, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 27/04/2022, 17:00

Đa dạng nguồn năng lượng: Thúc đẩy điện sinh khối

ĐỨC DŨNG
(vnanet.vn)
Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng phát triển điện sinh khối.
Chú thích ảnh
Ghe chở mía nguyên liệu chờ cân mía tại cầu cảng nhà máy đường Vị Thanh (Casuco). Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Tiềm năng lớn

Thông tin từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, tính toán đến năm 2035, tiềm năng phát triển điện sinh khối từ trấu khoảng 370 MW; gỗ củi, phụ phẩm lâm nghiệp 3.360 MW, bã mía 470 MW, rơm rạ 1.300 MW, khí sinh học 1.370 MW. Tổng tiềm năng các loại hình này là hơn 9.600 MW.

Bà Phạm Hương Giang, Phó Trưởng phòng Phòng Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhận định, Việt Nam có tiềm năng lớn trong điện sinh khối và đã có một số chính sách thúc đẩy loại năng lượng này. Nhưng đến nay, số nhà máy và tỷ lệ tham gia của điện sinh khối vào hệ thống điện là rất thấTheo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng sinh khối trong sản xuất điện lên 1% vào năm 2020; 2,1% vào năm 2030 và 8,1% vào năm 2050.

Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công suất lắp đặt các nhà máy điện sinh khối đến hết năm 2021 là 325 MW, chiếm tỷ lệ 0,42% tổng công suất lắp đặt. Sản lượng điện năm 2021 của loại hình này đạt 321 triệu kWh, chiếm 0,13% sản lượng toàn hệ thống.

Điều này cho thấy, vẫn còn một khoảng cách xa để đạt được mục tiêu phát triển năng lượng sinh khối, dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển; trong đó có cơ chế hỗ trợ giá ưu đãi (giá FIT)...

Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng, điện sinh khối vẫn ở mức "không đáng kể" là do những khó khăn trong việc kiểm soát nguồn nhiên liệu cung cấp cho nhà máy như: khả năng cung cấp nhiên liệu thiếu ổn định và bền vững; giá nhiên liệu thay đổi theo mùa vụ.

Ngoài ra, vốn đầu tư ban đầu khá lớn là một trong các trở ngại lớn nhất, chưa kể cơ chế giá khuyến khích mua điện chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.

Cần thêm cơ chế khuyến khích

Ông Lương Quang Huy, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, khó khăn đầu tiên để phát triển điện sinh khối là tài chính và công nghệ. Công nghệ không phải quá khó, Việt Nam có thể làm chủ, nhiều đơn vị đã và đang nghiên cứu, làm chủ công nghệ.

Nhưng các chính sách của Chính phủ còn thiếu hấp dẫn và các điều kiện cho cơ sở cho đốt rác, thu hồi khí, phát triển điện sinh khối thì chi phí còn rất cao so với các nguồn năng lượng tái tạo khác như gió, mặt trời... Cùng với đó, phải làm sao để có được những vùng nguyên liệu bền vững, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư.

Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, công suất lắp đặt năng lượng sinh khối đến năm 2030 của Việt Nam là 1.730 MW. Để mục tiêu này trở thành hiện thực, Việt Nam sẽ cần nhiều hơn những cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư vào loại hình năng lượng này.

Bà Phạm Hương Giang cho rằng, cần xem xét lại cơ chế chính sách để thu hút sự đầu tư cả về công nghệ và nguồn tài chính của nhà đầu tư tư nhân trong điện sinh khối. Có thể xem xét "thưởng thêm" cho các công nghệ tiên tiến, mang lại hiệu quả cao. Trong thời gian tới, cần đánh giá lại giá FIT để biết xem cơ chế này đã thực sự hấp dẫn chưa, nếu chưa cần phải xem xét lại.

Theo đánh giá của chuyên gia nước ngoài, Việt Nam có nguồn lượng sinh khối đa dạng và rất lớn; trong đó, có nguyên liệu sau thu hoạch như bã mía, trấu rơm... Điện sinh khối là dạng năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam đáp ứng phần nào cho năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Mathias Eichelbronner, chuyên gia quốc tế về năng lượng sinh khối, cho hay hiện nhiều nước trong khu vực đã có mức giá ưu đãi FIT với điện sinh khối rất tốt như Thái Lan, Malaysia... Việt Nam cũng đã có cơ chế giá FIT, tuy nhiên vẫn là chưa đủ để khuyến khích loại hình năng lượng này phát triển.

Mức giá FIT của Việt Nam mới chỉ 8,47 cent/kWh (công nghệ không đồng phát), thấp hơn so với nhiều nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines. Với mức giá ưu đãi thấp, sẽ khó để các ngân hàng cấp vốn, bởi nhiều rủi ro trong đầu tư. Vì nếu giá FIT không thực sự tốt, thị trường tài chính không có đủ đòn bẩy, khuyến khích các ngân hàng sẵn sàng cung cấp nguồn vốn.

Cũng theo nhận định của ông Phạm Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1, để thúc đẩy phát triển năng lượng sinh khối, bên cạnh việc hỗ trợ về giá, Chính phủ, các bộ, ngành cần tạo cơ chế thông thoáng, gỡ “vướng” các quy định, thủ tục đầu tư như: phê duyệt đánh giá tác động môi trường, quy hoạch phát triển nguồn điện.... Ngoài ra, do chưa có các hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Quy hoạch, việc bổ sung các dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực rất chậm và kéo dài.

Vì vậy, Chính phủ cần có chỉ đạo, rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị, đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư. Khi có cơ chế hợp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nguồn năng lượng này.

Theo chia sẻ của bà Lê Thị Thoa, Điều phối dự án Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM) của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), cơ chế giá FIT ở Việt Nam hiện tại chưa đủ hấp dẫn.

Do vậy, để khuyến khích phát triển điện sinh khối nhằm tối ưu hóa việc sử dụng phế phụ phẩm nông lâm nghiệp, Chính phủ cần xem xét lại giá FIT. Đây cũng là một trong những hoạt động mà dự án BEM sẽ phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương thực hiện trong năm 2022.

Hiện các dự án bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức đã và đang thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ chức tài chính để các tổ chức có thể xem xét việc cấp vốn thực hiện các dự án này.

Cụ thể, BEM sẽ tư vấn thiết kế các tiêu chí đánh giá hiệu quả tài chính các dự án đầu tư năng lượng sinh học và tư vấn thiết kế cơ chế tài chính dựa theo nhu cầu cấp vốn cho các dự án năng lượng sinh học và các nguồn vốn quốc tế, góp phần thực hiện các biện pháp bảo vệ khí hậu.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất