, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 28/12/2016, 15:52

Cúng tam sinh - giải hạn tam tai

CAO THỊ HOÀNG
Một nghi thức cúng thần linh trước khi cúng tam sênh tại chùa. Ảnh: Đăng Khoa
Một nghi thức cúng thần linh trước khi cúng tam sênh tại chùa. Ảnh: Đăng Khoa

1.

Khánh Minh đương lui cui chuẩn bị phẩm vật cúng tam sinh, tôi hỏi:1.

- Anh Minh! Sao có nơi gọi cúng tam sinh, có nơi gọi cúng tam sênh?

- Vậy, quê em gọi cúng gì?

Anh hỏi ngược nhưng không ngoáy mặt lại. Tôi cười vả lả:

- Miệt dưới em gọi cúng tam sênh! Có đúng không, anh?

- Sinh hay sênh gì cũng một thứ thôi. Hồi trước, mấy tay vua quan bày vẽ ngăn trở và xa cách dân. Vua tế trời đất, như tế Nam Giao thì gọi tam sinh. Quan và hương chức trong làng tế Thần cũng gọi tam sinh. Dân tế vong linh chỉ được gọi tam sênh. Chữ sênh là nói trại từ chữ sinh.

Nghe anh cắt nghĩa, tôi đâm tức cái hông và nói lầm bầm:

- Vậy mà, cũng bày đặt:''Dân vi quý''!

- Nghĩ ngợi chi, hả Út?

Tôi nín thinh, phụ anh dọn bộ tam sênh: Trứng vịt luộc, tôm nướng và miếng thịt heo luộc ra cúng bái. Về sau tôi mới rõ: Trứng tượng trưng cho loài bay lên trời. Tôm biểu tượng cho loài sống dưới nước. Heo khẳng định loài sống mặt đất. Ba loài hợp lại, dân gian gọi Thiên, Địa, Nhân. Ông Bà mình cho rằng: ''Thiên Địa Nhân hòa, Càn Khôn hanh thông''. Chẳng biết ra sao, đời sau cứ tin như vậy mà yên ổn!

Đợi anh cúng xong, tôi dợm dọn về nhà. Anh rầy và kêu để lại cho người cõi âm thưởng thức. Dẫu mần theo ý anh, lòng tôi vẫn tiếc!

*

Tối hôm sau, anh bày binh bố trận, nào là: ba ly rượu, ba ngọn đèn cầy, ba điếu thuốc vấn, ba bộ tam sinh, ba đồng tiền bạc cắc, hai bộ đồ thế thân, gói tóc và móng tay của anh đựng ở cái dĩa, một bài vị có tên vị thần viết trên giấy đỏ mực đen...Thiệt ra, anh cúng vị thần gì đó tôi không biết; chỉ thấy anh quỳ lạy cho đến tàn nhang. Anh im lặng và cầm mấy gói nhỏ vật cúng đi thẳng một mạch ra ngã ba đường cái. Ngó sang các nhà lân cận trong cái xóm nhỏ Bông Sao nghèo, hình như có nhiều người lặng lẽ cúng như anh Minh đã cúng.

Định thôi không hỏi anh: Cúng cái quái quỷ gì thấy ghê và lạ? Nhưng, cái bụng cứ ấm ức!

- Con nhỏ nhà quê nầy tò mò tọc mạch. Anh cúng thì rằng cúng, chớ cúng cái gì?

Nói là nói vậy, anh bảo cúng tam tai. Ngó tôi khờ khờ không hiểu, anh giảng giải:

- Đời người hễ 12 năm đi một vòng 12 con giáp sẽ có 3 năm liền gặp hạn tam tai. Nói tam tai là nói đến 3 tai họa: hỏa tai, thủy tai và phong tai. Ngoài ra, còn có tiểu tam tai.

Tiếng chó sủa mé sông, ngọn đèn dầu sáng tù mù sắp tắt, anh nói tiếp:

- Tam tai chẳng qua do tác động tiết khí của ngũ hành trong tam hợp cục mà thôi.

Thì ra, người dân Bông Sao nói riêng, người dân Nam bộ nói chung, đều quan niệm âm - dương là một thể thống nhất trú ngụ trong tâm thức của họ. Họ chẳng những sống cho người cùng đang sống mà còn, sống cho người đã chết. Họ lo đời nầy, lòng chẳng quên lo đời sau.

2.

Người sống đất Bông Sao cúng tam sinh, giải hạn tam tai... không khấn cầu riêng mình, họ luôn khấn cầu sự an lành cho vùng đất cưu mang họ. Anh Khánh Minh kể rằng:

Vùng đất Bông Sao ở phía Đông Nam Bến Nghé. Về sau, nó thuộc phía Đông Chợ Lớn và nằm vắt ngang nối làng Chánh Hưng với Bình Đăng, Bình Hưng... tạo thành thế đất bất khả xâm lấn (1). Từ xưa rất xa, đất nầy của Vương quốc Phù Nam bị quân Chân Lạp chiếm đoạt trước khi lưu dân Việt đến khai khẩn. Và, cũng từ xưa rất xa, nơi đây bạt ngàn cây dầu cây sao mọc tự nhiên thành rừng, không do bàn tay người gieo trồng. Cây sao trổ bông hai năm một lần vào đầu tháng ba âm lịch. Bông sao nhỏ màu trắng, kết thành chùm có hương thơm nhẹ và nhất là về đêm lan tỏa xa. Trái sao nhỏ và có hai thùy. Hai thùy phát triển thành hai cánh lớn đối xứng, lúc rụng hai cánh vừa rơi vừa quay tròn khác chi chong chóng. Cây sao có ngọn hình chóp nhọn, cây cao áng chừng trên bảy tám thước tây. Người đời trước tin rằng, đó là nơi ''kẻ khuất mặt khuất mày'' thường lui tới lưu trú!

 Thế tổ Cao Hoàng đế năm thứ ba, vào ''tháng 7 năm Canh Tý (1780) khiến các đội quân đốn lấy gỗ sao để làm sư thuyền'' (Gia Định thành thông chí) thì đủ hiểu cây sao đắc dụng như thế nào. Vì, đắc dụng nên triều đình ban lệnh ''Quốc cấm dân gian không được dùng'' (Gia Định thành thông chí). Rừng Bông Sao trên đất Sài Côn bị đốn dần và mai một như rừng cây gòn thuở trước.

Rồi thời cuộc biến động khôn lường, đất rừng sao biến đổi đất nhị tỳ lực lượng Bình Xuyên, đất nghĩa địa cho những người bạc phước thuộc hạng ''cá kèo'' trong xã hội kim tiền. Dần dà chỉ còn đọng và trơ trọi cái danh. Cái danh đó, hẳn là cái tên Bông Sao mang ấn huyệt bề dày và chiều sâu lịch sử của một vùng đất đầy huyền thoại về tâm linh. Người Việt khẩn hoang trên nền đất cũ, cúng bái thần hoàng bổn cảnh và kể cả ma quỷ sở tại lẽ sự thường. Có người có ma!

*

Triệt hạ rừng cây sao, cả vùng đất mất hương Bông Sao trổ.  ''Kẻ khuất mặt khuất mày'' và ma quỷ mất chốn nương tựa. Đêm đêm và những lúc tàn khuya mưa dầm gió lạnh, dân quanh vùng nghe văng vẳng tiếng kêu than hòa lẫn tiếng khóc khiến họ chạnh lòng. Ngày qua ngày, lũ ma quỷ đi phá làng phá xóm... người can trường cũng chịu đời không thấu, huống chi đám đàn bà con nít. Đã có gia đình đùm túm bỏ đất dữ qua xứ khác.

Nhắc tới đó, Khánh Minh mặt buồn so ngó ra bến đò Xóm Củi nay chỉ còn là bãi đất nằm chơ vơ ở bến sông!

- Từ khi dân Bông Sao cúng tam sênh, giải hạn tam tai ở ngã ba đường thành nếp và nhất là, từ lúc ông Hai Tỷ gốc Bình Xuyên tặng đất cất ngôi chùa lá (3) thì cuộc sống cõi dương hòa hưỡn cõi âm. Rắc rối và khổ đau do người sống với người sống!

Tiếng chuông chùa Linh Bửu ngân nga theo ánh trăng rằm tháng bảy, như nước Cam Lồ tưới vào lòng người sự bình an; đồng thời, vỗ về hồn ma bóng quế quay vào bờ nghe kinh kệ chuyển kiếp!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất