, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 06/12/2021, 09:34

Công tác kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật phải tuân thủ theo đúng Luật Thú y

MẠNH TIẾN
Bộ NN&PTNT vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến Góp ý dự thảo “Nghị định quy đinh cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Quang cảnh Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Phùng ĐứcTiến chủ trì Hội nghị cùng với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo một số Hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan.

Tại Hội nghị, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết Dự thảo Nghị định chưa thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Cụ thể, theo Quyết định 38/QĐ-TTg thì phạm vi của Đề án không bao gồm “Hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khác do Bộ NN&PTNT quản lý”.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết thêm, hiện nay thủ tục kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra an toàn thực phẩm khác do Bộ NN&PTNT quản lý đã được tích hợp. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu chỉ cần nộp 1 bộ hồ sơ với 1 mẫu đơn tích hợp và nhận 1 kết quả kiểm tra. 

Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã có nhiều văn bản góp ý dự thảo Nghị định (bao gồm Công văn số 2820/BNN-PC ngày 17/05/2021 gửi Bộ Tài chính, Công văn số 3717/BNN-PC ngày 17/06/2021 gửi Bộ Tư pháp; Công văn số 764/TY-KD ngày 12/05/2021 và Công văn số 872/TY-KD ngày 27/05/2021 gửi Tổng cục Hải quan) đề nghị đưa nội dung “Hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khác do Bộ NN&PTNT quản lý” ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định cho phù hợp với phạm vi tại Quyết định số 38/QĐ-TTg.

Công tác kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ cho biết, việc kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật đã được quy định và hướng dẫn cụ thể tại Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn dưới Luật. Theo đó, đối tượng kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu làm thực phẩm gồm có: 

(i) Đối tượng kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu làm thực phẩm gồm có: các tác nhân gây bệnh; các vi sinh vật gây hại; các chất tồn dư độc hại như kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng và các chất độc hại khác; 

(ii) Đối tượng kiểm dịch thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc động vật nhập khẩu gồm có: các chỉ tiêu vi sinh vật ô nhiễm; giám định ADN loài nhai lại đối với bột sản phẩm từ các nước có nguy cơ bệnh Bò điên và các chỉ tiêu vệ sinh thú y theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia.

(iii) Đối tượng kiểm dịch sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm thực phẩm gồm có: các tác nhân gây bệnh; các chất tồn dư (như thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong thú y, thủy sản; kháng sinh sử dụng trong thú y, thủy sản); các vi sinh vật gây hại, nấm men, nấm mốc, cảm quan, lý hóa. 

Luật An toàn thực phẩm chỉ đưa ra khái niệm "An toàn thực phẩm (ATTP) là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người", chứ không quy định cụ thể đối tượng kiểm tra an toàn thực phẩm.

Do vậy, việc kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật cần thực hiện theo các quy định của Luật Thú y. Trong trường hợp hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch vừa kiểm tra chất lượng và/hoặc kiểm tra ATTP, Bộ NN&PTNT sẽ thống nhất các chỉ tiêu chung để thực hiện.

Về các bất cập của dự thảo Nghị định

Các điều khoản trong dự thảo Nghị định chưa phù hợp với quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Thú y. 

Các Điều 43, 44, 45, 46, 47, 58 và 59 của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y quy định Cục Thú y là cơ quan thẩm quyền tiếp nhận, xử lý hồ sơ và tổ chức thực hiện việc kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật. 

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 36 của dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của cơ quan hải quan: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP của tổ chức, cá nhân nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm; thực hiện kiểm tra hồ sơ đăng ký chất lượng, kiểm tra ATTP và thông báo kết quả kiểm tra hồ sơ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định tại Nghị định này.

Tại Điều 7 của dự thảo Nghị định quy định về Nguyên tắc thực hiện kiểm tra đối với hàng hóa vừa phải kiểm dịch vừa phải kiểm tra chất lượng và/hoặc kiểm tra ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trong đó, nội dung bao gồm cả kiểm dịch theo Luật Thú y và theo Luật ATTP. Tuy nhiên, tại Điều 25 và Điều 26 của dự thảo Nghị định chỉ quy định về nội dung thực hiện theo Luật An toàn thực phẩm.

Mặt khác, Điều 25 và Điều 26 của dự thảo Nghị định có nội dung trùng lặp với Điều 14 và Điều 22 của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Tại điểm c khoản 1 Điều 25 của Dự thảo quy định “Mỗi lô hàng nhập khẩu có nguồn gốc động vật, thủy sản nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp…”.

Trong thực tế, mỗi lô hàng sản phẩm động vật có nguồn gốc từ động vật trên cạn, thủy sản nhập khẩu làm thực phẩm chỉ kèm theo 01 Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu, với những nội dung chứng nhận về dịch bệnh và không gây hại cho sức khỏe con người theo đúng quy định của Luật Thú y. 

Trước đây, Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/04/2010 của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm tra VSATTP đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu. Theo đó đã có nội dung quy định “Mỗi lô hàng nhập khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận đáp ứng các quy định về VSATTP do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp”. 

Tuy nhiên, các nước xuất khẩu sản phẩm động vật vào Việt Nam chỉ cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu, không cấp Giấy chứng nhận đáp ứng các quy định về VSATTP, do vậy hàng hóa nhập khẩu về cảng đã không thể thông quan được. Vì vậy, ngày 10/09/2010, Bộ NN&PTNT đã phải sửa đổi, bổ sung Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu thành mẫu “Giấy chứng nhận kiểm dịch và  VSATTP sản phẩm động vật nhập khẩu dùng làm thực phẩm”. 

Nay, điểm d khoản 1 Điều 25 của dự thảo Nghị định lại quy định: “Mỗi lô hàng nhập khẩu có nguồn gốc động vật, thủy sản nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận đáp ứng các quy định về ATTP do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp (trừ trường hợp thủy sản do tàu cá nước ngoài thực hiện đánh bắt, chế biến trên biển bán trực tiếp cho Việt Nam)”, nên sẽ gặp khó khăn trong thông quan hàng hóa.

Về các nguy cơ mất an toàn dịch bệnh và ATTP

Theo Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Thú y thế giới, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc, có trên 75% dịch bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật. Hiện có nhiều nước trên thế giới đang có rất nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh truyền lây giữa động vật và người có nguy cơ rất cao xâm nhiễm vào Việt Nam theo đường buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật như bệnh cúm gia cầm, bệnh bò điên, nhiệt thán, Nipah, SARS, các chủng vi rút Corona... 

Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục… xâm nhiễm vào Việt Nam đã gây tổn thất rất nặng nề về kinh tế. Nếu không tổ chức thực hiện việc kiểm dịch nhập khẩu chặt chẽ các loại sản phẩm động vật từ các nước vào Việt Nam theo quy định của OIE và quy định hiện hành của Việt Nam, sẽ có nguy cơ sản phẩm động vật nhập khẩu không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng được nhập khẩu dễ dàng vào Việt Nam gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, không bảo vệ được người chăn nuôi, người nuôi trồng thủy sản trong nước, gây thiệt hại rất lớn, thậm chí gây mất an ninh xã hội…

Hầu hết các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN&PTNT và các Hiệp hội tham dự Hội nghị đã thống nhất đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến báo cáo Chính phủ, đề nghị đưa "Hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khác do Bộ NN&PTNT quản lý” ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định. Tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn chi tiết của Luật Thú y.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất