, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 23/09/2022, 15:00

Đắk Nông tìm cơ hội phát triển các giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

BẠCH VÂN
(nld.com.vn)
Với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII định hướng.

Tháng 7/2020, Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu. Cái tên "Dak Nong UNESCO Global Geopark (Viet Nam)" chính thức xuất hiện trên bản đồ Mạng lưới CVĐC toàn cầu, gồm 177 điểm đến.

Thành viên tích cực của mạng lưới

Đắk Nông là địa phương thứ 3 của Việt Nam và thứ 164 trên thế giới có CVĐC được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu UNESCO. Tuy là thành viên "non trẻ" của mạng lưới nhưng tỉnh Đắk Nông đã có sự chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đắk Nông tìm cơ hội phát triển các giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO - Ảnh 1.
GS-TS Nikolaos Zouros (Chủ tịch Mạng lưới toàn cầu) và ông Guy Martini (Chủ tịch Hội đồng CVĐC Toàn cầu UNESCO) trao giấy chứng nhận thành viên chính thức của Mạng lưới CVĐC Toàn cầu cho bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc BQL CVĐC Đắk Nông

Năm 2021, Đắk Nông đã mạnh dạn đề xuất và bảo vệ thành công hồ sơ đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 năm 2022 (ISV20). Hội nghị sẽ được tổ chức từ ngày 21 đến 26/11 tới đây, tại TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

Đây là một sự kiện đối ngoại quan trọng, không chỉ giúp địa phương giới thiệu, quảng bá hiệu quả hệ thống hang động núi lửa - di sản địa chất mang tầm quốc tế, mà còn thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghiên cứu, làm giàu thêm các giá trị của di sản địa chất độc đáo này.

Mới đây, từ ngày 5 đến ngày 11/9, trong khuôn khổ Hội nghị Mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 7 (APGN7) diễn ra tại Satun - Thái Lan, Đắk Nông đã có hàng loạt hoạt động quan trọng, ghi dấu ấn đặc biệt tại hội nghị.

Đắk Nông tìm cơ hội phát triển các giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO - Ảnh 2.
Bản đồ du lịch của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Nguồn: UNESCO Global Geoparks

Đề xuất của Đắk Nông về việc thành lập nhóm chuyên đề về hang động núi lửa trong Mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được ghi nhận và đánh giá cao tại APGN 7. Trên cơ sở khuyến cáo của các nhà khoa học về tính quý hiếm và độc đáo của di sản địa chất hang động núi lửa và qua quá trình tiếp xúc, tìm hiểu các CVĐC toàn cầu, nhận thấy chỉ có 7/80 thành viên của Mạng lưới khu vực có hang động núi lửa, Đắk Nông đã đề xuất ý tưởng thành lập một nhóm chuyên đề về hang động núi lửa trong Mạng lưới Châu Á - Thái Bình Dương. Mục đích của nhóm chuyên đề là chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo tồn, khai thác và phát huy bền vững các giá trị của di sản địa chất độc đáo này.

Tham luận về "Kỳ quan núi lửa và hang động núi lửa trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông" do bà Trần Nhị Bạch Vân, đại diện Ban quan lý, trình bày đã nhận được sự quan tâm, trao đổi của các đại biểu để tìm hiểu sâu hơn về những giá trị di sản địa chất độc đáo, kinh nghiệm của chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất.

Ký kết hợp tác toàn diện

Cũng tại hội nghị APGN7, với sự chứng kiến của GS-TS Trần Tân Văn (Điều phối viên Mạng lưới CVĐC Việt Nam) và TS Tôn Thị Ngọc Hạnh (Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông), GS Mega Fatima Rosana (Chủ tịch Hội đồng chuyên gia, Ban Chỉ đạo Mạng lưới CVĐC quốc gia Indonesia), CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với CVĐC toàn cầu UNESCO Maros Pangkep - Indonesia.

Đắk Nông tìm cơ hội phát triển các giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO - Ảnh 3.
Giao diện Website Hội nghị ISV20 do tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức

Hoạt động hợp tác dự kiến sẽ được tổ chức trên nhiều lĩnh vực, với các hoạt động phong phú như: giao lưu, trao đổi đoàn giữa học sinh các trường trong vùng di sản, hội trại CVĐC toàn cầu, diễn đàn trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm về bảo vệ di sản, truyền thông về khoa học địa chất, phát triển du lịch địa phương… Với sự kiện này, Đắk Nông trở thành thành viên Mạng lưới CVĐC quốc gia Việt Nam đầu tiên ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác quốc tế đầu tiên với một CVĐC toàn cầu nước ngoài.

Sau hội nghị, đại diện các CVĐC đang khẩn trương trao đổi để phát triển ý tưởng và đề xuất ký kết biên bản ghi nhớ đa phương tại Hội nghị ISV20 ở Đắk Nông. Tiến đến, trình Ban Điều hành Mạng lưới toàn cầu việc thành lập nhóm chuyên đề về hang động núi lửa tại Hội nghị Mạng lưới CVĐC toàn cầu vào năm 2023 ở Ma-rốc.

Bên cạnh đó, đại diện CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông cũng chủ động tiếp xúc với Chủ tịch các Mạng lưới quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia) và đại diện Ban Quản lý các CVĐC toàn cầu có hang động núi lửa để mời tham dự và trình bày tham luận tại Hội nghị ISV20 do tỉnh đăng cai tổ chức vào tháng 11 nay năm.

Đẩy mạnh tuyên truyền cho giới trẻ

Ngoài các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông còn chú trọng xây dựng, tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá toàn cầu. Vừa qua, Ban Quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã phối hợp với Ban Quản lý CVĐC địa chất Hakusan Tedorigawa (tỉnh Ishikawa - Nhật Bản) tổ chức chương trình giao lưu văn hóa trực tuyến giữa học sinh, sinh viên trong vùng CVĐC. Chương trình đã tạo cơ hội cho các bạn trẻ 2 tỉnh giao lưu, hiểu biết thêm về các giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc bản địa sinh sống trong các vùng CVĐC.

IMG_1663729473297_1663765485602

Đại diện cho tỉnh Đắk Nông là các học sinh lớp 11 chuyên Anh Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh và phía tỉnh Ishikawa là các sinh viên Đại học Kanazawa.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất