, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 09/12/2023, 06:00

Công nghệ số sản xuất nông sản và bài học nào từ láng giềng?

HÀM LUÔNG
Kinh tế thế giới vẫn chưa hết ảm đạm, và dự báo của các chuyên gia, đến hết quý 1/2024, may ra những tín hiệu khởi sắc sẽ trở lại.

Sự ảm đạm của thị trường khiến cho kim ngạch xuất khẩu và sản lượng nông sản Việt Nam giảm đáng kể. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng lại có thông tin vui, như thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 3,1% về kim ngạch và tăng 8,9% về giá so với cùng kỳ năm 2022 khi đạt trên 1,2 triệu tấn, tương đương gần 2,96 tỷ USD, giá trung bình 2.463 USD/tấn.

Khảo sát từ các doanh nghiệp cà phê cho biết, điểm khác biệt hiện nay của họ trong sản xuất để nâng chất lượng, chính là thay đổi cách làm truyền thống chạy theo thời tiết. Lãnh đạo Công ty TNHH G20 Coffee Việt Nam (Đắk Lắk) cho biết tất cả các khâu từ giúp ra hoa, chăm sóc phòng ngừa bệnh tật, thu hoạch, chế biến đều có sự tham gia của công nghệ, và như thế sản phẩm của họ đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Thậm chí có doanh nghiệp còn xây dựng dữ liệu hệ sinh thái liên quan khách hàng, tìm hiểu nhu cầu, thói quen sử dụng sản phẩm của đối tác để tìm cách đến với thị trường nhanh và bền vững.

Đưa ứng dụng BigData, IoT, AI vào quản lý, truy xuất nguồn gốc, chăm sóc cây trồng, tự động hóa trong nhiều khâu, là đích hướng đến của nhiều doanh nghiệp. Ông Ywert Visser, Thành viên Tiểu ban thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam – EuroCham), đánh giá nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu đã tăng lên đáng kể từ khi EVFTA có hiệu lực năm 2020. Ông nói: “Sự thành công này được xác định là không chỉ thông qua số lượng sản phẩm đưa vào thị trường mà còn thông qua mức độ các sản phẩm này có thể đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu”.

Không nên quan tâm nhiều đến nhận định trên, mà ta cần là thực tế. Nông sản Việt Nam vẫn trồi sụt chất lượng dưới cái nhìn của người tiêu dùng thế giới. Sân chơi không biên giới, thì doanh nghiệp nước ngoài chẳng dại gì mà không nhòm ngó mảnh đất màu mỡ Việt Nam. Chúng ta đã ký kết tham gia và đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng nghĩa đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp vào Việt Nam sẽ tăng lên; các nhà máy của họ sẽ dịch chuyển về đây, và từ đó, áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước sẽ khốc liệt. Khu vực Đông Nam Á là dễ thấy nhất, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với các nước có thế mạnh xuất khẩu nông sản như Thái Lan, Myanmar, Campuchia.

Nếu xuất ra nước ngoài, bên cạnh những quy định khắt khe lâu nay, thì nông sản trong nước phải đối mặt với nguy cơ mức thuế cao hơn bởi thế giới đang đặt mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải carbon. Đem việc này đặt bên cạnh việc quản lý, khai thác còn lỏng lẻo của Việt Nam, sẽ thấy thách thức không nhỏ. Thêm một rào cản thương mại, cũng có nghĩa là cơ hội cạnh tranh sẽ giảm đi, nếu không lập tức thay đổi và thực hiện cách làm phù hợp.

Thị trường bày ra lối đi duy nhất: áp dụng công nghệ cao. Đây là hệ quy chiếu chi phối toàn bộ quá trình sản xuất, để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng nước ngoài. TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) nói: “Doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại song song với ứng dụng nền tảng số, công nghệ số vào quy trình sản xuất, kinh doanh. Đây là một thách thức nhưng cũng là điều kiện để tạo ra năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam”.

Thực tế, mọi thứ không phải muốn là có. Câu chuyện chính sách, cơ chế rối rắm, chậm chạp, sợ trách nhiệm, đi kèm tư tư duy “buôn chuyến” chứ không muốn xây dựng thương hiệu của Việt Nam trong xuất khẩu nông sản, nói mãi, giờ vẫn là một mớ bùng nhùng. Trong khi đó, doanh nghiệp luôn thấp thỏm: có thể năm này họ xuất tốt, nhưng năm tới, thêm một quy định khác nữa từ đối tác, là họ trở tay không kịp. “Về cơ bản, hạt tiêu của chúng ta đi vào thị trường châu Âu nói chung là ổn định. Đây vẫn là một thị trường trọng điểm có tiềm năng về lợi nhuận và giá trị, nên bắt buộc doanh nghiệp trong chiến lược kinh doanh vẫn phải đề cao thị trường khu vực châu Âu. Trong châu Âu nói chung, hiện nay với khả năng nhập khẩu hàng năm của châu Âu từ 125.000 - 130.000 tấn, Việt Nam chiếm khoảng 45% tổng thị phần nhập khẩu của EU”, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Gia vị Việt Nam cho hay. Thách thức lớn nhất vẫn là những cụm từ: ngon - sạch - giảm phát thải - giảm rác thải.

Một khuyến cáo đáng lưu ý: “Nếu không đáp ứng được những tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh của các thị trường lớn như EU, thì khoảng 3 - 5 năm tới, chúng ta mặc dù có sản phẩm tốt, có mẫu mã tốt nhưng cũng rất khó hoặc là không thể xuất khẩu vào EU, hay Nhật Bản, Mỹ”, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương nói.

Nói gần, hãy nhìn người Thái Lan làm, liệu lần nữa có giúp ta suy ngẫm và hành động tốt hơn không.

- Họ dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, sinh học nông nghiệp như: thiết bị bay không người lái (drone), robot hiện đại; đặc biệt quan tâm chất lượng, nguồn gốc cây giống, chế tài nghiêm nếu ai vi phạm. Họ không trồng đại trà vài loại, mà luôn đa dạng hóa sản phẩm.

- Từ năm 2020, nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp đã được nhà nước trao khoản tài trợ từ 10.000 THB (300 USD) tới 300.000 THB (9.000 USD), nhằm khuyến khích sử dụng công nghệ. Nên không lạ, đến nay nhiều nông dân Thái Lan sử dụng drone trong khi gieo hạt và phun thuốc trừ sâu.

- Để nông sản xuất đi tốt, họ chuẩn bị kỹ càng mọi khâu để vượt qua những rào cản phi thuế quan. Đó là, nếu đặt 2 sản phẩm cùng loại nhưng khác quốc tịch bên nhau, thì nếu đâu là giống tốt, sản phẩm đó sẽ thắng. Giống cây trồng của Thái Lan được chọn kỹ. Sự trừng phạt thích đáng sẽ đến nếu ai cung cấp giống sai quy định. Khuyến khích, hỗ trợ, nghiên cứu, trợ giá cho giống tốt đến tay nông dân. Bên cạnh đó hỗ trợ cực kỳ hiệu quả nông dân sản xuất và xuất khẩu nông sản. Nhà nước làm chặt chẽ và đảm bảo quyền lợi đúng, nhanh nhất cho nông dân trong việc chứng nhận sản phẩm, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, kiểm soát chất lượng sản phẩm.

- Quảng bá sản phẩm thông qua du lịch, khi Thái Lan là thị trường du lịch lớn. Người ta ước tính, mỗi năm Thái Lan đón khoảng 15 - 20 triệu khách du lịch, mỗi khách bình quân mua 5 USD sản phẩm nông sản, thì doanh số cũng đạt khoảng 75 - 100 triệu USD.

Có một lời khuyên từ giới chuyên gia với doanh nghiệp trong nước, là trong tình hình này, ví dụ tại TP.HCM có đến 90% doanh nghiệp không đủ năng lực xuất khẩu, thì giới xuất khẩu nông sản nên liên kết với các nhà bán lẻ thế giới để đưa hàng đi. Đó là một giải pháp hay, nhưng xem ra là tình thế, bởi đến lúc nào đó, muốn mạnh hơn thì phải thoát phụ thuộc.

Lối thoát duy nhất, như đã nói là công nghệ trong thực hiện lẫn tư duy số, mà phải bắt đầu từ chính quyền và chính sách.

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất