, //, :: GTM+7

Cung cấp nước sạch & vai trò của nhà nước

Nhà nước cung cấp nước sạch cho dân tốt hơn hay tư nhân cung cấp nước sạch cho dân tốt hơn? Đây là một câu hỏi rất hệ trọng, nhưng lại xưa cũ như Trái đất.

 

Hình minh họa. Nguồn: Internet
Nhà nước cung cấp nước sạch cho dân tốt hơn hay tư nhân cung cấp nước sạch cho dân tốt hơn? Hình minh họa.

Ở một số nước, nước sạch do nhà nước cung cấp. Ở một số nước khác, nước sạch do tư nhân cung cấp. Ở một số nước khác nữa, ví dụ như nước Anh chẳng hạn, nước sạch khi thì do nhà nước cung cấp, khi lại do tư nhân cung cấp.

Đại loại, khi nhà nước cung cấp không hiệu quả thì lại chuyển sang cho tư nhân. Khi tư nhân cung cấp không hiệu quả lại chuyển sang cho nhà nước. Tóm lại, không có một câu trả lời chắc chắn như đinh đóng cột rằng nhà nước cung cấp nước sạch thì tốt hơn hay tư nhân cung cấp nước sạch thì tốt hơn.

Ở Việt Nam ta, trước đây nước sạch chủ yếu do Nhà nước cung cấp, nhưng ngày nay dịch vụ này đang được xã hội hóa ngày một nhiều hơn. Xã hội hóa thực chất là một cách nói uyển chuyển hơn cho chuyện tư nhân hóa. Tuy nhiên, cho dù tư nhân hóa đến đâu thì Nhà nước vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp nước sạch cho dân.

Để xác định vai trò của Nhà nước, một khuôn khổ khái niệm rõ ràng, mạch lạc là điều đầu tiên chúng ta cần có.

Khuôn khổ này bắt đầu từ việc xác định cho rõ nước sạch có phải là hàng hóa công hay không (cung cấp nước sạch có phải là dịch vụ công hay không)?

Theo kinh tế học, hàng hóa công là loại hàng hóa có hai tính chất cơ bản sau đây:

1.         Người này tiêu dùng không loại trừ việc tiêu dùng của người khác. Ví dụ, người này được hưởng thụ an ninh - trật tự không loại trừ người khác cũng được hưởng thụ an ninh - trật tự.

2.         Hàng hóa không bị tiêu hao sau khi được tiêu dùng. Ví dụ, sau khi một người hưởng thụ an ninh - trật tự, thì an ninh - trật tự vẫn còn đó.

Với các tính chất như vậy, thì công lý, quốc phòng, điện chiếu sáng… đều là những hàng hóa công. Tuy nhiên, cũng với các tính chất như vậy, thật sự rất khó tìm kiếm lợi nhuận bằng cách kinh doanh các hàng hóa công. Chính vì vậy, hàng hóa công phải do Nhà nước cung cấp.

Vấn đề đặt ra là nước sạch có phải là hàng hóa công hay không? Xét từ góc độ kinh tế học, tuy hành tinh của chúng ta có đến ¾ là nước, nhưng nước sạch quả thực là đang ngày càng trở nên khan hiếm. Ở rất nhiều nơi, người này dùng nước sạch sẽ không còn phần cho người khác. Và cũng khác với an ninh - trật tự, mỗi người tiêu dùng đều làm cho nước sạch bị tiêu hao. Chính vì vậy, xét từ góc độ kinh tế học, nước sạch khó lòng được coi là hàng hóa công.

Xét từ góc độ kinh tế học, nước sạch khó lòng được coi là hàng hóa công. Ảnh minh họa.
Xét từ góc độ kinh tế học, nước sạch khó lòng được coi là hàng hóa công. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, từ năm 2010 Liên hiệp quốc đã coi quyền sử dụng nước sạch là một quyền con người. Đã là một quyền con người, thì Nhà nước phải đứng ra bảo đảm. Cung cấp nước sạch để bảo đảm quyền con người vì vậy là trách nhiệm của Nhà nước. Cung cấp nước sạch cũng vì vậy là một loại dịch vụ công. Vấn đề là quyền con người được sử dụng nước sạch phải được định nghĩa một cách rõ ràng. Dùng nước sạch để rửa xe ô tô, để tưới cây, để đổ đầy bể bơi… có phải là quyền con người hay không?

Như vậy, nước sạch chỉ là hàng hóa công trong trường hợp phục vụ đời sống hàng ngày như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh… thôi. Và trong trường hợp này, Nhà nước phải đứng ra cung cấp hoặc phải hợp tác với tư nhân để cung cấp (PPP). Và ở đây, các nguyên tắc cơ bản của dịch vụ công phải được tuân thủ. Các nguyên tắc đó là:

1.         Bảo đảm tính liên tục của dịch vụ. Không thể có chuyện thích thì cấp nước, không thích thì cắt nước.

2.         Bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng của tất cả mọi người. Không thể có chuyện người giàu thì được tiếp cận dịch vụ cung cấp nước sạch, người nghèo thì không.

3.         Bảo đảm giá cả phải phù hợp. Nhìn chung, giá cả của dịch vụ công phải rẻ để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận dễ dàng kể cả những người nghèo. Để làm được điều này, Nhà nước phải tự đứng ra cung cấp hoặc trợ giá theo đầu ra cho tư nhân (hoặc áp dụng các giải pháp tài chính khác) để tư nhân vẫn có thể cung cấp được nước sạch với giá rẻ cho dân, mà vẫn tìm kiếm được lợi nhuận. Không bảo đảm được lợi nhuận cho tư nhân, không thể triển khai PPP ở đây.

Nước còn có thể được coi là hàng hóa bán công. Ví dụ, nước trong bể bơi công cộng là hàng hóa bán công. Mặc dù, một người xuống bơi sẽ không làm tiêu hao bớt nước, nhưng đến một mức độ nhất định, một người xuống bơi sẽ loại trừ một người khác được bơi. Nước để tưới tiêu nông nghiệp cũng có thể được coi là hàng hóa bán công. Mặc dù một người dùng nước tưới không loại trừ người khác cũng được dùng nước tưới, nhưng lại làm tiêu hao nước. Trong hai trường hợp, nước ngọt là hàng hóa bán công nói trên, thì Nhà nước có thể không đứng ra cung cấp, nhưng cần can thiệp để chất lượng và đặc biệt là giá cả được xác lập hợp lý.

Nước sạch như hàng hóa ví dụ như nước đóng chai chẳng hạn, thì Nhà nước không nhất thiết phải can thiệp. Hãy để cho cơ chế thị trường phát huy tác dụng.

Trong bất cứ trường hợp nào, thì vai trò quan trọng nhất của nhà nước là ban hành và áp đặt các tiêu chuẩn về chất lượng nước.

TS.NGUYỄN SĨ DŨNG

links()]

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất