Có nhiều trường phái khẳng định “bản quyền” 12 con giáp trong văn minh phương Đông nhưng rõ ràng, tất cả phải tồn tại trên nền tảng đặc tính sinh học cội nguồn.

Con trâu: cội nguồn yếu tính Việt

Trong số linh vật đó, có sự khác biệt căn bản giữa văn minh Hán và văn minh Việt là ở Sửu và Mão bởi lần lượt với người Trung Hoa, là Ngưu (Hoàng Ngưu - Bò) và Thỏ, còn trong văn minh Việt, lại là Trâu (Thủy Ngưu) và Mèo. Thảo nguyên mênh mông đã tạo nên hồn cốt Trung nguyên, nổi bật với Bò và Thỏ, thì vùng Bách Việt, từ lưu vực sông Dương Tử về Nam (phía Nam Ngũ Lĩnh - Lĩnh Nam), ruộng đồng sông nước phù hợp cho văn minh nông nghiệp lúa nước, là môi trường lý tưởng của Trâu và Mèo, nhất là trong sứ mệnh “đầu cơ nghiệp” để dùng sức kéo của Trâu, nhờ Mèo truy sát Chuột - kẻ thù của lúa má. Trâu to lớn lại đứng sau Chuột bởi Chuột sống trong lòng đất - lòng Mẹ, khởi đầu của nguyên lý âm, vận hành sinh sôi nảy nở mọi ngọn nguồn của tạo hóa đất trời. Chuột có hàm răng sắc nhọn, kiên trì bền bỉ gặm nát mọi thứ, nhất là khả năng sinh dục đặc biệt, sinh sôi theo cấp số nhân, điển hình cho khát vọng phồn thực, con đàn cháu đống của người nông dân. Chính môi trường nông nghiệp lúa nước của văn minh Việt đã định hình nên vật linh Trâu giàu biểu tượng, gắn kết xuyên suốt từ đời sống thực và thiêng đầy sinh động, đặc trưng.

Trâu trong đời sống thực

“Con trâu là đầu cơ nghiệp” của người nông dân chốn ruộng đồng, là công cụ cày kéo đầy nặng nhọc, gian nan cho nhà nông, thực sự là tài sản lớn của cả gia tộc, cộng đồng làng xã và quốc gia, được nâng niu, bảo vệ nghiêm ngặt từ tri thức bản địa trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc của gia đình cho tới lệ làng, luật nước.

Từ nhà ra đồng, người nông dân trên luống cày luôn ghi nhận công sức đặc biệt, bền bỉ của trâu, vượt khỏi quan hệ bình thường của con người với công cụ lao động, Người và trâu thực sự là bạn, trong mối quan hệ nâng niu, trân trọng:

Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.

Không chỉ có vậy, trâu còn xuất hiện đăng đối trong mối quan hệ hài hòa của tình chồng vợ, đủ sức tát cạn biển Đông khi thuận tình trên dưới, trong ngoài:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa

Chính vì vai trò đặc biệt đó mà trâu luôn được các triều đại phong kiến coi trọng trong tư tưởng trọng nông. Trong chính sách khai hoang mở cõi về Nam thời Lê - Nguyễn, “Ngưu canh điền khí” luôn được nhà nước ưu tiên hỗ trợ cho nông dân để cày cấy sản xuất. Từ thế kỷ XVI, Phủ tập Quảng Nam ký sự cho biết Trấn quốc công Bùi Tá Hán hỗ trợ lương ăn, nông cụ cho dân di cư, khuyến cáo nông dân “Cày bừa đều dùng ách, mắc 2 trâu kéo; trên mỏ cày có thêm trạnh phụ, làm cho cùng một công cày mà bội tăng đất thục, đó là lợi của việc đổi mới kỹ thuật”.

Đại Nam thực lục ghi nhận từ năm Kỷ Dậu (1789), chúa Nguyễn Ánh đã ban lệnh cấm giết trâu bởi việc làm ruộng luôn cấp bách mà trâu bị chết nhiều do dịch bệnh, ai trái lệnh phải bị nghiêm trị. Đồng thời, chính quyền Gia Định còn cấp nhiều trâu cho nông dân để đắc lực lo việc cày cấy, nếu bị dịch bệnh mà trâu chết thì khỏi phải đền. Năm Kỷ Mùi (1799), lại nhấn mạnh nghiêm lệnh cấm giết trâu bởi nhu cầu cày bừa ruộng nương của nông dân, mang lại của cải cho đất nước “đều nhờ sức trâu”.

Con trâu trong đời sống thiêng

Trên tầm nhân loại, nghi lễ hiến sinh rất quan trọng cho sự thông linh Trời - Người - Đất. Con người thời tối cổ đã quan niệm máu của đồng loại là quí giá nhất, chất xúc tác tối ưu cho sự thông linh đó, để cầu an, cầu mùa theo tín ngưỡng phồn thực và tẩy trừ tà ma. Vật hiến sinh đầu tiên là những thành viên quí giá nhất, là đồng loại, từ hài đồng, rồi trinh nữ, sau thay thế bằng kẻ thù - tù binh. Văn minh hơn, con người đã thay thế đồng loại bằng động vật - những con vật quí giá, to, đẹp, lông trắng, như voi trắng - trâu trắng - dê trắng - heo trắng, rồi đến gà. Sau cùng, chuyển từ động vật sang đồ vật, như hàng mã, tranh thế mạng làng Sình ở Huế...

Người Việt dùng trâu trong đời sống nghi lễ, nổi bật nghi lễ Tam sinh, sâu xa cũng là bởi triết lý thông linh này.

Thời Nguyễn còn cho chế tạo Xuân ngưu (trâu xuân) ban hành trong nước (Khâm Thiên giám đưa cách thức nặn trâu xuân bằng đất, giao bộ Công làm, chiều hôm trước ngày Lập Xuân, đem dâng làm lễ tế Thần nông). Trong nghi lễ Nghinh xuân, Tiến xuân thời Minh Mệnh, nhà vua làm lễ đón xuân và tiến thần Câu mang với con trâu đất, để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Người xưa cho rằng tháng 12 là Sửu - Trâu thuộc hành thổ, đất có thể ngăn được nước, thắng được nước nên làm trâu đất để tống khí rét; để giỏi việc cày. Vừa chống được rét vừa giỏi cày nên trâu đất có thể chỉ bảo việc làm ruộng sớm hay muộn để có mùa màng bội thu.

Theo cổ thư thì vào đêm Lập Xuân, các quan đều mặc áo xanh, dựng cờ xanh, đem con trâu và người cày bằng đất ra ngoài làm lễ. Sớm tinh sương, quan lại đều cầm roi đánh trâu ba roi để khuyên đi cày, ngụ ý trọng nông. Nhà vua tổ chức nghi lễ với thông điệp triều đình luôn chăm lo nguồn sống của dân, để tâm việc canh nông.

Con trâu, từ đời sống thực đến đời sống thiêng, đã thể hiện rõ nét, cô đọng nhất triết lý Việt, tư tưởng Việt gắn liền nền văn minh nông nghiệp lúa nước rực rỡ, góp phần kiến tạo nên bản sắc Việt và bản lĩnh Việt suốt chiều dài lịch sử.

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất