, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 25/01/2022, 16:14

Công bố hoạt chất thay thế Glyphosate xử lý hoa cắt cành xuất khẩu sang Úc

TRUNG QUÂN
(nongnghiep.vn)
Úc đồng ý cho phép Việt Nam sử dụng hoạt chất Metsulfuron methyl thay thế Glyphosate xử lý mầm hoa cúc cắt cành xuất khẩu sang Úc kể từ ngày 1/3/2022.

Ngày 24/1, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức Lễ công bố biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới thay thế Glyphosate đối với hoa cắt cành xuất khẩu sang Úc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) công bố biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới đối với hoa cắt cành xuất khẩu sang Úc. Ảnh: Trung Quân.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) công bố biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới đối với hoa cắt cành xuất khẩu sang Úc. Ảnh: Trung Quân.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, đối với một số loài hoa cắt cành nói chung, hoa cúc, cẩm chướng nói riêng, khi xuất khẩusang thị trường Úc phải tuân thủ quy định: Hoa phải được xử lý bằng Glyphosate với nồng độ thấp trong vòng 20 phút nhằm triệt mầm hoa. Đây là quy định chung mà Úc áp dụng với tất cả các nước xuất khẩu hoa cắt cành vào thị trường này.

Năm 2015, cơ quan nghiên cứu ung thư thế giới (IRAC) đã công bố kết quả đánh giá loại thuốc trừ cỏ Glyphosate khả năng là thuốc trừ cỏ gây ung thư thuộc nhóm 2A (nhóm có khả năng gây ung thư). Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành quyết định số 1186/QĐ-BNN-BVTV ngày 10/4/2019 loại bỏ hoạt chất này ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được phép sử dụng tại Việt Nam và Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT có hiệu lực từ ngày 31/6/2021 đã quy định các thuốc BVTV chứa hoạt chất Glyphosate không được sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, sử dụng tại Việt Nam.

Điều này đã khiến hoạt động xuất khẩu hoa sang Úc bị ngưng trệ do phía Úc không chấp nhận tiệt mầm cành hoa bằng hoạt chất khác ngoài Glyphosate.

Trước thực thế đó, nhằm thúc đẩy thương mại giữa hai nước và tạo điều kiện cho hoa cắt cành của Việt Nam xuất khẩu sang Úc, thời gian qua, Cục BVTV đã tích cực làm việc với các cơ quan chức năng của Úc thảo luận và đề xuất các hoạt chất thay thế Glyphosate. Đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH Đà Lạt Hasfarm thực hiện hàng loạt nghiên cứu, thử nghiệm các hoạt chất thay thế phù hợp với quy đinh của Việt Nam và đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu từ phía Úc.

Từ ngày 1/3/2022, hoa cúc cắt cành xuất khẩu sang thị trường Úc không cần xin giấy phép nhập khẩu từ phía Úc, với điều kiện phải được xử lý Metsulfuron methyl 200 gram/kg với liều 0,67gram/lit. Ảnh: TL.
Từ ngày 1/3/2022, hoa cúc cắt cành xuất khẩu sang thị trường Úc không cần xin giấy phép nhập khẩu từ phía Úc, với điều kiện phải được xử lý Metsulfuron methyl 200 gram/kg với liều 0,67gram/lit. Ảnh: TL.

Theo bà Hương, qua quá trình thử nghiệm, 2 hoạt chất Diuron và Metsulfuron methyl đã được xác định là có hiệu quả xử lý mầm hoa cúc và hoa cẩm chướng có thể thay thế Glyphosate. Toàn bộ kết quả thử nghiệm và hồ sơ kỹ thuật đã được gửi cho phía Úc đánh giá.

Đến nay, phía Úc đã đánh giá xong hồ sơ kỹ thuật thử nghiệm hoạt chất Metsulfuron methyl cho hoa cúc cắt cành và đồng ý cho phép Việt Nam sử dụng hoạt chất Metsulfuron methyl thay thế cho Glyphosate để xử lý mầm hoa cúc cắt cành xuất khẩu sang Úc kể từ ngày 1/3/2022.

Theo đó, hoa cúc cắt cành xuất khẩu sang thị trường Úc không cần xin giấy phép nhập khẩu từ phía Úc, với điều kiện phải được xử lý Metsulfuron methyl 200 gram/kg với liều 0,67 gram/lít.

Bên cạnh đó, sau khi xuất khẩu trở lại hoa cúc cắt cành sang Úc, hai bên sẽ tiếp tục theo dõi mức độ an toàn, hiệu quả của Metsulfuron methyl trên lô hàng thực tế xuất khẩu trong 6 tháng tiếp theo nhằm đánh giá hiệu lực thực tế của hoạt chất này.

Trên cơ sở đó, Cục BVTV đề nghị các tổ chức, cá nhân, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hoa cắt cành vào thị trường Úc chủ động chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật và đảm bảo chất lượng hàng hóa theo quy định của Việt Nam và Úc.

Thời gian tới, Cục BVTV sẽ cùng với Hiệp hội hoa Đà Lạt, các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định, nhanh chóng xuất khẩu hoa cắt cành sang thị trường Úc.

Bên cạnh đó, Cục BVTV sẵn sàng tập huấn cho các đơn vị có liên quan về các nội dung, biện pháp xử lý kiểm dịch mới cho hoa cắt cành xuất khẩu sang thị trường Úc. Ngoài ra, Cục BVTV sẽ tiếp tục làm việc với Úc để thử nghiệm những hoạt chất khác thay thế cho Glyphosate trên hoa cắt cành xuất khẩu sang Úc, hướng tới đa dạng hóa biện pháp xử lý, tích cực làm việc với các đối tác khác ngoài Úc để mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cơ hội cho ngành sản xuất hoa Việt Nam.

Về phía Đại sứ quán Úc, ông Tony Harman, Tham tán nông nghiệp Úc tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi hoa cắt cành của Việt Nam sẽ nhanh chóng được xuất khẩu trở lại Úc trong thời gian tới.

Ông Tony Harman, Tham tán nông nghiệp Úc tại Việt Nam (áo xanh) trao quyết định phê quyệt đồng ý cho phép Việt Nam sử dụng hoạt chất Metsulfuron methyl thay thế cho Glyphosate xử lý mầm hoa cúc cắt cành xuất khẩu sang Úc cho đại diện Cục BVTV. Ảnh: Trung Quân.
Ông Tony Harman, Tham tán nông nghiệp Úc tại Việt Nam (áo xanh) trao quyết định phê quyệt đồng ý cho phép Việt Nam sử dụng hoạt chất Metsulfuron methyl thay thế cho Glyphosate xử lý mầm hoa cúc cắt cành xuất khẩu sang Úc cho đại diện Cục BVTV. Ảnh: Trung Quân.

Ông Tony Harman chia sẻ: Việt Nam là nước đầu tiên được Úc phê duyệt sử dụng hoạt chất Metsulfuron methyl thay thế hoạt chất Glyphosate trong xử lý hoa cắt cành xuất khẩu vào Úc.

Theo quy định của Úc, thông thường phải cần 12 tháng, cộng thêm thời gian làm các thủ tục hành chính cần thiết mới có thể phê duyệt hoạt chất thay thế Glyphosate trong xử lý hoa cắt cành nhập khẩu. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc giành nhiều nguồn lực cho việc tìm ra hoạt chất thay thế Glyphosate, cùng với sự phối hợp chặt chẽ, thiện chí của Cục BVTV nên việc phê duyệt hồ sơ kỹ thuật đã được diễn ra nhanh hơn so với dự kiến mà vẫn đảm bảo được hiệu quả và độ an toàn.

Ông Tony Harman cũng bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp, hộ sản xuất hoa của Việt Nam nói chung, Đà Lạt nói riêng nghiêm túc thực hiện những quy định mà hai bên đã thỏa thuận để tạo ra những sản phẩm chất lượng xuất khẩu vào Úc. Từ đó, giúp nâng cao sản lượng xuất khẩu, giá trị, phát triển bền vững cho ngành sản xuất hoa của Việt Nam.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất