, //, :: GTM+7

Đảm bảo an ninh nguồn nước: Còn nhiều thách thức

Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) thì nguồn nước của Việt Nam đang trong tình trạng ô nhiễm.

 

Một trong những nguyên nhân chính là do quá trình đô thị hóa nhanh chóng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước; nước thải công nghiệp không qua xử lý xả thẳng ra môi trường; ngành nông nghiệp cũng đóng góp một lượng lớn chất thải từ phân bón, mầm bệnh và dược phẩm dùng trong chăn nuôi; thiếu kinh phí đầu tư vào thu gom và xử lý nước thải, trong khi đó hầu hết các con sông lớn của Việt Nam có nguồn gốc từ các nước lân cận, do vậy, tài nguyên nước của chúng ta dễ bị tổn thương do các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn. 

Xử lý nguồn nước tại Nhà máy nước mặt Hậu Giang.
Xử lý nguồn nước tại Nhà máy nước mặt Hậu Giang.

Một số thách thức đối với an ninh nguồn nước ở Việt Nam

Hiện nay, nguồn nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ với 71,7% diện tích lưu vực các sông ở bên ngoài lãnh thổ; 7/13 sông lớn, quan trọng là sông liên quốc gia; 63% nguồn nước mặt xuất phát từ ngoài lãnh thổ. Hoạt động phát triển tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế sẽ có tác động bất lợi đến các vùng hạ du lưu vực sông ở nước ta, đặc biệt tác động bất lợi đến vùng ĐBSCL là vô cùng lớn và không thể đảo ngược.

Thêm nữa, tài nguyên nước phân bố không đều theo không gian và thời gian: phần lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến TP.HCM, nơi có 80% dân số, trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước; 60% lượng nước còn lại là ở vùng ĐBSCL, nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Tuy vậy, khu vực này cũng đang chịu tác động từ sử dụng nước khu vực thượng nguồn nằm ngoài lãnh thổ.

Tác động của biến đổi khí hậu cũng góp phần cho tình trạng này trầm trọng thêm. Hạn hán, nắng nóng kéo dài làm gia tăng lượng bốc, thoát hơi nước từ bề mặt, gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất. Lượng mưa năm đang có sự thay đổi đáng kể so với trước đây, nhiều trận mưa rất lớn, thời gian kéo dài và trên diện rộng gây ngập úng nhiều đô thị, khu dân cư; triều cường trái quy luật hay nước biển dâng kéo theo nước mặn vào sâu trong đất liền; hiện tượng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn biến ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Từ cuối năm 2019 đến nay, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp không có khả năng đẩy mặn dẫn đến mặn trên sông xuất hiện sớm và xâm nhập sâu về phía thượng lưu có nơi vào sâu hơn 70 - 80km và độ mặn cũng cao hơn mọi năm đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vấn đề cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại những nơi chưa có các công trình cấp nước tập trung.

Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện có khoảng 82.000 hộ dân (tương đương khoảng 400.000 người dân) thiếu nước sinh hoạt. Sử dụng nước kém hiệu quả, lãng phí, các mô hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phát triển kinh tế chưa bền vững; ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, nước thải chưa xử lý của các đô thị, công nghiệp, làng nghề; trên 85% nước thải sinh hoạt nông thôn chưa được xử lý… làm bài toán nước sạch cho đô thị và nông thôn càng nan giải thêm.

Việc khai thác nước dưới đất quá mức, suy giảm mực nước ngầm, sụt lún đất ở một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, đặc biệt ở ĐBSCL gây lo ngại rất lớn về an ninh nguồn nước cho tương lai. Khu vực miền Trung sông ngắn, có độ dốc lòng sông lớn, nước tập trung nhanh, hàng năm vẫn xảy ra ngập lũ, úng, trong khi nguồn lực đầu tư có hạn nên thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân vẫn ở mức cao.

Cùng với sự phát triển kinh tế, đô thị hóa, hoạt động sản xuất, gia tăng các hoạt động xả nước thải đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn lên nguồn nước. Khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt với địa bàn có điều kiện địa lý, điều kiện KT - XH khó khăn còn rất hạn chế. Chất lượng và diện tích rừng đầu nguồn giảm, ảnh hưởng lớn đến khả năng giữ nước của các lưu vực sông; việc trồng rừng bằng cây công nghiệp, cây keo, bạch đàn, cao su... không có tác dụng trữ nước trên lưu vực.

Một số giải pháp an ninh nguồn nước đảm bảo cấp nước an toàn

Trong nghiên cứu “Việt Nam - Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn”, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đề xuất 7 nhóm khuyến nghị có thể tham khảo để Việt Nam ứng dụng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước cho mình. đó là: Hoàn thiện thể chế quản lý tài nguyên nước, trong đó, cần cụ thể hiệu lực của quản lý và tổ chức triển khai có hiệu quả; Thực hiện quản lý nước theo lưu vực sông; Nâng cao giá trị các hoạt động có sử dụng nước trong lĩnh vực nông nghiệp; Ưu tiên hàng đầu cho việc hoàn thiện chính sách kiểm soát tình trạng ô nhiễm; Nâng cao chất lượng quản lý rủi ro, ứng phó với thiên tai và tăng cường sức chống chịu; Thiết lập và mở rộng quy mô tài chính và các ưu đãi dựa trên thị trường, trong đó, xây dựng chiến lược tài chính mới cho ngành nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư ở tất cả lĩnh vực của ngành nước; Tăng cường an ninh nguồn nước cho các khu dân cư cùng với việc tích hợp an ninh nước cho các khu đô thị trong quy hoạch không gian, đồng thời hoàn thành cải cách ngành nước đô thị, cải thiện việc cung cấp dịch vụ cho tất cả mọi người.

TS Đào Trọng Tứ, một trong những chuyên gia hàng đầu về sông ngòi và đập lớn của Việt Nam, cho rằng: “Mục tiêu của an ninh nguồn nước là cân bằng rủi ro và cơ hội để đạt được các kết quả tích cực liên quan tới nước trên 3 trụ cột: xã hội, kinh tế và môi trường”.

Chính vì vậy, Việt Nam phải làm tốt công tác quản lý, giám sát, bảo vệ nguồn nước; kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào nguồn nước; xây dựng hệ thống hồ trữ nước mưa, nước mặt và các công trình ngăn mặn, xả lũ có tính đến biến đổi khí hậu; lập kế hoạch khai thác, sử dụng hồ trữ nước đa mục đích, ưu tiên cho khai thác cung cấp nước sinh hoạt; khai thác sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý và từng bước giảm lưu lượng khai thác nước ngầm tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM, các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long… Nghiên cứu các giải pháp bổ cập nước ngầm, hướng tới tạo nguồn nước dự phòng chiến lược trong trường hợp xảy ra các sự cố về nguồn nước mặt, hệ thống cấp nước và biến đổi khí hậu; thiết lập hệ thống kiểm soát, cảnh báo chất lượng, trữ lượng nguồn nước, nghiên cứu giải pháp dự phòng nguồn nước bảo đảm an toàn nguồn nước cho nhà máy nước; tổ chức nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị thông minh trong quản lý, vận hành hệ thống cấp nước; lựa chọn công nghệ và thiết bị tiên tiến, có chế độ tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, thân thiện môi trường và bảo đảm cấp nước an toàn; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong việc xử lý nước mặn, nước lợ cho các vùng bị xâm nhập mặn và khó khăn về nguồn nước; nghiên cứu công nghệ tái sử dụng nước mưa hỗ trợ nước sinh hoạt và các nhu cầu khác.

Năm 2020, tổng công suất thiết kế cấp nước đạt khoảng 10,6 - 10,9 triệu m3/ngày đêm; tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 89 - 90%; tỷ lệ thất thoát nước sạch đạt khoảng 19 - 18%; chất lượng nước không ngừng được cải thiện về cơ bản, đáp ứng được yêu cầu của người dân; xử lý nước thải đạt khoảng 1,2 triệu m3/ngày đêm tương ứng tỷ lệ đạt 14 - 15%.

 

PGS.TS NGUYỄN HỒNG TIẾN

Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất