, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 04/10/2022, 11:08

Cốt cách Huế trong ngôi nhà xứ Huế

LÊ MINH
Tọa lạc bên tả ngạn sông Hương thơ mộng, thời gian gần đây ngôi nhà vườn “Lan viên cố tích” số 120 Nguyễn Phúc Nguyên đã thực sự lột xác để trở thành một địa điểm trao truyền văn hóa với nhiều điểm nhấn mang đậm cốt cách Huế.
Khu nhà vườn “Lan viên cố tích”.

Đón chúng tôi vào một ngày chớm thu trong cái nắng vàng lấp lánh chiếu rọi qua những hàng cây rợp bóng dẫn vào ngôi nhà vườn, GS.TS Thái Kim Lan (chủ nhân của “Lan viên cố tích”) say sưa bắt đầu câu chuyện với nụ cười duyên dáng. 

“Lan viên cố tích” có tuổi đời đã gần 200 năm và trải qua một giai đoạn biến cố bị xâm hại, bỏ hoang. Vì vậy, để có được cảnh quan đẹp như ngày hôm nay là cả một sự cố gắng, nỗ lực cũng như tâm huyết của chủ nhân ngôi nhà.

GS.TS Thái Kim Lan cho biết: “Nếp sống của gia tộc đã ăn sâu vào trong tiềm thức của tôi kể từ khi sinh ra và lớn lên ở đây. Từng viên đá, hàng cây hay những vật dụng gia đình đơn giản cũng đủ kể cho chúng ta nghe về những câu chuyện gắn bó một thời. Chính vì vậy, ý nghĩ đầu tiên khi trở về mảnh đất này sau 50 năm sinh sống và làm việc ở nước Đức xa xôi đó chính là phải xây dựng, bảo tồn nếp sống văn hóa của một gia tộc nói riêng và người Huế nói chung”.

Lối về miền “Lan viên cố tích” lung linh như một bức tranh.
Từng viên đá, hàng cây hay những vật dụng gia đình đơn giản cũng đủ kể cho chúng ta nghe về những câu chuyện gắn bó một thời.

“Lan viên cố tích” được chia làm 6 khu vực: nhà thờ, nhà ở, nhà trà tiếp khách, nhà triển lãm, Bảo tàng gốm cổ sông Hương và sân vườn. Công trình được xây dựng theo lối kiến trúc nhà rường đặc trưng của xứ Huế với 3 gian 2 chái lợp ngói liệt xếp mỹ thuật không lòe loẹt đem đến cho mọi người cảm giác thân thuộc và ấm áp.

Theo GS.TS Thái Kim Lan, kiến trúc nhà rường còn biểu trưng cho thời tiết, địa lý của miền nhiệt đới với mái thấp, “ủ nhiều bóng tối”. “Bóng tối” này chính là sự cân bằng cho ánh sáng ngập tràn ngoài sân vườn và nói theo cách của chủ nhân ngôi nhà: “Tôi chính là người đã đi trên lằn ranh giữa ánh sáng và bóng tối với niềm hạnh phúc vô bờ”.

Ánh sáng và bóng tối luôn đan xen trong căn nhà mang đến sự cân bằng.

Cốt cách là yếu tố được định hình theo nhiều giá trị đúc kết mà thành. Ở “Lan viên cố tích” thì cốt cách Huế dễ dàng cảm nhận được từ những điều đơn giản nhất: lời ăn, tiếng nói, nếp sống... cho đến những khát vọng lớn lao hơn đó là trao truyền văn hóa cho thế hệ sau của chủ nhân ngôi nhà vườn.

Đầu tiên phải kể đến văn hóa Phật giáo hiển hiện trong khu vực từ đường với những mộc bản in Kinh Phật có từ thời vua Bảo Đại. Tiếp đó là không gian Bảo tàng gốm cổ sông Hương luôn dang rộng vòng tay đối với những ai yêu mến các giá trị cổ xưa. Đây là nơi trưng bày hơn 2.500 hiện vật gốm cổ được trục vớt lên từ dòng Hương thơ mộng do GS.TS Thái Kim Lan cất công sưu tầm từ rất nhiều năm trước đó.

Ngoài ra nhà triển lãm cũng là một nơi mà chủ nhân ngôi nhà gởi gắm rất nhiều tâm tư: “Tôi muốn nơi đây trở thành một địa chỉ văn hóa biến đổi dựa vào di sản và sáng tạo trên chính những di sản của mình. Điều này nhằm góp phần để cho thế hệ kế tiếp trải nghiệm được, nhìn thấy được như là một ví dụ điển hình trong dòng chảy của lịch sử nhân loại”.

Khu vực nhà thờ với rất nhiều tượng Phật chứng minh chủ nhà là một Phật tử “thuần thành”.
Mộc bản in Kinh Phật có từ thời vua Bảo Đại trong khu vực nhà thờ.
Khu vực Bảo tàng gốm cổ sông Hương.
Một góc bên trong khu vực Bảo tàng gốm cổ sông Hương.
Hành lang được bài trí hết sức tinh tế.

Một điều may mắn với chúng tôi khi đến đây đó là trùng thời điểm cuộc triễn lãm “Con giống” của bộ tứ nghệ sỹ Lê Thiết Cương, Lê Minh Trí, Lê Ngọc Thuận, Vũ Hữu Nhung dừng chân trên khu nhà vườn “Lan viên cố tích”.

Chia sẻ với chúng tôi, họa sỹ Lê Thiết Cương hào hứng: “Sau một hành trình dài mà triển lãm đi qua như Hà Nội, Đà Nẵng và Hội An thì Huế mà chính xác hơn là tại không gian triển lãm của ngôi nhà vườn này đã cho tôi và cộng sự những trải nghiệm thật tuyệt vời. Ở đây, chúng tôi bắt gặp được những sự đồng điệu đáng kinh ngạc và dường như các câu chuyện mà nhóm muốn truyền tải cũng đã hòa vào cùng mạch nguồn, hơi thở của không gian và thời gian của vùng đất Cố đô”.

Triển lãm con giống bên trong khu vực nhà triển lãm.

Ngoài những điều kể trên, khi đến với “Lan viên cố tích" không thể bỏ qua không gian sân vườn được bài trí hết sức đẹp mắt và tinh tế. Đây cũng là nơi mà nữ chủ nhân thường xuyên tổ chức những hoạt động ngoài trời tái hiện lại những tập tục xưa của người Huế để mọi người tìm hiểu và thưởng thức.

Không gian sân vườn luôn được chủ nhân chăm chút với nhiều mảng xanh.
Chủ nhân của “Lan viên cố tích” – GS.TS Thái Kim Lan trong khu nhà vườn của mình.

Nếu như ai hỏi về quá trình phục dựng ngôi nhà vườn này có khó khăn hay không thì GS.TS Thái Kim Lan luôn nở nụ cười thường trực và bảo rằng không. Vì theo quan niệm của bà thì khó hay không là do tấm lòng mình, nếu như tấm lòng mình mở ra với ngôi nhà thì những cánh cửa của ngôi nhà cũng sẽ mở ra với mình, ấm áp, dịu dàng và tràn đầy tình thương như chính bản tính, cốt cách của những người con xứ Huế.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất