, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 09/02/2023, 06:00

“Cuộc đấu tranh văn hóa” chưa có hồi kết

THANH THÚY
Ở nước ngoài, hồi hương các bảo vật quốc gia phần lớn thông qua hai con đường. Một là, mua lại các cổ vật từ các phiên đấu giá hoặc các giao dịch quốc tế. Hai là, thông qua luật pháp quốc tế, chứng minh rằng các cổ vật từng bị ăn cắp và đưa ra nước ngoài bằng con đường mờ ám.
Bốn trong 16 cổ vật mà Ai Cập “hồi hương” trong tháng 9 vừa qua.

"Tính đến tháng 12/2021, Ai Cập đã hồi hương thành công gần 30.000 cổ vật trong vòng 10 năm trở lại đây” - Giám đốc văn phòng Hồi hương Di sản, thuộc Bộ Du lịch và Di sản Ai Cập, ông Shaahban Abdel Gawad phát biểu. Đồng thời luôn theo dõi các cuộc đấu giá và những thương vụ buôn bán khắp mạng lưới toàn cầu.

Những năm trở lại đây, Ai Cập đã triển khai “chiến dịch hồi hương” các cổ vật tứ tán qua con đường mua bán mờ ám. Năm 1983, để bảo vệ các bảo vật, di sản văn hóa, nước này đã tăng cường thể chế pháp luật, ban lệnh cấm và trừng phạt tất cả giao dịch “xuất khẩu” di sản văn hóa. Theo cơ quan chức năng, có khoảng 95% các cổ vật trôi nổi “chợ đen” được giới thiệu bởi các nhà khảo cổ học không chính thống.

Hồi tháng 8, Ai Cập muốn thông qua tiếng nói của nhà khảo cổ học nổi tiếng thế giới, ông Zahi Hawass, để yêu cầu hồi hương những bảo vật quốc gia hiện đang được trưng bày tại các bảo tàng lớn của Châu Âu, như bảo vật “Cung hoàng đạo Dendera” ở bảo tàng Louvre, bức tượng chân dung hoàng hậu Nefertiti tại bảo tàng Neues Museum Berlin, và phiến đá Rosetta vô giá hiện được lưu giữ tại bảo tàng Anh British Museum. Ông Zahi Hawass là một nhân vật lớn, có tầm ảnh hưởng quốc tế trong giới khoa học, chính trị và văn hóa, từng giữ chức Cục trưởng Cục Hồi hương Cổ vật Ai Cập.

Năm 2015, Tòa án Geneve đã đồng ý hồi hương một bảo vật của Thổ Nhĩ Kỳ: kiệt tác nghệ thuật La Mã thuộc thế kỷ 2 sau công nguyên chạm khắc quan tài Hercules. Tác phẩm có giá trị văn hóa to lớn này được cho là đến từ một cuộc khai quật mờ ám tại khu di tích Perge, gần Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ và được nhập trái phép vào Thụy Sĩ.

Bức phù điêu La Mã chạm khắc quan tài Heracles (Hercules), thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên.

Tác phẩm thuộc quyền sở hữu của gallery Phoenix Ancient Art tại thành Geneve do anh em nhà Hicham và Ali Aboutaam làm chủ. Năm 2010, anh em nhà Aboutaam đã thỏa thuận giá bán tác phẩm với tỷ phú Jean Claude Gandur, người khăng khăng muốn thẩm định nguồn gốc xuất xứ của hàng trước khi trả tiền. Do vậy, một yêu cầu thẩm định tác phẩm đã được gửi tới bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Thụy Sĩ. Vài tuần sau, hải quan Thụy Sĩ có thông báo về cổ vật không rõ nguồn gốc, đồng thời, ngay lập tức phong tỏa tác phẩm này. Tòa án công Geneve đã dựa vào điều luật liên đoàn về thuyên chuyển tài sản văn hóa (la loi fédérale sur le transfert des biens culturels LTBC) để giải quyết.

Đối mặt với tình trạng “chảy máu” di sản văn hóa và hiện tượng buôn bán trái phép các cổ vật có giá trị, một hội nghị quốc tế diễn ra tại thủ đô Cairo (Ai Cập) vào tháng 4/2010 về việc hồi hương di sản đã thu hút sự có mặt của các bộ trưởng văn hóa của 16 quốc gia (không tính Ai Cập). Công ước năm 1970 của UNESCO về hồi hương cổ vật quy định không hồi hương cổ vật của các phi vụ diễn ra từ trước thời điểm ký kết công ước này. Vì vậy, nhiều viện, bảo tàng trên thế giới dựa vào công ước này để giữ lại các báu vật mà mình sở hữu trước năm 1970, thay vì trao trả lại cho chính quốc. Hồi hương di sản văn hóa vì thế cũng trở thành một “cuộc chiến” khó khăn, dài đằng đẵng, phức tạp và chưa có hồi kết.

Ở nước ta, trước kim ấn “Hoàng đế chi bảo”, chưa từng có tiền lệ hồi hương cổ vật theo con đường ngoại giao văn hóa. Trước đó, Cục Di sản Văn hóa ghi nhận 5 lần cổ vật có nguồn gốc Việt Nam hồi hương, theo ba hình thức.

Thứ nhất, cá nhân, tổ chức vận động quyên góp mua cổ vật và hiến tặng về nước. Chẳng hạn, chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh năm 1978.

Thứ hai, cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá ở nước ngoài và hiến tặng về nước như: Xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh đưa về Huế năm 2015, mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình hồi tháng 4 năm nay.

Thứ ba, chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép. Theo đó, có 18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hồi tháng 8 vừa qua.

Theo Cục Di sản văn hóa, sau khi Việt Nam tham gia Công ước UNESCO 1970 về chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa vào năm 2005, một số nước đã điều tra và hoàn trả một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất