, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 01/12/2022, 17:30

Đăk Glei (Kon Tum): Phát triển kinh tế tập thể, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định

PHẠM NGUYÊN
(baodantoc.vn)
Với đặc thù địa phương có hơn 90% dân số là đồng bào DTTS, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, những năm qua, chính quyền huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đã quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là Hợp tác xã, Tổ hợp tác. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Thành viên HTX Thương mại và dịch vụ huyện Đăk Glei đóng gói sản phẩm “Thịt heo gác bếp”.
Thành viên HTX Thương mại và dịch vụ huyện Đăk Glei đóng gói sản phẩm “Thịt heo gác bếp”.

Hợp tác xã (HTX) Thương mại và dịch vụ huyện Đăk Glei, ở thôn 14A, xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei được thành lập vào tháng 5/2021 với 8 thành viên (trong đó, có 2 thành viên là người dân tộc Gié Triêng). Với mục đích xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dược liệu của địa phương, HTX đã liên kết với 20 hộ dân tộc Xơ Đăng tại xã Mường Hoong và Ngọc Linh trồng cây sâm dây, với diện tích khoảng 20 ha. Sản phẩm của các hộ làm ra được HTX thu mua theo giá thị trường. Hiện tại, HTX chế biến ra hơn 10 sản phẩm, gồm: sâm dây khô, rượu sâm dây, cao sâm dây, mứt sâm dây, măng khô, thịt heo gác bếp… Trong đó, có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Chị Trịnh Thị Phượng, thành viên HTX Thương mại và Dịch vụ huyện Đăk Glei chia sẻ: Khi thành lập HTX, thuận lợi đầu tiên là HTX chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, không sợ bị thiếu hụt, không sợ kém chất lượng. Bên cạnh đó, sản phẩm của HTX cũng được các cơ quan, ban, ngành của huyện, tỉnh và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm và mang đi quảng bá ở các nơi. Vì thế, các sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ tại nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi tháng, HTX đạt doanh thu hơn 200 triệu đồng.

Đồng bào Xơ Đăng xã Ngọc Linh tham gia các Tổ liên kết trồng dược liệu.
Đồng bào Xơ Đăng xã Ngọc Linh tham gia các Tổ liên kết trồng dược liệu.

Thời gian qua, huyện Đăk Glei đã ban hành các văn bản khuyến khích, hướng dẫn người dân hình thành, phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác (THT) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Huyện cũng đẩy mạnh hoạt động đào tạo và dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; lồng ghép phát triển HTX với việc thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới... Theo đó, toàn huyện Đăk Glei hiện có 11 HTX và 63 THT, thu hút hơn 2.000 thành viên tham gia (đồng bào DTTS chiếm khoảng 80%), chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các HTX, THT không chỉ phát huy vai trò giúp cho kinh tế của các thành viên phát triển mà còn giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập ổn định. Anh Nguyễn Viết Tài, Giám đốc HTX Dược liệu Thuận Tài, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei cho biết: Trung bình mỗi năm, HTX đã tiêu thụ khoảng 80 tấn dược liệu cho bà con, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên HTX với doanh thu hơn 12 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, khi tham gia vào HTX, các thành viên sản xuất chuyên nghiệp hơn, thu nhập ổn định hơn. Việc quảng bá sản phẩm cũng dễ dàng hơn vì huyện luôn quan tâm tạo điều cho HTX tham gia các hội chợ thương mại, diễn đàn xúc tiến thương mại.

Tập huấn nâng cao hiệu quả hoạt động cho HTX trên địa bàn huyện Đăk Glei
Tập huấn nâng cao hiệu quả hoạt động cho HTX trên địa bàn huyện Đăk Glei.

Cùng với đó, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2019 đến nay, huyện Đăk Glei đã bố trí kinh phí gần 2 tỷ đồng để hỗ trợ cộng đồng, hộ gia đình, THT, HTX, doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, như: mứt sâm dây, thịt khô gác bếp, muối cá khô, dệt thổ cẩm và các loại dược liệu đặc trưng của địa phương như, sâm dây, đương quy… Qua đó, từng bước chuẩn hóa các sản phẩm đặc trưng của địa phương, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hướng đến phát triển thị trường bền vững. 

Hiện, có 9 sản phẩm đặc trưng của huyện được cấp giấy chứng nhận và sử dụng nhãn hiệu sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Trong đó sản phẩm nước giải khát sâm dây Ngọc Linh được công nhận sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của tỉnh và khu vực Tây Nguyên; sản phẩm hồng đẳng sâm thái lát Vinnae được công nhận sản phẩm OCOP tiêu biểu do Ban Chỉ đạo Nông thôn mới Trung ương trao tặng.

Để phát triển kinh tế tập thể, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, huyện Đăk Glei đã chỉ đạo các HTX, THT hoạt động có hiệu quả tham gia hỗ trợ, tư vấn giúp cho các HTX, THT mới thành lập để đi vào hoạt động ổn định. “Việc triển khai thành lập các HTX, THT không chỉ làm thay đổi phương thức sản xuất của người dân mà còn giúp cho một bộ phận lao động có việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập, đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương”, bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết.

Lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum tìm hiểu tình hình hoạt động của HTX Thương mại và dịch vụ huyện Đăk Glei.
Lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum tìm hiểu tình hình hoạt động của HTX Thương mại và dịch vụ huyện Đăk Glei.

Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan trong việc phát triển kinh tế tập thể, tuy nhiên, các HTX, THT trên địa bàn huyện Đăk Glei phần lớn quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, năng lực tài chính còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn tự có. Do đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các HTX, THT trên địa bàn, huyện Đăk Glei sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường quảng bá, hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh công nhận nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân…

Thu mua sâm dây cho các hộ đồng bào Xơ Đăng xã Ngọc Linh
Thu mua sâm dây cho các hộ đồng bào Xơ Đăng xã Ngọc Linh.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất