, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 13/12/2023, 06:00

Dân nuôi tôm sống khỏe nhờ… thân thiện môi trường

CHÚC CHI - TIẾN LUẬN
Cùng với xu hướng sử dụng nguồn năng lượng thiên nhiên thân thiện môi trường, điện năng lượng mặt trời hiện nay được đầu tư phát triển khá nhiều, nhất là phát triển kết hợp với sản xuất nông nghiệp như trong lĩnh vực nuôi thủy sản, trang trại chăn nuôi. Nhờ điều kiện khí hậu đặc trưng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư và phát triển điện mặt trời ở những trại tôm, vừa đảm bảo được nguồn điện ổn định, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình điện mặt trời kết hợp ao nuôi tôm tại Bạc Liêu.

Đầu tư lắp đặt từ năm 2021, mô hình điện mặt trời áp mái kết hợp với nuôi tôm của hộ ông Trịnh Văn Hoặt, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải đã và đang cho hiệu quả khá cao. Tổng kinh phí lắp đặt của hộ ông Hoặt là 100 triệu đồng, với công suất là 5kWh có thể sử dụng cho mô-tơ loại 2 ngựa, đảm bảo điện năng cho 1 ao giống và 3 ao nuôi tôm thương phẩm.

Sau hơn 2 năm sử dụng, ông đã thu hồi vốn hoàn toàn. Theo ông Hoặt, do nơi ông ở thời gian nắng khá nhiều, mưa ít và thường ít khi kéo dài nên điện năng vẫn có thể hoạt động tốt xuyên suốt.

Lắp tấm pin mặt trời trên đồng nuôi tôm ở Bạc Liêu.

Ông Hoặt cho biết, trước đây khu vực của ông và người dân xung quanh không có điện nên nuôi trồng thủy sản theo hình thức siêu thâm canh là không thể. Một số ít hộ kéo được điện thì gặp tình trạng thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, mất điện. Tuy nhiên, khi ông lắp đặt điện mặt trời áp mái thì điện năng đảm bảo hoàn toàn và ông đã triển khai nuôi tôm siêu thâm canh thuận lợi hơn.

“Tôi lắp và xài hơn 2 năm nay nên đã biết rõ lợi ích, hiệu quả của điện áp mái này. Hiện nay, gia đình tôi cũng đang dành dụm tiền để tiếp tục lắp đặt thêm nhiều tấm pin nữa”, ông Hoặt cho biết.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.615 hộ lắp đặt điện áp mái. Trong đó, sử dụng năng lượng áp mái cho nông nghiệp đang ngày càng gia tăng không chỉ trong hộ gia đình mà ở cả các trang trại nuôi tôm lớn.

Mô hình lợi ích kép kết hợp nuôi tôm siêu thâm canh và sản xuất điện mặt trời tại trang trại nuôi tôm của anh Long Văn Nghĩa Công ty TNHH Một thành viên Long Mạnh cũng là một trong những mô hình kinh tế tối ưu của Bạc Liêu. Những tấm pin mặt trời của Công ty Long Mạnh được lắp đặt ngay trên những ao nước để nuôi tôm, vừa sản xuất điện vừa làm mái che. Đây là phương pháp khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất trên cùng một diện tích.

Hệ thống sản xuất điện mặt trời với công suất 2MW không chỉ đảm bảo cho sản xuất của trang trại nuôi tôm mà còn giúp anh Nghĩa thu hàng tỷ đồng từ tiền bán điện mặt trời mỗi năm. Đầu tư 32 tỷ đồng vào những tấm pin năng lượng mặt trời nhưng chỉ mất 6 năm, anh Nghĩa đã có thể hoàn vốn.

Pin mặt trời vừa sản xuất điện vừa che nắng cho tôm.

Sử dụng năng lượng tái tạo trong nuôi trồng thủy sản đang là một trong những giải pháp giảm chi phí nuôi khá hiệu quả. Bởi điện năng là một trong các yếu tố quan trọng nhất để nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh, siêu thâm canh. Thế nhưng, theo nghiên cứu của ngành chuyên môn, 1 tấn tôm thâm canh sẽ tiêu thụ hơn 4.000kWh điện, người dân sẽ chi số tiền không nhỏ cho sản xuất của mình. Vì vậy, việc lắp đặt năng lượng mặt trời như của gia đình ông Hoặt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao do tiết kiệm chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, mô hình này còn tạo ra cơ hội để nông dân tiếp cận, ứng dụng năng lượng tái tạo cho phát triển sản xuất; hướng đến sản xuất thân thiện với môi trường; tạo tính lan tỏa để người dân hiểu rõ hơn và ứng dụng tốt hơn những tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng cao đời sống.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), mỗi mùa đều có nét đẹp riêng. Những ngày này, đi dọc các cung đường dẫn vào phố cổ, sẽ bắt gặp những đồng lúa bạt ngàn màu vàng ruộm. Lúa ở Hội An không chỉ là sinh kế mà còn là không gian du lịch tuyệt vời.
Nổi bật
Được quan tâm


Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất