, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 13/10/2021, 06:30

Cung ứng nông sản làm sao để tránh đứt gãy?

TUẤN ANH
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến việc cung ứng sản phẩm, hàng hóa phục vụ sinh hoạt, sản xuất và xuất khẩu trở nên cực kỳ khó khăn, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp…
Chợ đầu mối cung ứng nông sản.

Cả nước hiện có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản (NLTS) có quy mô công nghiệp và gắn với xuất khẩu. Ngoài ra, còn có hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình. Theo ước tính, các đơn vị này mỗi năm có khả năng chế biến, sơ chế khoảng 120 triệu tấn nông lâm thủy sản.

Sản xuất đình trệ

Dịch bệnh kéo dài đã khiến ngành khai thác, chế biến bị đình trệ. Thách thức dễ nhận thấy nhất chính là dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp không có nguyên liệu, không có thị trường nên phải cắt giảm công suất hoạt động.

Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các nhà máy sản xuất tôm lớn ở Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu (những địa phương dẫn đầu về sản lượng tôm của cả nước) buộc phải giảm 70% công suất hoạt động hoặc ngưng sản xuất. Các nhà máy sản xuất tôm giống, tôm thịt ở Bình Thuận cũng giảm gần 90% lượng tiêu thụ so với thời điểm trước dịch. Các doanh nghiệp chế biến cá tra tại vùng trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hầu hết phải đóng cửa, ước tính công suất hoạt động toàn ngành chỉ còn khoảng 10 đến 20%.

Sản xuất nông lâm thủy sản còn thêm khó khăn khi kết nối hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp trong khu vực còn nhiều bất cập. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), dịch vụ logistics tại nhiều nơi ở ĐBSCL - nơi được coi là vựa lúa, vựa nông thủy sản lớn nhất đất nước - phát triển khá chậm. 70% lượng hàng hoá xuất khẩu hàng năm của vùng ĐBSCL đều phải chuyển về TP.HCM hoặc cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) bằng đường bộ trước khi lên tàu; chưa kể số lượng nhà máy chế biến ở ĐBSCL khá lớn nhưng lại phân bố rải rác, không đồng đều hoặc công suất của nhiều nhà máy còn khá nhỏ, muốn đủ một chuyến hàng phải thu gom sản phẩm ở nhiều nơi khiến chi phí vận tải tăng lên. Mặt khác, các trung tâm logistics tại ĐBSCL phần lớn được đầu tư tự phát, chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hầu hết do các doanh nghiệp nhỏ thực hiện đơn lẻ từng khâu nên thiếu tính kết nối, năng lực lưu kho và chuỗi cung ứng lạnh còn hạn chế.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết cả nước hiện chỉ có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet cùng với khoảng vài ngàn kho lạnh khác có tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm. Số lượng kho lạnh như vậy không đủ đáp ứng nhu cầu về bảo quản. Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, tỷ lệ chế biến thấp (khoảng 20 - 30%) của nông thủy sản Việt Nam khiến thời gian bảo quản, lưu trữ sản phẩm ngắn trong khi hệ thống kho lạnh lại thiếu khiến hàng hóa nông sản mau chóng hư hỏng và không thể đợi được đến khi thị trường hồi phục. Đây chính là “điểm nghẽn” lớn làm giảm khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm thấp.

Thiếu hệ thống kho lạnh khiến hàng hóa nông sản mau chóng hư hỏng và không thể đợi được đến khi thị trường phục hồi.

Liên kết chuỗi để đa dạng hệ sinh thái sản xuất - tiêu thụ

TS Nguyễn Quang Như Quỳnh, giảng viên Đại học Bách Khoa thuộc Đại học Đà Nẵng, cho rằng chuỗi liên kết bị phá vỡ trong đại dịch Covid 19 là do nước ta hiện chỉ có mô hình liên kết một chiều từ nhà sản xuất, nông trại tới khách hàng. Để đề phòng rủi ro, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển nhiều giải pháp, xây dựng mô hình chuỗi cung ứng đa dạng, linh hoạt nhằm tối ưu hóa hoạt động cung ứng, tiêu thụ. Trong đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp được coi là chìa khóa quan trọng.

Cả nước hiện có 1.500 siêu thị, 240 trung tâm thương mại, 8.500 chợ (trong đó có 94 chợ đầu mối) nhưng khi dịch bệnh bùng phát và cơ quan chức năng buộc phải khoanh vùng, phong tỏa để dập dịch thì ngay lập tức việc phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng trở nên khó khăn, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động chung của chuỗi cung ứng. Sự có mặt và đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm tại nhà của chợ điện tử trong mùa dịch một lần nữa cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của ứng dụng công nghệ trong tiêu thụ nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung…

Thông qua hoạt động của sàn thương mại nông sản điện tử FoodMap Asia liên kết với Tiki và Lazada, Công ty cổ phần Công nghệ và Thương mại UFO (UFO Technology) đã tăng gần 500% doanh số, tốc độ tăng trưởng nhân sự hơn 200% trong một năm. Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng, tuy nhiên Foodmap lại tăng trưởng mạnh, xuất khẩu vài mặt hàng nông sản với giá trị cao đi Singapore, Malaysia…

Anh Phạm Ngọc Anh Tùng, CEO của UFO Technology, chia sẻ: “Dù nhiều nguồn cung bị đứt gãy trong khi lượng đơn hàng trên trang thương mại điện tử gia tăng đột biến (gấp 20 lần bình thường) nhưng FoodMap đã kịp thời tổ chức liên kết với các nhà cung cấp kho bãi, dịch vụ vận chuyển, phân phối để đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt. FoodMap đã đi cùng nhiều đối tác lớn như Lazada, Tiki, Grab, Vietjet Cargo, Cục Thương mại Điện tử, Cục Xúc tiến Thương mại và các hiệp hội lớn trong và ngoài ngành nông nghiệp Việt Nam như BSA, VIDA, VASEP... để đồng hành tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trên khắp Việt Nam theo hình thức Two sides - One Chain - One Platform (2 mặt - 1 chuỗi - 1 nền tảng)”.

Tùng cho biết thêm, để giải bài toán khó trong chuỗi cung ứng nông nghiệp, lời giải nằm ở khâu hậu thu hoạch, giảm thiểu hàng dư hàng tồn. Công ty chọn cách vận hành theo mô hình đặt hàng trước (pre-order), chiếm khoảng 30 - 35% sản phẩm bán ra; đồng thời cung cấp hàng cho cả khách hàng B2B (Business to Business - doanh nghiệp với doanh nghiệp) lẫn B2C (Business to Consumer - doanh nghiệp và người tiêu dùng). Trong đó, tỷ lệ hàng cung theo mô hình B2B chiếm khoảng 70% và B2C chiếm 30%...

Đề cập đến vấn đề phải xây dựng được chuỗi liên kết nuôi trồng, khai thác, chế biến, phân phối sản phẩm nông sản theo vòng tròn khép kín với sự tham gia tương hỗ giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và nhà khoa học song song với việc thiết lập các trung tâm thu gom ở huyện, xã và cụm liên kết cung ứng nông sản hiện đại cấp vùng, TS Nguyễn Quốc Toản cho rằng đó cũng là một giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khi có biến động. Ngoài ra, theo ông Toản, việc xây dựng các trung tâm logistics nông sản vùng đặt ở cả 3 khu vực Bắc - Trung - Nam để giảm thời gian lưu chuyển, giảm phí dịch vụ và tận dụng được năng lực vận tải tại các địa phương hoặc xây dựng các trung tâm xuất nhập khẩu nông sản làm đầu mối giao thương tại các khu vực cảng cửa ngõ quốc gia cũng là việc cần thiết nhằm hoàn chỉnh và đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất