, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 26/06/2022, 06:02

Đà Ly - Phong Lệ quê xưa

CẨM HÀ
Về làng Phong Lệ (xã Hòa Châu huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng) đúng vào ngày 2/4 âm lịch nhưng tôi chưa có duyên tham gia vào lễ rước mục đồng. Cũng thật khó để hình dung ngôi đình Thần Nông khiêm nhường nép sau dãy phòng học cũ kỹ của trường tiểu học Nguyễn Hồng Ánh, nơi đã từng diễn ra một lễ hội khá đặc sắc, điển hình của nền văn minh nông nghiệp…
Đền thờ tiền hiền Phong Lệ.

Đình Thần Nông và Lễ rước Mục đồng

Khoát tay chỉ một mô đất khuất lấp trong đám cỏ dại, anh Dũng, bảo vệ của trường tiểu học Nguyễn Hồng Ánh nói với tôi, nơi đây đã từng là cổng đình. Chiến tranh và những biến cố suốt chiều dài lịch sử đã làm chiếc cổng biến mất, không còn dấu tích. Rồi một trường học mọc lên gần đó, dãy phòng học nằm chắn ngay trước mặt đình. Ngôi đình lọt thỏm trong khuôn viên trường học, chính xác là giữa một bãi đất trống lưa thưa cỏ dại.

May mắn thay, nó chưa bị lãng quên. Đình tuy nhỏ bé, khiêm nhường, vẫn được quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp, đồ lễ, hương khói tôn nghiêm. Nghe nói, tới đây trường học vẫn sẽ nằm kế bên, nhưng địa phương đã có kế hoạch phá dỡ dãy phòng học cũ kỹ, trả lại mặt đình. Anh Dũng bảo, thôi thì dù không còn khuôn viên rộng rãi như xưa, nhưng các vị thần yêu trẻ ngự ở đình này sẽ luôn nghe được tiếng học bài và tiếng nô đùa của chúng.

Trong ký ức đang mờ dần của cụ bà Ông Thị Mãng, nay đã ngoài 90 tuổi, ngày trước làng có lệ cứ 3 năm tổ chức lễ rước mục đồng một lần. Lễ diễn ra 3 ngày 3 đêm, có cỗ lớn, rước kiệu, hát mục đồng, không khí rất tưng bừng, nhộn nhịp. Về sau, tần suất tổ chức ngày càng thưa dần, 6 năm, rồi 12 năm… Sau hơn 70 năm bị gián đoạn, lễ hội đặc sắc này được tổ chức lại một lần vào năm 2007 và gần đây nhất là vào năm 2014.

Truyền thuyết kể rằng làng Phong Lệ xưa có một cồn cỏ giữa đồng. Ngày kia, có người xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng bị dính chặt xuống đất như có bàn tay ai đó giữ lại. Dân làng cho là có thần linh cư ngụ nên chẳng ai dám bén mảng đến cồn. Từ đó cồn có tên là cồn Thần. Ít lâu sau, có đàn trâu trong làng chạy lạc lên cồn, người lớn không ai tìm ra, duy chỉ có đám trẻ mục đồng tìm được. Từ đó, cồn Thần chỉ dành cho các trẻ chăn trâu tụ tập vui đùa. Dần dần, người làng có lệ tổ chức lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, gọi là lễ rước mục đồng. Trong xã hội phong kiến, kẻ chăn trâu thường là trẻ con, không được xem trọng, vậy mà lại được tôn vinh trong lễ tế Thần Nông ở làng Phong Lệ. Đây là điều rất đặc biệt.

Rước kiệu Thần Nông.

Không khí chuẩn bị lễ rước rất rộn ràng, tất bật, và, như rất nhiều lễ hội nông nghiệp khác, không thể thiếu các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, cuốc, gàu dai, gàu sòng, dừng, nia... Nhưng đặc sắc nhất là 17 cây “đại kỳ” của 17 chư tộc trong làng. Đại kỳ có cán lớn bằng tre dài 5 mét, có khoan lỗ đút cây ngang qua để treo các tượng gỗ tứ linh (lân, long, quy, phụng), tứ nghệ (sĩ, nông, công, thương) nên rất nặng, phải do các thanh niên trai tráng khoẻ mạnh mang vác. Để chiếm được giải, các tộc họ đua nhau sáng tác các hình tượng bằng gỗ rất mỹ thuật.

Nhân vật chính của lễ rước - những học sinh đóng vai trẻ mục đồng - mặc áo nâu, đội nón, tay cầm những chiếc cờ nhỏ, vai mang giỏ bịt mõm trâu, dây thẹo buộc trâu diễu hành. Sau khi đưa kiệu rước đến cồn Thần, dàn cổ nhạc được tấu lên. Vị chủ tế thay mặt làng dâng lễ cáo trình xin được rước Thần về đình để cúng tế. Sau một hồi khấn vái, vị chủ tế thảy hai đồng xu lên chiếc đĩa nhỏ để “xin keo” (còn gọi là xin “âm dương”), nếu rơi xuống mặt đĩa một ngửa một sấp (một âm một dương) thì ra hiệu báo cho mọi người biết rằng Thần đã giáng hạ.

Đám rước rồng rắn băng qua cánh đồng lúa chín. Trên đường đi, mỗi khi vị Trùm Mục (người cai quản các mục đồng) dõng dạc xướng “Chúng mục đồng làng Phong Lệ ta!”, đoàn mục đồng đáp lại “Dạ!”. Tiếp đó “Rước Thần Nông về làng Phong Lệ ta!”, lại đồng thanh “Giá hạ! Giá hạ!” (nghĩa là “gieo lúa”). Lại xướng tiếp: “Mừng cho tốt lúa tốt gieo. Võ thuận phong điều, mừng reo một tiếng!” và đoàn mục đồng đáp lại nhịp nhàng: “A”...

Về đến trước đình, thần vị được rước vào an vị trong đình để sẵn sàng cho chính lễ vào sáng hôm sau, ngày 2 tháng 4 âm lịch. Lễ phẩm lần lượt được bày khắp ba gian đình. Mục đồng nghiêm chỉnh đứng trước đình làm lễ. Các chức sắc trong làng nghiêm trang đứng thành hai hàng chứng minh buổi lễ. Lễ xong, trẻ mục đồng được ngồi “mâm trên” cùng ăn cỗ với các bậc cao niên trong làng, ăn uống cười đùa vui vẻ.

Làng Phong Lệ (còn gọi là Phong Nam) nằm gần quốc lộ 1A thuộc xã Hòa Châu huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 10km về phía Tây Nam. Đây là một ngôi làng cổ, ngày trước có tên là Đà Ly, xuất hiện trên Hồng Đức bản đồ cách đây hơn 500 năm. Làng cũng là quê hương của Ông Ích Khiêm. Thời vua Thiệu Trị năm thứ nhất (1841), khi Ông Ích Khiêm ra làm quan, làng đổi tên thành Phong Lệ.

Làng còn giữ được nét đặc trưng của một làng quê Việt Nam truyền thống với đồng lúa xanh ngát được bao quanh bởi những lũy tre, con đường đất quanh năm mát rượi; những ngôi nhà bình dị của nhà nông…

Đền thờ tiền hiền Phong Lệ.

Dấu xưa phảng phất hồn thu thảo

Được thừa hưởng từ tổ tiên nhưng cụ Mãng không nhớ nổi ngôi nhà cổ mà cụ đang cư ngụ xây cất vào năm nào. Ngôi nhà cổ với cột kèo gỗ được chạm trổ, mái ngói âm dương giờ đây bị “kẹp” giữa hai ngôi nhà xây, trông có vẻ khép nép và thật u hoài. Thế nhưng vào thời mà nó được xây cất, chủ nhân hẳn là một người có tiền của. Anh Trinh, con trai cụ Mãng, bùi ngùi bảo nhà cổ dễ đến 200 tuổi, giờ đã quá dột nát, nếu trùng tu lại như cũ chắc phải tốn tiền tỷ. “Mà con cháu có ai chịu ở đâu, ẩm thấp, tối tăm. Chỉ có mẹ tôi kiên trì giữ lại. Có lẽ khi bà mất thì cũng phải dỡ đi, cất nhà mới. Số nhà cổ ở làng Phong Lệ bây giờ đếm không đầy một bàn tay”.

Cụ bà Ông Thị Mãng thờ cúng tổ tiên trong ngôi nhà cổ.

Hỏi ra mới biết, cụ Mãng chính là hậu duệ của danh sĩ Ông Ích Khiêm. Gia phả ghi rõ thủy tổ họ Ông vốn là người Chàm, bị vua Lý Thái Tông năm 1044 (hoặc Lý Thánh Tông năm 1069) bắt làm tù binh rồi đưa ra Bắc. Hơn 300 năm sau, năm 1471, con cháu mới vào Nam theo Lê Thánh Tông “bình Chiêm” rồi ở lại, lập nên họ Ông làng Phong Lệ, cách vương quốc xưa của cha ông mình không xa…

*

Dù lễ rước mục đồng, các đền đình, nhà cổ cùng lịch sử lập làng của Phong Lệ khá thú vị, hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch nếu biết cách khai thác, thế nhưng lúc này đây, khi tôi đứng bên rặng tre lao xao đầu chợ làng, Phong Lệ vẫn chỉ là một làng quê yên ắng và vắng lặng...

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất