, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 01/12/2022, 09:10

Dân dã chè sắn

XANH NGUYÊN
Về quê vào những ngày mưa phùn gió bấc, ấy vậy mà lòng tôi vẫn thấy ấm áp vô cùng. Phần là bởi được sống trong sự ấp iu, nồng đượm yêu thương của tình thân, gia đình. Phần là bởi tôi được thưởng thức lại rất nhiều những món ngon của mùa đông nơi quê nhà qua đôi bàn tay tảo tần, khéo léo của bà, của mẹ. Trong những thức quà mộc mạc, ấm nồng ấy, có món chè sắn nóng hổi!
 
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
 

Sắn (khoai mì) trong tâm thức của mỗi người dân Việt nói chung và người dân quê tôi nói riêng, vốn chẳng xa lạ. Đó là thứ lương thực gắn liền với những năm tháng chỉ mong được ăn no mặc ấm. Tôi nhớ vườn nhà ngoại ngày ấy rộng lắm, chừng 3 - 4 sào đất và bà dành phần lớn diện tích để trồng giống sắn xanh (sắn ta). Vào mùa thu hoạch (vụ Đông Xuân), sân nhà bà lại chất đầy củ sắn. Củ sắn dùng để ăn tươi. Củ sắn được phát thành lát mỏng, phơi khô đựng trong chum sành. Củ sắn nghiền thành bột… Quanh năm, củ sắn vừa là lương thực thực phẩm của gia đình, vừa làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Những bữa cơm độn sắn khiến bọn trẻ chúng tôi ngày ấy sợ đến khóc. Chỉ mới nhìn nồi cơm đầy ứ những sắn là sắn, kiểu gì chị em tôi cũng ỉu xìu mặt mũi, lắc đầu ngao ngán. Thế rồi để đổi vị, mẹ chuyển sang luộc sắn, xào sắn, làm bánh sắn rồi chè sắn. Cũng như ngô, khoai nướng, món chè sắn thường được mẹ nấu vào mùa đông, vì chỉ có vào mùa đông, món chè sắn mới cho hương vị ấm nồng, thơm ngon, tròn vị nhất.

Để có được món chè sắn thơm ngon, chỉ cần ba nguyên liệu chính: sắn, đường và gừng. Củ sắn dùng nấu chè phải được lựa chọn và sơ chế kĩ càng, bởi đây là yếu tố đầu tiên quyết định chất lượng mềm ngọt của món chè sắn. Mẹ chọn những củ sắn mập mạp, thẳng, vỏ mỡ màng và còn tươi nguyên, đem rửa sạch, khía chéo quanh thân củ và tách vỏ. Củ sắn được chẻ đôi, bỏ xơ ở giữa và cắt thành từng khúc nhỏ vừa ăn, đem ngâm nước muối để loại bỏ độc tố, tránh bị say. Sau đó, cho sắn vào nồi luộc đến khi mềm thì vớt ra, để nguội. 

Mẹ bảo, khâu pha nước cần sự tỉ mẩn hơn cả. Nước nấu cho đến khi âm ấm thì cho đường phên vào, khuấy đều đến khi đường tan hết, thêm gừng tươi thái sợi để tăng thêm vị thơm cho món chè. Chờ nước sôi lại, cho sắn đã luộc vào, đẩy lửa liu riu để từng miếng sắn ngấm đường. Mẹ còn hòa chút tinh bột sắn với nước đổ vào nồi chè, khuấy đều để chè có độ sánh như ý…

Tôi nhớ những ngày se lạnh của những mùa đông năm cũ, trong gian bếp nhỏ, mẹ múc chè ra chén, bày giữa mâm đồng cùng với dừa nạo. Chị em tôi chỉ chờ mẹ “mời” là kiểu gì đứa nào đứa nấy cũng nâng bát chè lên hít hà rồi cứ thế thưởng thức. Món chè sắn phải ăn khi còn nóng và phải ở chính mùa đông thì mới cảm nhận hết được dư vị nóng hổi, ngọt bùi, dẻo quánh của sắn cùng vị gừng cay thơm tỏa lan trên đầu lưỡi. 

Dù ngoài trời có lạnh căm căm nhưng được ngồi trong gian bếp ấm, vừa nghe mẹ kể chuyện khoai sắn vừa thưởng thức món chè sắn nóng hổi, bao nhiêu rét mướt ngày đông cũng bỗng nhiên tan biến!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất