, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 03/01/2022, 16:42

Công nghệ số và kết nối cung cầu trong mùa dịch

PGS.TS NGUYỄN MINH CHÂU
(nongnghiep.vn)
PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam chia sẻ những suy nghĩ về Diễn đàn Kết nối nông sản 970 trong thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì phiên Diễn đàn Kết nối nông sản 970. 

Nhiều việc trước đây được thực hiện qua trực tiếp tiếp xúc, nay do yêu cầu 5k đã chuyển qua hình thức trực tuyến. Trong số này, có các hoạt động nông nghiệp như: họp chỉ đạo sản xuất cây trồng, vật nuôi; kết nối tiêu thụ sản phẩm; tham dự hội thảo khoa học và các cuộc họp giữa các Bộ với các tỉnh, hay dự các hội chợ triến lãm nông nghiệp… 

Nhờ có các công cụ thông tin hỗ trợ, mà nổi bật là phần mềm họp zoom, hay trao đổi qua nhóm zalo, qua các đường link, v.v, mà các cuộc trao đổi cả nhóm vẫn được thực hiện. Vừa đỡ tốn kém chi phí và thời gian đi lại, mà hiệu quả họp nhóm  qua zoom lại không kém gì so với gặp gỡ trực tiếp. Đúng là một minh chứng cho câu nói của ông bà: "Cái khó ló cái khôn".

PGS.TS Nguyễn Minh Châu. Ảnh: Tùng Đinh.

Chữa bệnh cho cây bằng thuốc trừ nấm và... zalo

Bây giờ, dù đang ở bất kỳ nơi đâu, qua phần mềm zalo nông dân sẽ quay ảnh triệu chứng sâu, bệnh đang tấn công vườn của họ ra sao, rồi gửi đến nhà khoa học để hỏi bệnh gì, cách trị ra sao? Thậm chí, nông dân còn có thể vừa gửi ảnh, vừa mô tả thêm về tình trạng đất đai, khí hậu nơi đó để hỗ trợ cho nhà khoa học đưa ra khuyến cáo chính xác. Bằng phần mềm zalo này, nhà khoa học có thể giúp được nông dân từ xa, không phải đến tận vườn để quan sát cây như trước đây. Zalo đã làm được một việc quá hay là giúp cho nông dân kết nối với nhà khoa học một cách nhanh chóng để kịp thời có giải pháp cho vườn cây.

Nông dân sản xuất nhỏ bán sản phẩm bằng... zalo

Để bán vài chục trái bưởi chuẩn bị thu hoạch, bây giờ nông dân ở Chợ Gạo – Tiền Giang sẽ gửi ảnh đến người tiêu dùng ở thành phố qua mạng zalo. Họ chụp ảnh, báo giá, rồi gửi qua zalo đến các mối hay mua trước đây. Nếu thống nhất được thì bên bán sẽ chốt đơn hàng, sau đó chở hàng lên thành phố Mỹ Tho giao tận nhà cho bên mua với giá tốt cho cả hai bên, vì không qua trung gian. Nhờ biết công nghệ mà nông dân đã tiêu thụ sản phẩm của mình thuận lợi hơn phải bán tại chỗ với giá thấp hơn. Công nghệ đã giúp nhà vườn có được thu nhập khá hơn nhờ không bán qua trung gian.

Kết nối cung - cầu với số lượng người tham gia rất lớn qua... zoom

Trong mùa dịch Covid, để chỉ đạo sản xuất trong lúc giãn cách xã hội, và hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm ở 19 tỉnh, thành ở phía Nam, ngày 18/7/2021, Bộ NN-PTNT đã thành lập Tổ kết nối sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông sản các tỉnh phía Nam, còn gọi Tổ công tác 970 (viết tắt Tổ 970) nhằm kết nối cung và cầu, giúp đầu ra cho nông dân trong lúc giãn cách. 

Tổ 970 là đơn vị tổ chức các diễn đàn gặp gỡ giữa nhà cung cấp (các HTX sản xuất, các trang trại sản xuất lớn, các công ty sản xuất hàng nông thủy sản...), và bên có nhu cầu mua hàng (các công ty xuất khẩu, các chợ đầu mối, các siêu thị, các cửa hàng bán lẻ...).

Sau mấy tháng hoạt động, Tổ 970 đã đạt được các kết quả sau:

- Thiết lập trang web với danh sách rất dài, gồm trên 1.500 nhà cung cấp các loại lúa gạo, trái cây, rau, thủy sản, heo, gia cầm, các mặt hàng chế biến, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, v.v. Người mua người bán liên hệ với nhau qua địa chỉ: https://ketnoi.nongnghiep.vn; htx.cooplink.com.vn.

- Các diễn đàn của Tổ 970 đến hôm nay đã là một thương hiệu, qui mô của các cuộc họp zoom vào mỗi sáng thứ 7 hàng tuần đều thu hút hơn 200 đơn vị/cá nhân tham dự. Thành phần tham dự diễn đàn kết nối cung - cầu rất đa dạng, gồm: Báo Nông nghiệp Việt Nam, Văn phòng Bộ NN-PTNT ở phía Nam, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Chăn nuôi, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT 2, Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG-HCM, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành, các HTX sản xuất từ miền núi xuống miền xuôi, các công ty cung cấp hàng hóa, cung cấp dịch vụ; và bên cầu là các công ty, cá nhân có nhu cầu mua hàng hay sử dụng dịch vụ. 

Sở dĩ rất đông người tham dự diễn đàn kéo dài cả một buổi sáng cuối tuần, vì thông tin từ diễn đàn rất phong phú. Lúc các diễn giả đang phát biểu trên diễn đàn, có rất nhiều người gửi tin nhắn đến Ban tổ chức xin tài liệu, xin số điện thoại người đang phát biểu, đã nói lên tin tức đó cần thiết như thế nào với họ. 

Chủ đề của mỗi diễn đàn họp mỗi sáng thứ 7 được thông báo trước qua hàng loạt nhóm zalo, thông báo về khả năng cung cấp một mặt hàng, hay muốn mua mặt hàng gì. Bên cung có thể giới thiệu hàng hóa của mình đến một tập thể rất lớn mà không tốn tiền quảng cáo gì hết.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký kết Chương trình hợp tác "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021- 2025". Ảnh: Tùng Đinh.

Tham gia các hội thảo, hội nghị online qua... zoom

Ngoài tổ chức các cuộc gặp gỡ cung - cầu, Tố 970 còn tổ chức các hội thảo chuyên đề do các Cục của Bộ NN-PTNT chủ trì với nội dung đa dạng: chỉ đạo sản xuất lúa, cây ăn trái, rau…; hoặc thông tin sản lượng lúa gạo, trái cây... sắp thu hoạch nhằm giúp cho nông dân bán được sản phẩm và người cần mua hàng để xuất khẩu, để bán trong nước biết địa chỉ liên hệ. 

Tổ 970 đã tổ chức Hội thảo Sản xuất Hữu cơ được chứng nhận thì nhà vườn cần phải làm gì. Qua cuộc họp này, nông dân muốn sản xuất hữu cơ được các diễn giả thông tin các địa chỉ cần liên hệ để hỗ trợ cho họ. Rất nhiều các công ty trong nước và ngoài nước cho biết họ sẵn sàn cùng làm hữu cơ với nông dân. 

Kết thúc mỗi cuộc họp zoom, Tổ 970 đều cung cấp tất cả tài liệu mà các diễn giả đã phát biểu qua một đường link.

Trong tháng 12 vừa qua, người tham gia diễn đàn còn tham dự được 2 hội thảo của Bộ trưởng NN-PTNT với các tỉnh ĐBSCL ở TP.HCM và với các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ ở Pleiku. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đang mong sản xuất chuyển từ sản lượng cao sang hướng có chất lượng cao, hướng hợp tác xã, và hướng kết hợp sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi ngành hàng. Mong sao các định hướng đúng đó sẽ đưa các nông sản Việt Nam cập bến mới, có hình ảnh khác với bây giờ. 

Ngày 29/12, ngồi tại nhà ở Mỹ Tho – Tiền Giang tôi vẫn tham dự Hội nghị Tổng kết năm 2021 online của Bộ tại Hà Nội - việc chưa từng có trước đây, cũng nhờ có công nghệ họp zoom.

Đi hội chợ triến lãm nông nghiệp bằng... đường link

Khi nghe thông báo này, tôi thấy lạ, vì cả đến Hội chợ triển lãm nông nghiệp hàng năm thường diễn ra 3 ngày ở Cần Thơ bây giờ cũng được tổ chức online. Người  bán hàng không gặp gỡ trực tiếp người mua như trước đây, mà gian hàng sẽ giới thiệu sản phẩm của công ty mình cho khách hàng qua đường link của Hội chợ. Còn các hội thảo khoa học, các buổi tiếp thị sản phẩm trong phạm vi Hội chợ vẫn diễn ra qua... họp zoom, nên các bên vẫn tiếp cận được nhau như trước. Mà họp zoom này còn có thể nghe đi, nghe lại được, chỉ cần vào lại đường link. Theo tổng kết của Báo Nông nghiệp Việt Nam, hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế trực tuyến – Agroviet online – 2021 có gần 10 nghìn lượt truy cập.

Ngoài diễn đàn kết nối cung cầu của Tổ 970, và nhóm zalo của Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT 2, còn có các đường link của các Hội chợ triển lãm khác, các trang web khác đã kết nối cung cầu sản phẩm cho các tỉnh phía Bắc, như: Postmark của Tổng công ty Bưu điện;  Voso.vn của Viettel Post, v.v.

Các hoạt động trên là rất mới, là một nỗ lực đáng trân trọng của của Bộ NN-PTNT, bây giờ Bộ không chỉ lo sản xuất, mà còn lo thị trường tiêu thụ. Mà trực tiếp là sự nỗ lực của Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 cũng như các nhóm khác trong mùa dịch Covid này.

Tôi nghĩ các cách kết nối cung cầu này cần được tiếp tục trong tương lai, vì vừa tiện, vừa tiết kiệm thời gian và công sức, so với cách làm trước đây. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất