, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 21/03/2022, 19:21

Cuộc chiến khốc liệt của cây mía

VÕ VĂN DŨNG
(nongnghiep.vn)
Hàng loạt cây trồng có giá trị hơn đã và đang thế chân cây mía. Nếu không có hướng đi phù hợp, các nhà máy đường sẽ khó lòng giữ được chân người trồng mía.

Cây mía trước cuộc "xâm lăng" của cây trồng khác

Những năm gần đây, giá mía nguyên liệu giảm, sự đầu tư của các nhà máy mía đường èo uột, kéo theo một số diện tích đất trồng mía trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chuyển sang các loại cây trồng khác hiệu quả hơn như cây ăn quả, cây gai xanh…

Diện tích đã chuyển sang các đối tượng cây trồng có hiệu quả kinh tế vượt trội được xác định là rất khó quay lại với cây mía. Vì vậy, để duy trì sản xuất ổn định, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ phải bước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt để giữ vùng nguyên liệu mía.

Vùng nguyên liệu mía đang đứng trước nguy cơ cạn tranh của nhiều loại cây trồng khác. Ảnh: VD.
Vùng nguyên liệu mía đang đứng trước nguy cơ cạn tranh của nhiều loại cây trồng khác. Ảnh: VD.

Ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy cho hay, có một thời, đây là vựa mía của huyện Cẩm Thủy với diện tích 250 ha nhưng hiện chỉ còn 50 - 60 ha. Nguyên do, một số diện tích đồi cao được người dân chuyển sang trồng keo, một số chuyển sang trồng cây gai xanh.

Nếu chuyển diện tích keo hiện tại trở lại trồng mía, một là hiệu quả sẽ không cao, hai là phải đợi đến hết chu kỳ của cây keo. Còn đối với cây gai xanh, đây là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây mía nên nông dân sẽ không dễ gì chuyển đổi.

“Diện tích đất trồng mía trước đây chuyển sang trồng keo chủ yếu là những vùng đất dốc. Một số diện tích không bị ngập úng chuyển sang trồng cây gai xanh. Cây gai xanh có thời gian lưu gốc 10 năm, bước đầu đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với mía. Vì vậy, bây giờ để nông dân chuyển từ keo và cây gai xanh sang mía là điều rất khó xẩy ra.

Ở nhóm này, chỉ có thể chuyển một số đất trồng sắn sang mía nhưng thực tế diện tích sắn ở đây cũng không còn là bao. Thực tế, chúng tôi cũng đang vận động người dân tăng diện tích cây gai chứ không nghĩ tới chuyện sẽ khôi phục lại diện tích mía”, ông Phương cho biết.

Nông dân Thanh Hóa trồng mới mía niên vụ 2022 - 2023. Ảnh: VD.
Nông dân Thanh Hóa trồng mới mía niên vụ 2022 - 2023. Ảnh: VD.

Đại diện một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho rằng, hiện nay, tổng diện tích đất trồng mía và sắn đã tương đối ổn định, nhưng sẽ chịu chung sự cạnh tranh của các nhóm cây trồng mới xuất hiện như cây gai xanh hoặc cây ăn quả. Thực tế cho thấy, ngoài diện tích được chuyển đổi sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn thì vài năm lại đây, hễ diện tích trồng mía giảm thì diện tích sắn sẽ tăng và ngược lại.

Thực trạng trên sẽ đặt các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt về vùng nguyên liệu trong bối cảnh ngành mía đường đang có dấu hiệu phục hồi, trong khi giá sắn cũng đang trong giai đoạn phục hồi giá và diện tích cũng đang tăng lên ở nhiều nơi.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, những năm qua, Thanh Hóa đã có nhiều chính sách để duy trì diện tích mía nguyên liệu. Tuy nhiên, việc người dân chuyển một số diện tích sắn, mía sang các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn là lẽ tất nhiên.

Bản thân ông Cường cũng ủng hộ phương án người dân chuyển một số diện tích đất mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Trong tình thế này, cùng với ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương, các nhà máy mía đường cũng phải vào cuộc quyết liệt thì mới mong giữ được vùng mía nguyên liệu.

Cánh đồng lớn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mía năng suất chất lượng cao cùng các chính sách đầu tư cho vay trả chậm của các nhà máy mía đường là một mắt xích quan trọng để cây mía trụ lại được với nông dân.

Nhà máy chưa thực sự quan tâm người trồng mía

Theo Sở NNN-PTNT Thanh Hóa, thời gian tới, địa phương này chủ trương sẽ duy trì diện tích mía nguyên nguyên liệu khoảng 16,5 nghìn ha; tiếp tục nâng cao về năng suất và sản lượng. Tuy nhiên, việc vùng nguyên liệu được giữ vững hay không phụ thuộc nhiều vào giá cả, năng suất. Suy cho cùng, vẫn là câu chuyện hiệu quả kinh tế từ cây mía.

Nếu không có chính sách mạnh mẽ hơn nữa, các nhà máy đường khó lòng giữ được vùng mía nguyên liệu trong những năm tới. Ảnh: VD.
Nếu không có chính sách mạnh mẽ hơn nữa, các nhà máy đường khó lòng giữ được vùng mía nguyên liệu trong những năm tới. Ảnh: VD.

Dẫn chúng tôi đi xem cánh đồng lớn hơn 70 ha, ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thạch Cẩm (huyện Thạch Thành) phấn khởi: “Cánh đồng này có thể đạt năng suất mía bình quân 120 tấn/ha nếu nông dân có điều kiện đầu tư thâm canh tốt.

Năng suất mía bình quân tại Thạch Cẩm cũng có thể đạt 90 tấn/ha nếu giá mía nguyên liệu ổn định, nông dân có lãi. Năm nay, trên 50% công đoạn trồng và thu hoạch đã được cơ giới hóa nên giảm được sức lao động và tính ra hiệu quả kinh tế đã cao hơn vài năm trước đây. Nếu có chính sách đầu tư kích cầu của các nhà máy mía đường thì nông dân sẽ có điều kiện tốt hơn để nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu”.

Mặc dù năm 2021, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã hiệp thương với các nhà máy để triển khai các chính sách hỗ trợ người trồng mía nhưng ông Đoàn vẫn cho rằng nông dân chưa yên tâm.

Theo ông Đoàn, Nhà máy mía đường Việt Đài chưa quan tâm nhiều đến người trồng mía. Ngay như niên vụ 2021 - 2022, Nhà máy chỉ đầu tư tiền cày máy gần 80 triệu đồng và hiện vẫn còn 50% tiền mía chưa được thanh toán. Trước thực trạng này, bằng các nguồn khác nhau, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thạch Cẩm đã đưa về 200 tấn phân bón để đầu tư trả chậm cho nông dân.

Cây mía đang tỏ ra yếu thế hơn trong cuộc cạnh tranh với nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp và cả cây lâm nghiệp, chỉ còn 'ganh đua' được với cây sắn. Ảnh: Võ Dũng.
Cây mía đang tỏ ra yếu thế hơn trong cuộc cạnh tranh với nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp và cả cây lâm nghiệp, chỉ còn "ganh đua" được với cây sắn. Ảnh: Võ Dũng.

“Chúng tôi tiếp cận với giống mía KK3 và thấy khả năng chống chịu tốt, năng suất cao nên rất phấn khởi. Tuy nhiên, nếu như Nhà máy đường Việt Đài thanh toán tiền sớm hơn và cho nông dân ứng thêm tiền giống, phân bón trả chậm nữa thì việc tái đầu tư của nông dân sẽ thuận lợi hơn. Niên vụ này, Nhà máy đường Lam Sơn có sang đặt vấn đề thu mua mía nguyên liệu nhưng chúng tôi từ chối vì đã ký hợp đồng với nhà máy mía đường Việt Đài”, ông Đoàn cho hay.

Còn ông Nguyễn Đông Dương, một hộ dân có thực lực đầu tư thâm canh trồng mía thì thẳng thắn chia sẻ: “Ở đây, nhiều hộ có đất trồng mía màu mỡ nhưng do “đuối sức” liên tiếp 3 - 4 vụ nên không có tiền tái đầu tư. Kết quả là không ít hộ cũng chỉ đạt năng suất mía 20 - 30 tấn/ha. Điều này đã kéo năng suất bình quân chung của người trồng mía xã Thạch Cẩm xuống. Tôi nghĩ, nhiều nông dân kiệt sức sau những gì đã diễn ra thì hơn lúc nào hết, các nhà máy mía đường cần quyết liệt hơn nữa để giữ vùng nguyên liệu cho mình”.

Theo thông tin từ Sở NN-PTNT Thanh Hóa, trước những khó khăn của ngành mía đường và người trồng mía, niên vụ 2021 - 2022, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển mía nguyên liệu.

Nhiều giống mía mới cũng đã được đưa vào sản xuất; bộ giống mía chủ lực cũng được xây dựng với 13 giống, gồm 4 giống chín sớm 8 giống chín trung bình và 2 giống chín muộn. Tính đến cuối tháng 2/2022, Thanh Hóa đã thành lập được 47 HTX trồng mía, trong đó có 19 HTX trực tiếp do Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn thành lập. Đến nay, toàn tỉnh đã cơ giới hóa 93% khâu làm đất, 4,9% khâu trồng; 11,9% khâu chăm sóc; 3,9% khâu thu hoạch và 3% cơ giới hóa đồng bộ.

Các nhà máy đường vẫn chưa thực sự quan tâm tới người trồng mía. Ảnh: Võ Dũng.
Các nhà máy đường vẫn chưa thực sự quan tâm tới người trồng mía. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên trước thực trạng như hiện nay, vùng nguyên liệu mía đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các đối tượng cây trồng khác. Trong khi đó, các nhà máy mía đường trên địa bàn chưa thực sự “bạo chi” cho kế hoạch giữ vùng nguyên liệu thì mục tiêu đề ra của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa sẽ đặt trước nhiều thách thức.

Cùng với các chính sách hỗ trợ, Thanh Hóa xác định trong thời gian tới, mía đường và các sản phẩm mía đường vẫn là sản phẩm trồng trọt chủ lực của tỉnh. Ngành mía đường sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng, tạo ra sản xuất liên kết gắn với chế biến; mang lại giá trị gia tăng và đóng góp vào sự ổn định kinh tế xã hội khu vực nông thôn, miền núi.

Thanh Hóa định hướng phát triển mía đường trong thời gian tới với diện tích ổn định 16,5 nghìn ha. Giai đoạn 2021 - 2025, năng suất mía phải đạt 70 tấn/ha để sản lượng đường mỗi năm 110 - 120 nghìn tấn.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất