
Đầu năm 2022, những tín hiệu tích cực từ ngành du lịch bắt đầu xuất hiện. Hiệu quả của vắc-xin đã giúp dịch bệnh lắng xuống. Nhiều nước bãi bỏ “hộ chiếu” vắc-xin. Việt Nam mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ. Tháng 03/2022, khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 2,2 lần và quý 1 tăng 89,1% (hơn 90 ngàn lượt người) so với cùng kỳ năm 2021, theo Tổng cục Thống kê. Dựa vào thực tế khá lạc quan ấy, nhiều dự báo về khả năng hồi phục và tăng trưởng mạnh của du lịch trong nước được đưa ra.
Du lịch không tiếp xúc gần
Tuy nhiên, những khó khăn do đại dịch mang lại trong 2 năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành phải phá sản. Những doanh nghiệp lớn hơn còn trụ lại nhưng để có thể tiếp tục kinh doanh là vấn đề không đơn giản. Ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc Học viện Chuyển đổi số Next Academy, cho rằng mối quan tâm của du khách hiện nay chính là vấn đề an toàn, hạn chế tiếp xúc khi đi du lịch. Theo ông, sau 2 năm bị “chôn chân” do giãn cách xã hội, mọi người sẽ có nhu cầu đi đây đi đó. Tuy nhiên, do vẫn chưa hết lo ngại dịch bệnh nên khách sẽ chọn cách đi nào an toàn nhất, ít phải giao dịch trực tiếp nhất, kiểu như có thể đặt tour, mua vé máy bay, thuê xe, nhận - trả phòng qua app bằng điện thoại thông minh. “Tôi nghĩ các doanh nghiệp du lịch nên quan tâm đến nhu cầu này và có cách thích nghi nhanh chóng thông qua các ứng dụng công nghệ…”, ông Tiến nhấn mạnh.
Còn theo ông Phan Tấn Quốc, Phó Giám đốc Phòng Đổi mới sáng tạo số của Tập đoàn tư vấn quốc tế KPMG, việc trở lại với những hoạt động bình thường sau đại dịch của doanh nghiệp tuy có nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội tốt nếu nắm bắt được nhu cầu mới của thị trường, ứng dụng tốt công nghệ, tận dụng được những thay đổi chính sách đi kèm với các ưu đãi của Chính phủ... Cũng theo ông Quốc, du lịch an toàn, du lịch sức khỏe, tour du lịch ảo, quảng bá, tiếp thị, đào tạo trên môi trường số… sẽ là những hướng mới của ngành du lịch trong năm nay.
Sau đại dịch, bài học quan trọng mà nhiều người có thể rút ra nhằm thích ứng tốt hơn với những biến cố chính là sự linh hoạt. Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng đại dịch đã làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động của ngành du lịch và dịch vụ. Phương thức giao tiếp trực tiếp bị buộc phải hạn chế bởi lý do phòng chống dịch sẽ đẩy ngành du lịch - dịch vụ hướng tới phương thức giao dịch “một chạm”, “không tiếp xúc”. Do vậy, các doanh nghiệp du lịch cần phải làm chủ công nghệ - nếu chưa làm thì phải làm ngay, nếu làm rồi thì phải làm tốt hơn. “Công nghệ sẽ giúp nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng hồi phục tốt hơn sau đại dịch bằng sự kết nối nhanh chóng ở phạm vi toàn cầu”, ông Thiên nhận xét.
Công nghệ là chìa khóa
Tại hội thảo “Chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ ngành Du lịch” tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa) vào cuối tháng 03/2022 vừa qua, Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam, cho rằng công nghệ có thể sẽ tham gia và giúp giảm chi phí trên mọi dịch vụ của ngành du lịch từ tiếp thị số, booking online, check-in tự động đến phân tích dữ liệu khách hàng, phân tích hành vi và trải nghiệm của du khách. Ông Quý cho biết thêm là thời gian qua, các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam như Điện Quang, TMA, IDS Next, EYEQ TECH, OneClinic, PSC, Bizverse World(DTG), DTN CSMO, Nhơn Mỹ, MyXteam, Edu ClaaS… cũng đã xây dựng, phát triển và cung cấp không ít giải pháp công nghệ phục vụ du lịch an toàn, ví dụ như giải pháp phát triển các khách sạn và resort thông minh; tự động hóa vận hành khách sạn và resort; giới thiệu thắng cảnh và tour qua AR/3D…
Một số địa phương như Thừa Thiên - Huế cũng đã ứng dụng công nghệ Audio Guide và QR Code để giúp du khách muốn tìm hiểu thông tin về hiện vật được trưng bày trong bảo tàng hay điểm đến trong di tích thì chỉ cần quét mã QR code, Audio Guide sẽ thuyết minh bằng thứ tiếng mà du khách lựa chọn. Điều này giúp khách có thể đi tham quan di tích một mình mà không cần có hướng dẫn viên đi theo. Những hoạt động trải nghiệm bằng kính thực tế ảo như “Đi tìm hoàng cung đã mất” cũng rất hấp dẫn. Nó giúp du khách hiểu sâu hơn quá trình hình thành và phát triển của Đại Nội Huế thông qua công nghệ mô phỏng 3D mà không phải chen lấn ngoài thực địa vốn đông người.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, phụ trách các khách hàng lớn của IDS Next - Công ty chuyên cung cấp giải pháp khách sạn cho các tập đoàn, chuỗi khách sạn/resort mang thương hiệu quốc tế - chia sẻ: “Nhiều bộ phận như lễ tân, tiền sảnh, dọn phòng, phục vụ nhà hàng, bán hàng, tiếp thị, quản lý kho, nhân sự, kế toán... trong khách sạn/resort đã được cung cấp công nghệ để kết nối, quản lý, điều hành công việc thông qua giải pháp hóa đơn điện tử, nhận diện gương mặt, nhận diện ký tự, chữ ký số, khóa cửa từ… Những việc này đã góp một phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số cho ngành dịch vụ - khách sạn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các ứng dụng sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp các khách sạn, resort ứng dụng công nghệ tốt hơn, hiệu quả hơn nữa nhằm thích ứng tốt nhất với tình hình mới.”
Ông Lữ Thế Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ A.Yersin, cho rằng IoT, Big Data, AI… còn có thể giúp ngành du lịch đưa ra những giải pháp bảo vệ sức khỏe người dùng dựa trên các dữ liệu y tế lưu trữ khi du khách đến lưu trú tại địa phương. Ngoài ra, còn có thể áp dụng trong quản lý, quy hoạch và phát triển hệ sinh thái đô thị nghỉ dưỡng thông minh cho du khách, một mô hình đang được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lưu Thanh Minh, Giám đốc công nghệ tại CSMO VietNam (CLB Giám đốc Sales & Marketing Việt Nam), thách thức lớn nhất với ngành du lịch chính là việc tiếp cận cũng như khả năng thích nghi với công nghệ, đặc biệt ở ngành lưu trú và nghỉ dưỡng. Để có thể ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả trong hoạt động, cần nhanh chóng đào tạo, tập huấn để nâng cao khả năng làm chủ công nghệ cho nhân lực trong ngành từ các chủ khách sạn, resort đến quản lý, nhân viên các bộ phận lễ tân, buồng phòng, hướng dẫn viên du lịch…