, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 18/06/2022, 06:01

Cổng làng hồn quê

ĐÔNG KHÁNH
Trong tâm thức của mỗi người dân vùng quê Bắc bộ, chiếc cổng làng là hình ảnh không thể nào quên, là nơi chốn gắn bó với nhiều kỷ niệm máu thịt…
Cổng làng Mỏ Thổ.

Trưa hè nóng bức, bãi đất dưới chân cổng làng là nơi lũ trẻ thường tụ tập chơi ô ăn quan, bắn bi, đánh đáo; là nơi ngóng mẹ đi chợ về mang cho tấm bánh, cái kẹo. Những đêm trăng thanh gió mát, cổng làng là nơi nam nữ hẹn hò, tình tự. Ngày mùa, cổng làng là nơi nghỉ chân của những bà, những cô gánh lúa oằn vai. Cổng làng còn là nơi diễn ra những cuộc tiễn đưa nhiều nước mắt: mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng ra trận hoặc đi làm ăn, đi học hành xa. Rồi cũng tại cổng làng, có người mừng vui ngày gặp lại, cũng có người lòng đau khi mỗi chiều đứng ngóng mà người thân mãi chẳng thấy trở về…

* * *

Tôi đã nhiều lần đi qua chiếc cổng cũ kỹ, rêu phong của làng cổ Thổ Hà ở xã Vân Hà thuộc huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang và cứ nhớ như in câu đối trên cổng do người xưa đề bút: “Muôn đại vinh khai nghênh khách chí/Lầu cao hỷ kiến viễn bằng lai”. Nghĩa là: “Cửa lớn rộng mở chào khách đến/Lầu cao vui gặp bạn xa về”. Chiếc cổng làng ấy gợi mở trong tôi nhiều điều về tình yêu quê hương. Bước qua cổng là chạm đến một không gian đậm chất Bắc bộ, là bến đò mênh mang sóng nước, là cây đa già tỏa bóng mát quanh năm, là mái đình rêu phong cổ kính... và những con người quê thật thà, thân thiện.

Cổng làng Thổ Hà - nơi diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống.

Người Thổ Hà thường ra tận cổng làng để đón khách quý đến nhà chơi. Khách về cũng vậy, cứ phải bắt tay nhau, ôm vai nhau tạm biệt ở trước cổng làng này. Thấy các cụ bảo cổng làng có từ năm 1692. Trên mặt trước cổng còn dòng chữ Hán: Thổ chi tân (Đất thiêng bền đẹp) và mặt sau cổng là dòng chữ Hà nguyên hậu (Nước nguồn vô tận - ý nói phúc lộc trời ban cho làng Thổ Hà còn dài mãi).

Tôi cũng đã vài lần đi qua cổng làng Mỏ Thổ ở xã Minh Đức huyện Việt Yên (Bắc Giang). Các bô lão trong làng dẫn tôi ra cổng để chỉ vào dòng chữ “Hoàng triều Thành Thái thập tam” trên mái sau cổng làng. 119 năm đã trôi qua tính từ năm Thành Thái thứ mười ba (1901) ấy. Gió mưa, thời gian đã bào mòn không ít gạch, gỗ, ngói trên mái cổng, song cổng làng vẫn luôn đứng đó, trầm mặc chứng kiến bao thế sự nổi trôi.

Cổng làng Thổ Hà.

Cụ Thạch, một vị cao niên của làng Mỏ Thổ, nói về cổng làng như nói về người thân: “Về tới cổng làng là về tới quê cha, đất tổ. Bước qua cổng làng là gặp lại ông bà, cha mẹ, anh em, xóm giềng, họ mạc; là “đất lề quê thói” của nơi chôn nhau cắt rốn…”

* * *

Xưa, cổng làng gần như là lối ra vào duy nhất của cả làng. Làng nào giàu thì xây cổng lớn, có rồng chầu, hổ phục. Mái cổng đứng lên một nấc, nóc mái đầu đao, có khi kết đôi loan phượng. Các cụ ta xưa không đua nhau xây cổng làng cho thật to, thật lớn để “bằng chị bằng em” mà luôn “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Làng thế nào thì cổng làng thế ấy. Làng có nhiều người làm quan, kinh tế hưng thịnh thì cổng làng to. Làng nghèo thì cổng nhỏ, vật liệu thô sơ. Chỉ có điểm chung là dù to hay nhỏ, giàu hay nghèo thì cổng làng lúc nào cũng phải chỉn chu, chững chạc và phải luôn được đặt ở nơi dễ nhìn thấy nhất, thuận tiện đi lại nhất cho mọi người. Người xưa quan niệm cổng làng là bộ mặt, là nơi thể hiện cốt cách, giá trị của làng. Cố GS Từ Chi cũng từng cho rằng cổng làng có vị trí hết sức quan trọng không chỉ trong đời sống hàng ngày mà còn trong tâm linh của người dân Việt.

Cổng làng thôn Nga Trại, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.

* * *

Ngày nay, cổng làng đang mất dần. Không gian thoáng đãng xung quanh cổng làng ở nhiều nơi đã không còn vì nhiều lý do: mở rộng khu dân cư, mở rộng đường giao thông, dành đất cho sản xuất công nghiệp, dân lấn chiếm… Nhiều nơi cổng làng chìm khuất giữa rừng nhà cửa, thành nơi buôn bán hàng rong. Có nơi, nhân danh tu bổ lại cổng làng nhưng lại phá luôn cổng cũ và xây cổng mới hoành tráng nhưng “quê không ra quê, tỉnh không ra tỉnh”, chủ yếu chỉ để xe công nông, xe ô tô qua lại dễ dàng hoặc để có chỗ phô ra tấm bảng “Làng văn hóa” một cách kệch cỡm.

Cổng làng Then xã Thái Đào, huyện Lạng Giang.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng việc quy hoạch làng, xã hiện nay nên đưa cổng làng truyền thống vào diện cần bảo tồn, tôn tạo nhằm giữ lại nét văn hóa và ký ức làng quê, đồng thời tạo cảnh quan xanh mát làm cơ sở hình thành không gian văn hóa, không gian sinh hoạt, giải trí chung cho cộng đồng dân cư nông thôn.

Như “mắc nợ” với cổng làng, một người dân xứ Bắc - ông Vũ Kiêm Ninh - suốt mấy chục năm trời lặn lội, có ngày ông đạp xe hơn 50km cây số chỉ để tìm kiếm và nghiên cứu từng cổng làng Hà Nội. Cuốn sách Cổng làng Hà Nội xưa và nay của ông với hơn 300 trang và 109 tấm ảnh về cổng làng ra đời không ngoài mục đích lưu giữ hình ảnh, kỷ niệm và rất nhiều câu chuyện nông thôn xoay quanh những chiếc cổng làng xưa Hà Nội cho mai sau...

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.

Nổi bật
Được quan tâm


Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất