, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 15/06/2022, 06:17

Cuộc sống người dân tốt hơn nhờ nuôi trâu ở vùng biên giới Long An

NGỌC PHÚC
(sggp.org.vn)
Ở các huyện biên giới của tỉnh Long An, người dân vẫn nỗ lực nuôi trâu và nhiều hộ khá giả từ nghề này.

Một thời con trâu là “đầu cơ nghiệp”, khi trâu là lao động chính trên đồng ruộng. Tuy nhiên, những năm qua, khi nghề nông từng bước được cơ giới hóa thì việc sử dụng con trâu để cày bừa đã không còn. Dù vậy, ở các huyện biên giới của tỉnh Long An, người dân vẫn nỗ lực nuôi trâu và nhiều hộ khá giả từ nghề này. 

Hiện nay, dù con trâu không còn phải kéo cày như ngày trước, nhưng thịt trâu vẫn là món không thể thiếu trong ăn uống của nhiều người dân miền Tây Nam bộ. Vì vậy, không ít nông dân vẫn tiếp tục nuôi trâu.

Ông Hồ Văn Bún, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) cho biết, con trâu khác với con bò, không thể nuôi nhốt trong chuồng, mà phải có đồng cỏ cho đi ăn, có ao đìa cho dầm mình... Có như thế trâu mới khỏe mạnh, phát triển tốt. Tuy vậy, điều kiện đồng ruộng ngày nay được người dân khai thác tối đa, không còn nhiều chỗ cho trâu. Thế là nông dân huyện Vĩnh Hưng đã tận dụng những khu vực biên giới, đất liền bằng phẳng giáp ranh 2 nước Việt Nam - Campuchia còn bỏ hoang hoặc chỉ trồng lúa 1 vụ để nuôi thả trâu bên kia biên giới. 

Nông dân vùng biên giới Vĩnh Hưng thuê đất của người dân Campuchia để nuôi trâu bằng cách, sáng đưa trâu qua biên giới để ăn cỏ, chiều lại lùa về. Trâu còn được dầm mình trên bao la sông rạch vùng Đồng Tháp Mười nên khỏe mạnh, mau lớn. Không chỉ nuôi trâu, người dân vùng biên còn mua trâu “cỏ” (những con trâu ốm của người dân nước bạn) đem về nuôi vỗ béo, rồi bán đi khắp các tỉnh miền Tây. Tại huyện Vĩnh Hưng có nhiều xã nuôi trâu, trong đó 3 xã có nghề nuôi trâu phát triển mạnh là Thái Bình Trung, Hưng Điền A và Thái Trị. 

Là người nuôi trâu nhiều nhất ở xã Thái Bình Trung với gần 30 con, ông Phạm Văn Cộ, Tổ trưởng Tổ Nông dân ấp Trung Chánh, khoe: “Số trâu trên chủ yếu do gia đình tôi tự nhân đàn. Giờ trâu không còn dùng để kéo cày mà là nuôi để sinh sản, đồng thời tôi mua thêm trâu về nuôi vỗ béo, bán lại kiếm lời”.

Ông Cộ phân tích: “Nuôi trâu không tốn nhiều chi phí, chỉ tốn một ít tiền thuê đồng cỏ bên phía Campuchia để cho trâu ăn. Vài ba tháng xuất chuồng cho thương lái với giá bán hơn 30 triệu đồng/con. Bán xong, gia đình tôi dành một ít mua gạo tặng cho bà con nghèo ở vùng biên giới”.

Xây được nhà mới kiên cố, nuôi con ăn học đàng hoàng cũng nhờ nuôi trâu, ông Phạm Văn Kéo, ở ấp Trung Chánh, cho biết, trước đây làm lúa quanh năm chỉ đủ ăn trong gia đình. Từ ngày chuyển qua nuôi trâu, kinh tế gia đình ông ngày càng khấm khá hơn. Đến nay, gia đình ông Kéo đã gầy dựng được đàn trâu 20 con.

Ông Nguyễn Trung Thiệu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Bình Trung, cho hay, toàn xã có khoảng 50 hộ nuôi trâu với khoảng 600 con, tập trung ở các ấp giáp ranh biên giới, trong đó nhiều nhất là ấp Trung Chánh. Để thuận tiện cho việc nuôi trâu, bà con làm chuồng ngay sát biên giới, ban ngày lùa trâu đi ăn bên đất bạn Campuchia, chiều lùa về nhốt trong chuồng.

“Chính quyền xã đã dùng quỹ đất công 12ha cho người dân thuê làm chuồng trại, trồng cỏ nuôi trâu. Hội Nông dân xã và huyện đã mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để bà con nuôi trâu áp dụng nhằm đem lại lợi nhuận cao, đồng thời cũng hướng dẫn bà con qua lại biên giới tuân thủ đúng các quy định của chính quyền hai bên”, ông Thiệu nói.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất