, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 30/06/2022, 08:43

Đảm bảo an ninh lương thực bằng công nghệ ở Algeria

LAM ĐIỀN
(sggp.org.vn)
Là một phần của chiến lược nông nghiệp quốc gia, Algeria đã và đang ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong canh tác trên sa mạc. Chỉ trong một thời gian, những cồn cát nắng cháy đã nhường chỗ cho những mảnh đất trồng rau mới.

Để đảm bảo an ninh lương thực, Algeria còn tận dụng những vùng đất rộng lớn được trồng xa hơn về phía Bắc.

Theo Liên hiệp quốc, quốc gia này có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp nhất ở châu Phi và đang hướng tới việc thu hút đầu tư nước ngoài để cải thiện xuất khẩu. Một trong những mục tiêu là giảm nhập khẩu một nửa lượng lúa mì tiêu thụ trong nước. Algeria khai thác ánh nắng quanh năm làm lợi thế của mình. Với những mảnh đất trồng rau, nó cho phép người nông dân không chỉ sản xuất khoai tây mà còn cả cà chua, đậu phộng và hành trái vụ.

Aladine Meknassi, một nông dân trồng khoai tây, cho biết: “Chúng tôi muốn xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài. Tôi xin gửi lời chào đến tất cả những người nông dân đã nỗ lực cung cấp sản phẩm khoai tây tốt nhất trong nước, một sản phẩm chất lượng được công nhận trên toàn thế giới”. 

Hệ thống tưới tiêu đặc biệt với mạng lưới các vòi phun nước hiện đại, hút nước từ mực nước ngầm để cung cấp nước cho đất. Adlene Mathallah, Giám đốc dịch vụ nông nghiệp ở Wilaya of El Oued, cho biết, việc trồng trọt trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nhưng cũng cần tận tâm hơn: “Hầu hết tất cả trang trại ở đây đều được kết nối với mạng lưới điện thông minh. Họ sử dụng công nghệ hiện đại tiết kiệm nước để bảo vệ mực nước ngầm. Thuốc trừ sâu hầu như không sử dụng, đó chính là nông nghiệp bền vững”.

Nguồn nước ngầm được sử dụng từ đường ống nước ngọt xuyên sa mạc dài 750km, được coi là công trình thế kỷ của Algeria, nằm trong chiến lược phát triển các vùng phía Nam và sa mạc Sahara. Với trữ lượng khoảng 45.000 tỷ m3, các chuyên gia cho biết mỏ nước ngầm đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của cả vùng trong 5-6 thế kỷ tới với mức tiêu thụ 5 tỷ m3/năm. Một quan chức địa phương cho biết, hiện có 20.000m3 nước/ngày được dành cho tưới tiêu để sản xuất rau quả.

Sản xuất quả chà là là một ngành nông nghiệp khổng lồ khác ở Algeria. Theo truyền thống, cây chà là thường được trồng ngay trên mực nước ngầm, trong các hố đào giữa các cồn cát sau đó được thu hoạch bằng tay. Nay việc trồng chà là đã khác xưa, nhất là cách sử dụng nước ngầm. Ví dụ, điền trang Daoiua sử dụng các đường ống tưới nhỏ giọt sâu từ 300-2.000m dưới cát, để sản xuất 35.000 cây chà là và 25.000 cây olive. Công nghệ hiện đại cũng được sử dụng để thu hoạch.

Theo kỹ sư nông nghiệp Dalia Djaboub, máy móc cho phép thu hoạch tới 80 cây mỗi ngày, trong khi phương pháp truyền thống chỉ được vài cây. “Khi nhanh hơn, bạn kiếm được nhiều tiền hơn. Đây chính xác là những gì cơ giới hóa đã thực hiện trong khi giữ cho nông nghiệp bền vững, bảo tồn ốc đảo và hệ sinh thái của nó”. Khu vực này sản xuất khoảng 1.800 tấn chà là mỗi năm. Chúng được chế biến tại chỗ trong nhà máy với 350 nhân viên thường trực và 200 công nhân thời vụ. Là món ngon đối với nhiều người, chà là được xuất khẩu dưới nhiều hình thức như chà là tươi, chà là sấy, mứt chà là... 

Khi cải cách tiến bộ, lĩnh vực này trở nên cơ cấu hơn. Giờ đây, nhiều công ty trẻ đang nỗ lực phát triển các giải pháp nông nghiệp thông minh và tìm kiếm quan hệ đối tác. Hiện, các công ty khởi nghiệp Algeria đang cố gắng đổi mới tạo ra giải pháp canh tác thông minh hoặc các giải pháp khác”, Fazil Bouaiache, một chuyên gia công nghệ nông nghiệp của Filaha Innove Foundation, cho biết. Những công nghệ mới này sẽ rất cần thiết để bảo tồn nguồn nước ngầm và do đó tăng cường tính bền vững của nền nông nghiệp sa mạc.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

“Từ giờ trở đi, sẽ ngày càng có nhiều người lên trọng điểm Cà Roòng – ATP” - là ngôn ngữ của những người tự vác lên mình sứ mệnh mở đường, giữa Trường Sơn.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất