, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 01/02/2022, 15:00

Công nghiệp văn hóa ở làng vẽ tranh hổ nổi tiếng

NGUYỆT ÁNH
“Vẽ hổ và vẽ ra một thế giới mới, một cuộc sống mới”! - đó là những gì mà nghệ nhân “không chuyên” ở làng Wanggongzhuang (quận Minquan, Shangqiu - Trung Quốc) theo đuổi trong suốt hơn 50 năm qua.

Những “họa sĩ nghiệp dư” vẽ hổ

Ngôi làng yên bình Wanggongzhuang - nơi hầu hết người dân địa phương đều mang họ Wang (Vương), được mệnh danh là “Làng vẽ hổ số một Trung Quốc”. 60% người ở làng sinh ra và lớn lên trong không gian nghệ thuật dân gian, họ học vẽ hổ và phát triển việc vẽ hổ một cách thuần thục với một tình yêu dạt dào dành cho việc đó. Vốn là một ngôi làng thuần nông, người ở Wanggongzhuang sản xuất nông nghiệp quanh năm. Đến mùa nông nhàn thì họ vẽ những bức tranh tả thực theo phương pháp truyền thống, dùng cọ (bút lông) mô tả một cách chân thực nhất phong cảnh thiên nhiên và các loài vật gần gũi, có ý nghĩa trong đời sống.

Vào những dịp lễ lớn, đặc biệt là Tết Nguyên đán, người làng Wanggongzhuang sẽ giới thiệu và bán những bức tranh của mình cho các gia đình vùng lân cận mua về trang trí nhà. Dòng tranh vẽ hổ luôn được đặc biệt ưa chuộng, bởi treo tranh hổ là tục lệ truyền thống của người Trung Quốc. Người làng giải thích rằng dân gian coi hổ là vua của muôn loài, có sức mạnh xua đuổi tà ma. Do đó, những bức tranh vẽ hổ của Wanggongzhuang có cơ hội trở thành sản phẩm kinh doanh độc đáo. Những chú hổ dưới nét vẽ bình tĩnh, nhẹ nhàng trở nên tinh xảo khi kết hợp với các yếu tố thẩm mỹ của vùng nông thôn Trung Quốc. Từng chi tiết sống động như thật, hình ảnh hổ hòa vào phong cảnh thiên nhiên trở nên gần gũi và đầy tính nghệ thuật. Tranh hổ của làng vừa mềm mại lại vừa rực rỡ, đơn giản mà sang trọng. Những năm 90 của thế kỷ trước, tranh hổ của làng Wanggongzhuang dần được nhiều người biết đến, nông dân ở Wanggongzhuang cũng bắt đầu tập trung nhiều thời gian để vẽ tranh và tham gia vào thị trường tranh bản địa. Họ dần phát triển tay nghề và cách vẽ độc đáo của làng mình.

Thương hiệu “làng vẽ hổ”

Đầu thế kỷ 20, người dân Wanggongzhuangngày càng mở rộng việc mua bán tranh ra khắp Trung Quốc. Một vài nông dân có điều kiện đã đến các thành phố lớn và mở những phòng trưng bày. Từ đây, họ giới thiệu đặc sản của làng đến đông đảo khách hàng và tham gia các triển lãm quốc tế. Khi bắt đầu được biết đến, những bức tranh hổ với giá khoảng 100 Nhân dân tệ đã dần thay đổi đời sống của làng Wanggongzhuang.

Năm 2007, chính quyền quận Minquan nhận thấy tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa dựa vào sản phẩm tranh vẽ độc đáo này. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, Hiệp hội Nghệ sĩ Hà Nam đã tổ chức một nhóm chuyên gia đến khảo sát. Họ xem các xưởng vẽ và cách những người nông dân sáng tạo. Sau các hội thảo và nhiều cuộc trao đổi, hội đồng chuyên gia và học giả đã thống nhất rằng việc Wanggongzhuang phát triển tranh vẽ hổ theo định hướng công nghiệp văn hóa là khả thi.

Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho ngành công nghiệp tranh hổ ở Wanggongzhuang với một số tên như: Civil Rights Tiger, Central Plains Tiger, Wanggongzhuang Painting Village... Liên tục hơn 12 năm qua, chính quyền địa phương đã thành lập các Hiệp hội Nghệ sĩ để hỗ trợ người làng Wanggongzhuang nâng cao kỹ thuật thông qua các khóa học nghệ thuật, hướng dẫn cách tiếp cận thị trường. Định hướng chính là từng bước thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa gắn với sản phẩm tranh hổ dân gian. Khi văn hóa và công nghiệp được kết hợp với nhau, thương hiệu “làng vẽ hổ” cũng dần được khẳng định và nổi danh khắp nơi.

Hiện nay, đông đảo dân làng đã tham gia Hiệp hội Nghệ sĩ Trung Quốc, có hơn 50 thành viên của Hiệp hội Nghệ sĩ Hà Nam và hơn 100 họa sĩ từ các nơi khác đã đến định cư tại làng. Từ một làng thuần nông, Wanggongzhuang đã chuyển sang phát triển các xưởng vẽ truyền thống và tham gia vào thị trường công nghiệp văn hóa. Nhiều thế hệ nối tiếp nhau liên tục sáng tác và năng động tham gia thị trường. Các hình thức tiếp cận mới cũng được trao dồi và đầu tư.

Song hành cùng kỷ nguyên Internet

Qua nhiều thập niên phát triển, làng Wanggongzhuang giờ đây có nhiều nghệ sĩ vẽ tranh hổ được đào tạo kỹ lưỡng. Tranh hổ được vẽ bởi thế hệ họa sĩ mới có màu sắc tươi sáng và nổi bật sự oai hùng hơn so với các tông màu ấm, nhẹ nhàng của các thế hệ trước. Khi xu thế internet phổ biến, chính quyền địa phương đã định hướng người làng Wanggongzhuang khai thác công cụ này để bán sản phẩm. Cơ hội kinh doanh càng được mở rộng, các xưởng vẽ giờ đây, ngoài họa cụ và tranh hổ, còn được bố trí các thiết bị phục vụ cho việc giới thiệu sản phẩm trực tuyến. Nhiều kênh bán tranh được thành lập ở các website thương mại điện tử và thu hút cả trăm nghìn người theo dõi. Khi thị trường tốt, một xưởng vẽ kinh doanh trực tuyến có thể thu nhập tối đa đến 500.000 Nhân dân tệ (khoảng 1,8 tỷ VNĐ) mỗi tháng.

Theo thống kê, khoảng một phần ba số tranh sản xuất ra ở làng Wanggongzhuang được bán trực tuyến. Tuy vậy, doanh số bán hàng trực tiếp tại làng vẫn không bị ảnh hưởng. Người xem tranh vẫn ghé các xưởng vẽ truyền thống để thưởng thức và tìm hiểu cách mà những họa sĩ tài ba tạo nên tác phẩm của họ. Những người trẻ của làng vẫn duy trì các xưởng vẽ truyền thống, dẫu họ có nhiều định hướng đổi mới hơn so với ông cha trong cách tiếp cận thị trường. Họ thỏa sức sáng tạo khi giới thiệu “đặc sản” tranh của làng đến với công chúng, không ngừng đầu tư, nâng cấp các xưởng vẽ để luôn sẵn sàng đón và phục vụ khách hàng tại xưởng song song với việc đầu tư cả vào các chiến dịch quảng bá trên các trang trực tuyến…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất