, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 28/01/2019, 15:07

Đại Nội Huế dựng nêu đón tết trong mưa

Theo tuoitre.vn

Sáng 28.1 (tức 23 tháng Chạp), Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức lễ dựng nêu đón tết Kỷ Hợi tại Thế tổ miếu trong Đại Nội Huế.

Dù tiết trời xứ Huế sáng nay mưa tầm tã, nhưng buổi lễ vẫn diễn ra trong không khí hết sức trang nghiêm, theo đúng lễ nghi dưới triều Nguyễn xưa.

Đoàn rước cây nêu đi quan trước sân điện Thái Hòa trong mưa - Ảnh: NHẬT LINH
Đoàn rước cây nêu đi quan trước sân điện Thái Hòa trong mưa - Ảnh: NHẬT LINH

Đoàn rước nêu đi từ cửa Hiển Nhơn, vòng qua khu vực trước điện Thái Hòa rồi dừng lại trước sân Thế tổ miếu. Phần cúng và thượng cây nêu được thực hiện ngay sau đó theo đúng các nghi thức dưới triều Nguyễn.

Cây nêu năm nay được làm bằng tre, cao hơn 15m. Đỉnh nêu treo đèn lồng, bùa, ấn, quà…dung để xua đuổi tà ma và dâng lên đất trời, thần linh. Một đội vệ binh hơn 10 người được phân công khiên và thượng nêu.

Dù lễ rước và thượng nêu được thực hiện dưới cơn mưa tầm tã nhưng có rất đông du khách tham quan Đại Nội đã tỏ ra thích thú và tham gia cùng đoàn rước.

Theo ông Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, việc tái hiện lễ dựng nêu trong hoàng cung là một trong những hoạt động chào mừng năm mới và thu hút khách du lịch đến tham quan Đại Nội trong dịp tết âm lịch này.

Bùa, ấn, quà...được buộc vào đỉnh cây nêu trước khi thượng nêu để xua đuổi tà mà - Ảnh: NHẬT LINH
Bùa, ấn, quà...được buộc vào đỉnh cây nêu trước khi thượng nêu để xua đuổi tà mà - Ảnh: NHẬT LINH

Vào thời nhà Nguyễn, lễ dựng nêu do vua trực tiếp đứng ra làm chủ lễ. Cây nêu được dựng lên trong hoàng cung báo hiệu cho dân chúng biết bắt đầu kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Cây nêu được hạ xuống vào ngày mùng 6 tết âm lịch cũng báo hiệu cho dân chúng biết kỳ nghỉ tết đã hết, mọi công việc sẽ trở lại bình thường vào ngày hôm sau.

Sau khi cây nêu trong hoàng cung được dựng lên, bên ngoài người dân mới được dựng nêu ăn tết. Cây nêu ở nhà dân cũng phải thấp hơn cây nêu được dựng trong Đại Nội.

Người xưa quan niệm rằng, sau khi ông Táo cưỡi cá chép lên trời vào ngày 23 tháng chạp thì sẽ không còn vị thần nào bảo vệ cho ngôi nhà của mình trước các thế lực ma quỷ. Vậy nên người xưa mới dựng cây nêu với đầy đủ lễ vật, lá bùa… để xua đuổi tà ma trong những ngày Tết Nguyên đán.

Theo tuoitre.vn

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất