, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 10/05/2023, 16:00

Dân "khùng": "Mở rộng trái tim thay vì mở rộng cái đầu"

MAI KỲ
Biến ve chai, phế liệu ở những bãi rác trở thành những đồ vật hữu ích cho cuộc sống, có giá trị về nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Quốc Dân, biệt danh Dân “khùng”, đang lan tỏa triết lý sống của anh: “Nghệ thuật độc lập là nghệ thuật lan toả phi quốc gia. Nghệ thuật đóng khung là nghệ thuật giam cầm sáng tạo và quyền tự do khai mở của các cá thể người”.

Không chỉ vậy, chính chất “khùng” đó đã tạo nên một Nguyễn Quốc Dân khác biệt. Một Dân “khùng” tự tìm rác, ăn với rác, chơi với rác, ngủ với rác đã tác động không nhỏ đến hành vi, ứng xử với môi trường sống của du khách trong và ngoài nước khi đến với phố cổ Hội An.

Nhiều người gọi bạn là Dân “khùng”, Dân “điên”, “Dân đồ vá”… bởi những thứ chất chồng mà bạn đang theo đuổi: “biến rác thành sản phẩm ứng dụng”. Họ gọi nơi bạn đang chứa những thứ “hầm bà lằng” là “XƯỞNG CỦA THẰNG KHÙNG”. Biệt danh này xuất phát từ đâu và từ bao giờ mọi người gọi bạn như vậy?

- Nguyễn Quốc Dân: (Cười). Ai gọi sao cũng được, việc mình mình làm thôi. Nhưng cá nhân tôi thấy vui khi mọi người gọi mình là khùng. Xưa, thời sinh viên trong Sài Gòn tôi đã được gọi rồi. Về đây thì người Hội An kêu: “Thằng Dân nó học nhiều quá hóa khùng”. Nên Xưởng Tái sinh hay Xưởng của thằng khùng không quan trọng; miễn là tôi thoải mái với nó là được.

Tái Sinh, có ý nghĩa với Dân như thế nào?

Tại sao lại là Tái Sinh? Bởi vì từ nhỏ tôi đã bị bỏ rơi, trải qua tuổi thơ đầy cơ cực trong trại mồ côi, lang thang bụi đời, nhặt rác, bán báo, rửa chén khắp nơi kiếm cái ăn, cái mặc… Cái “căn tính bỏ rơi” nó ở trong mình lúc nào không biết. Và tôi nghĩ, cần phải làm lại cuộc đời, phải hồi sinh lại, phải tái sinh chính mình.

Theo triết lý của nhà Phật, chúng ta sinh ra từ một cái khuôn đã chứa đầy đủ các hành động của chúng ta từ quá khứ. Nói cụ thể là năng lực vô hình của nghiệp quá khứ sinh ra tinh thần và tinh thần này kết hợp với khí lực trong thể xác, tạo thành ba yếu tố làm nên sự sống của con người là Thức, Khí lực và Thai. Thì cái thực hành nghệ thuật trong bạn nó dựa trên điều gì?

Tính bản năng. Với tôi, nó nằm trong trung tâm luôn. Cuộc đời bỏ rơi nó hình thành nên khái niệm, nếu có thể gọi là khái niệm, đôi lúc có đường hướng của Phật giáo. Nên cái khái niệm đó không phải tôi sáng tạo ra mà chính cuộc đời của mình nó nằm trong đó rồi. Nó nằm đâu đó trong cơ thể, máu xương của mình.

Học thuyết tái sinh trong Phật giáo cũng khẳng định về dòng tâm thức của một cá nhân. Với các bản năng, tài năng đi từ những kiếp trước và tiếp tục trong những kiếp tương lai, đạo Phật đã ảnh hưởng đến thực hành nghệ thuật của bạn thế nào?

Đối với người nghệ sĩ, thực hành nghệ thuật nó khác với không thực hành. Sau khi thực hành nghệ thuật, tôi thấy con đường mình chọn. Chẳng hạn, vẽ bao nhiêu cho đẹp, đẹp là như thế nào, tôi định nghĩa từ từ, bóc tách nó ra. Ví dụ, khi anh dùng sơn dầu nó đẹp, anh vẽ một bức tranh được khen đẹp quá, nhưng giá trị sau nó có tính nhân văn sâu sắc hay không thì lại không nhiều. Và bắt đầu tôi tìm kiếm khái niệm nghệ thuật trong mình. Tại sao mình không là chính mình, mà mãi mông lung như vậy?

Và cái định nghĩa mang hơi hướng của Tái Sinh của Phật giáo ra đời?

Đúng vậy. Tức là chúng ta nhìn thấy các vật thể bỏ đi, chúng ta thương, chúng ta có tình cảm với nó - ở nó chứa đầy những câu chuyện. Thì tại sao chúng ta không cho nó một đời sống mới, như cuộc đời mình bị bỏ rơi và được như bây giờ? Tôi thấy nó cũng tương đồng với Phật giáo.

Thế thì hạnh phúc hay khổ đau của mỗi cá nhân, mỗi vật thể trong những tái sinh liên tiếp không phải là một phần thưởng hay một hình phạt, mà được tạo tác bằng những hành động trước đó, vận hành theo luật nhân quả?

Với tôi, tôi thích mở rộng con tim hơn mở rộng cái đầu. Bởi nếu chúng ta mở rộng cái đầu, chúng ta sẽ phải học rất nhiều, nhưng mở rộng trái tim chúng ta sẽ yêu nhiều, thương nhiều, mến nhiều thứ hơn, và có nhiều cái để quan tâm những thứ nhiều người khác không quan tâm. Việc đó giúp tôi từ từ nuôi dưỡng sự tử tế, giúp tôi nhận ra yêu thương không bao giờ là đủ.

Mất bao lâu để bạn nhận ra mình có thể tái sinh mọi thứ và những gì mình theo đuổi bấy nay đang tác động lan tỏa điều tích cực đến cộng đồng?

Tái sinh, hồi sinh nó có câu chuyện sâu sắc của nó và nó nằm ở trong tôi từ nhỏ. Và mọi chúng sinh thường phải trải qua sự tái sinh bất tự chủ, vì mãnh lực của phiền não. Chẳng hạn như tham, sân, si, và hành vi của họ được tạo tác từ phiền não. Là một nghệ sĩ, tôi nghĩ không nhất thiết phải bám vào mới hay cũ, triển lãm hay không triển lãm, tác phẩm trưng bày hay sản phẩm có tính ứng dụng, mà cần hiểu sau lưng của nghệ thuật là gì chứ không phải lạm dụng nghệ thuật và chỉ có ca ngợi nó.

Đối với những người như chúng tôi, tôi cảm nhận thế này: nếu mình cứ vin vào việc nó có lan tỏa hay không, tác động thế nào thì mình đã không làm. Tôi chỉ có thể mở rộng con tim khi thấy con tim rung động theo hướng nhìn đó thì mới làm. Một người nghệ sĩ thực hành là một người nghệ sĩ đưa ra được một định nghĩa, một con đường, một giá trị, một triết lý thì mới đánh động đến nhân loại, mới chạm đến con tim.

Làm một việc bác ái từ tâm một cách âm thầm, vô vị lợi nhiều năm qua, bạn có nghĩ đến chuyện được mất không?

Không anh. Anh mà nghĩ, anh không thực hành nghệ thuật được. Anh như con buôn rồi. Vậy anh buôn nghệ thuật rồi chứ đâu phải nghệ sĩ. Cái từ “được - mất” anh dùng rất hay. Tôi không tính toán được mất, không kỳ kèo, không so đo…

Tức là khi mình theo đuổi các giá trị và triết lý nghệ thuật, kể cả cực đoan nhất, tiền bạc sẽ đến với mình như một phần thưởng, như một món quà tự nhiên xứng đáng được nhận?

Đúng vậy. Mình không đặt tiền bạc lên hàng đầu, dù nó rất cần cho cuộc sống. Giữa thuyết và hành, tôi yêu cái hành hơn cái thuyết. Để xác tín và minh định những gì mình theo đuổi, tôi thường không qua sách vở mà đến trực tiếp, chạm gần vào nó, trải nghiệm với nó, cảm thụ nó, đôi khi cả đau thương chết chóc cùng nó và dần dần ngộ ra rằng những gì mình biết qua sách vở chỉ là lớp màng, nhưng đi xuyên lớp màng đó thì cực cứng. Nên cái tính chất thực hành nghệ thuật trong tôi nó mạnh hơn những gì mình nghĩ. Nó khiến việc mở rộng con tim có cái gì đó khốc liệt hơn với tôi. Tôi không mở rộng cái đầu là vì vậy. Vì không coi toan tính là một lựa chọn thì mới tạo tác nên tôi bây giờ.

Hãy nói ngắn gọn về triết lý tái sinh bạn đang theo đuổi?

Con đường tôi đi là con đường tự nhiên không thiết lập. Và chỉ thực hành nghệ thuật theo thế giới mà mình nhìn thấy của mình được mở, mỗi ngày, hàng tháng, hàng năm, trực diện, và thông qua trái tim đo lường tác động của nó với xung quanh. Tôi cho rằng nghệ thuật độc lập là nghệ thuật không toan tính. Không toan tính là nghệ thuật lan tỏa phi quốc gia. Còn nghệ thuật đóng khung là nghệ thuật giam cầm sáng tạo và quyền tự do khai mở của các cá thể người.

Cảm ơn bạn về một buổi chiều trò chuyện thú vị.

Từng có 4 triển lãm cá nhân nhưng với Dân, họa sĩ là một từ rất thiêng liêng, chiếu theo tiêu chuẩn cống hiến. Và những dự án cống hiến của Dân vì cộng đồng được nhiều người biết tới, như:

- Dự án “Thêu vá”, hỗ trợ các em nhỏ tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và tàn tật Quảng Nam biết cách thêu, may vá những sản phẩm nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải trong sinh hoạt.

- Dự án “Hẻm tái sinh” mang những tác phẩm “tái sinh” ra trưng bày tại con hẻm 11 Nguyễn Thái Học (Hội An), biến con hẻm thành nơi tập trung những người yêu thích nghệ thuật và lan tỏa nghệ thuật tái sinh.

- Dự án “Tàn dư khởi sắc” thực hành nghệ thuật từ chất liệu là những chiếc dép, áo mưa nhặt trên bãi biển Hội An.

Cởi bỏ vẻ cà lơ phất phơ không giống ai của mình, thoát khỏi vai một Dân “khùng” luôn mở rộng con tim hết cỡ và thực hành nghệ thuật không thỏa hiệp đến độ cực đoan, Dân trở thành “ba Dân” của một đàn chó gần chục con được anh cưu mang giành lại sự sống của chúng từ lò mổ hay bất chợt mua từ những người bán chó dạo trên đường. “Thương lắm, thấy nó giống như mình hồi tuổi thơ đã từng bị bỏ rơi”, Dân nói.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất