, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 04/06/2021, 10:12

Công nghệ luyện gỗ

PHƯƠNG ĐẶNG

Ngành gỗ Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành có tiềm năng lớn, tốc độ phát triển nhanh và nhu cầu về các sản phẩm gỗ trên thị trường đang rất lớn. Trong bối cảnh này, một trong những bài toán khó của ngành gỗ Việt là vấn đề nguyên liệu. Nếu không khai thác được gỗ rừng trồng cho thị trường xuất khẩu thì sẽ không tạo được lợi thế cạnh tranh cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành.

Sau 15 năm nghiên cứu, một nhóm tác giả đã phát triển thành công công nghệ mới có tên gọi “Công nghệ luyện gỗ”. Với chi phí hợp lý, công nghệ luyện gỗ có thể luyện nguyên liệu gỗ rừng trồng (thông, keo, tràm, cao su hay tần bì, óc chó, sồi…) thành các sản phẩm gỗ có tính năng tương tự như gỗ quý hiếm trong tự nhiên, từ đó, giảm áp lực khai thác gỗ quý hiếm, hướng tới bảo vệ tài nguyên rừng và đa dạng sinh học. Công nghệ đã được đăng ký bảo hộ bản quyền tại Mỹ.

Sàn gỗ được sử dụng tại sân bay Vân Đồn.

Anh Lê Minh - đại diện nhóm sáng chế công nghệ luyện gỗ - cho biết, công nghệ này dựa trên nguyên tắc chung của biến tính gỗ là sấy khô phôi gỗ tự nhiên, tạo không gian mở và đưa polyme xâm nhập vào các lỗ rỗng của gỗ. Sau đó, thực hiện polyme hóa hay đóng rắn, tạo nên mạch và mạng không gian đàn hồi liên kết hóa học và vật lý giữa các phần tử vật chất gỗ tự nhiên với mạch polyme xâm nhập. Nói về chi phí luyện gỗ, anh Minh cho biết tùy vào mục đích sử dụng của thành phẩm mà chi phí sẽ khác nhau, trung bình vào khoảng 30% giá trị của gỗ đầu vào.

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ cả năm 2020 đạt 12,32 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2019.

Sau khi thẩm định chất lượng gỗ và chi phí, ông Huỳnh Quang Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam - vui mừng đánh giá công nghệ này là hiệu quả và đáng để đầu tư. Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cũng nhận định đây là công nghệ đột phá, tạo ra giá trị gia tăng, đặc biệt sử dụng được trong ngành nội thất và rất an toàn. “Trong thập niên 80, nhiều nước trên thế giới đã triển khai hướng nghiên cứu này, đặc biệt là Thụy Điển và Đan Mạch, nhưng họ đi theo hướng sử dụng hóa chất là chính. Còn công nghệ này đột phá ở chỗ sử dụng polyme sinh học và nó đạt được tiêu chuẩn xuất vào thị trường châu Âu, đồng thời không gây hại cho sức khỏe con người”. - Ông Nghiệm cho biết.

Sản phẩm gỗ sau 6 năm sử dụng.

Công nghệ luyện gỗ cho phép cải thiện cơ lý tính của gỗ nguyên liệu. Khi sử dụng công nghệ này, gỗ từ các nhóm thấp (3 - 7) trong phân loại các nhóm gỗ theo tiêu chuẩn Việt Nam dễ dàng đạt được các thông số tương đương và một số yếu tố còn vượt trội so với gỗ nhóm 1 và nhóm 2 khai thác trong tự nhiên, giúp tạo nên sản phẩm gỗ có tỷ trọng cao, có khả năng chịu uốn, chống mối mọt, chịu nước, ổn định nhiệt, chống cháy, ngăn cháy lan… và có tuổi thọ cao. Gỗ sau xử lý hoàn toàn đủ tiêu chuẩn sử dụng rộng rãi trong xây dựng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm gỗ đa dạng, có màu sắc, vân thớ nguyên bản của gỗ tự nhiên hoặc màu sắc linh hoạt tùy vào không gian và mục đích sử dụng, có thể dùng cho nội, ngoại thất công trình như ván sàn trong nhà, ván sàn ngoài trời, ván sàn ở biển, các loại khung cửa chống cháy, ngăn cháy lan, vật liệu đặc chủng đóng tàu biển.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong 02 tháng đầu năm 2021 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm 02 tháng đầu năm 2021 đạt 2.441 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay gồm Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU...

Toàn bộ quy trình sản xuất đều đảm bảo được các yếu tố thân thiện với môi trường. Gỗ đầu vào là gỗ tái sinh được trồng nhiều và khả năng tái tạo nhanh, các bước sơ chế ban đầu giống như ở ngành gỗ truyền thống thông thường. Polyme có nguồn gốc từ thiên nhiên (nhựa cây) và có thể lấy từ chất thải trong quá trình sản xuất giấy, giảm thiểu ô nhiễm cho các nhà máy giấy. Quá trình chiết xuất và tổng hợp polyme không có chất độc hại thải ra môi trường. Sản phẩm được tạo ra đạt chất lượng cao, không tồn tại dư chất ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cầu treo tại khu du lịch danh thắng Tây Thiên làm bằng gỗ đã qua xử lý.

Hiện nay, nhóm tác giả đã xây dựng và đưa vào vận hành 2 nhà máy với công suất trên 300m3/tháng, đồng thời vận hành một trung tâm nghiên cứu và thử nghiệm để cải tiến công nghệ nhằm cho ra thêm nhiều sản phẩm nổi bật khác.

CÔNG NGHỆ - SÁNG CHẾ QUY TRÌNH LUYỆN GỖ TRẢI QUA 4 BƯỚC

1. Chuẩn bị phôi và keo: Gỗ nguyên liệu được xẻ, sấy thành phôi theo yêu cầu về kích thước và độ ẩm. Các phôi không đạt yêu cầu được loại bỏ, phôi đạt chuẩn được đóng kiện, đưa vào khu vực luyện gỗ.

2. Luyện gỗ: Nhóm tác giả giữ bản quyền công nghệ và thực hiện các biện pháp bảo mật thiết kế, cấu tạo hay sơ đồ lắp ráp thiết bị trong phân đoạn này. Hệ thống điều khiển tự động được lập trình có khóa mã.

3. Sấy cao tần, đóng rắn, polyme hóa: Phôi gỗ sau khi luyện được sấy ở nhiệt độ phù hợp để phát triển cơ lý tính. Quy trình sấy loại bỏ nước, đóng rắn, ổn định cấu hình phôi, thu hồi dung môi hay dư lượng keo polyme được lập trình theo từng loại sản phẩm khác nhau.

4. Gia công thành phẩm: Phân đoạn này bao gồm các loại máy gia công gỗ, cho ra các sản phẩm như ván sàn, cửa gỗ, khuôn cửa… Trường hợp sản xuất phôi gỗ thương phẩm, không cần thiết phải đầu tư thiết bị gia công mà có thể thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm, đóng kiện, và xuất bán.

Thúc đẩy phát triển thị trường KH và CN trong ngành hàng đồ gỗ

Chiều 15/04/2021, Ban Quản lý dự án hỗ trợ kỹ thuật Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) đã phối hợp cùng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong ngành hàng đồ gỗ” tại TP.HCM.

Buổi hội thảo đã giới thiệu 3 công nghệ, sáng chế trong ngành gỗ gồm: House 3D, Dây chuyền xẻ gỗ tự động và Công nghệ luyện gỗ. Các công nghệ trên đã gây được sự chú ý lớn của rất nhiều khách mời là doanh nghiệp, các viện, trường… và nhận được nhiều câu hỏi, ý kiến đóng góp cũng như lời mời hợp tác. Tại hội thảo, Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) cùng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) đã chính thức công bố nội dung hợp tác về việc “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong ngành hàng đồ gỗ”. Theo đó, phía NATEC sẽ cung cấp các đầu mối công nghệ chế biến và sản xuất gỗ, Vifores là đầu mối kết nối giữa công nghệ với doanh nghiệp. Động thái này mở ra nhiều điểm tích cực trong sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam.

Theo ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường KH&CN, các hiệp định thương mại FTA thời gian qua đã mở ra nhiều cơ hội xâm nhập vào thị trường quốc tế cho các ngành hàng Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức mới, đặc biệt là các rào cản về thương mại, kỹ thuật. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt phải không ngừng chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và kỹ năng quản trị doanh nghiệp của mình. Việc kết nối, giới thiệu, chuyển giao các kỹ thuật mới cho các doanh nghiệp Việt Nam là yêu cầu mà Bộ KH&CN đang đặt ra thông qua Chương trình Phát triển thị trường công nghệ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất