, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 20/09/2021, 21:50

Đằng sau những cuộc hồi hương bất đắc dĩ

THÙY DUNG thực hiện

Khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, hàng nghìn người dân từ các thành phố lớn đang là tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng… ồ ạt kéo nhau về quê. Ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT VN, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã chia sẻ với Tạp chí Nông thôn Việt một số nội dung xoay quanh hiện tượng này.

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT VN, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Nhìn dòng người hồi hương trong thời gian vừa qua, ông có suy nghĩ gì, thưa ông?

Ông Hồ Xuân Hùng: Chúng ta vừa chứng kiến một cuộc hồi hương lớn của những người nông dân. Thực tế đó cho thấy nhiều điều. Điều rõ ràng nhất là sau hàng chục năm rời quê ra thành phố kiếm sống, những người nông dân ấy vẫn chưa tìm được cuộc sống ổn định nơi đô thị. Không nhà cửa, thu nhập bấp bênh nên khi đô thị có biến, họ là những người bị tổn thương đầu tiên, vì thế, họ buộc phải quay về quê hương để tìm nơi nương náu.

Những người hồi hương hôm nay đã từng quyết tâm rời bỏ nông thôn để đi tìm cuộc sống khác, tốt hơn. Theo ông, vì sao nông thôn Việt Nam chưa thể giữ chân những người nông dân đó?

Sinh kế ổn định là yếu tố quan trọng bậc nhất để an cư. Trong khi đó, nhiều năm nay, đất đai nông thôn càng ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các khu đô thị, công trình giao thông và gần đây là khu công nghiệp... Mất đất sản xuất cộng với sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, thu nhập không cao khiến thu nhập của nông dân từ nghề nông bấp bênh, không đủ sống. Việc làm tại nông thôn cũng ngày càng ít đi khi nông nghiệp từng bước được cơ giới hóa, các ngành nghề thủ công bị mai một, dân số nông thôn gia tăng. Ly nông rồi ly hương để dồn về đô thị là hậu quả tất nhiên của tình trạng này.

Thời gian gần đây, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nông thôn Việt Nam đã được cải thiện hơn rất nhiều, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã đưa ra những chủ trương để giải quyết vấn đề lao động ở nông thôn, tuy nhiên giải pháp tạo việc làm cho nông dân có thu nhập ổn định ở nông thôn vẫn bị chậm một bước.

Phải chăng còn do điều kiện sống ở vùng nông thôn, thưa ông?

Có những vấn đề mà nông thôn của chúng ta tiến không kịp. Trước hết phải nói đến hệ thống đường giao thông. Tuy đã được khắc phục trong thời gian qua nhưng ở những nơi thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, giao thông vẫn là vấn đề rất lớn. Ví dụ có doanh nghiệp muốn đầu tư vào những địa phương này nhưng quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn khiến họ phải suy nghĩ lại.

Y tế và giáo dục cũng tương tự. Một số chuyên gia nói với tôi rằng chúng ta đang đầu tư cho người giàu nhiều hơn người nghèo. Hiểu theo cách nào đó thì đúng như vậy. Hầu hết cơ sở hạ tầng cho y tế và giáo dục ở nông thôn hiện còn khá thấp so với đô thị. An sinh xã hội chưa đảm bảo khiến nông thôn thêm yếu tố để không còn là nơi đáng sống với nhiều người.

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nhiều vùng quê đã thực sự đổi thay. Thời gian tới, theo ông, Chương trình cần chú trọng những nội dung gì nữa để tiếp tục phát huy những hiệu quả đã đạt được?

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 mới đây đã khẳng định đậm nét một lần nữa về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt có điểm đổi mới là phát triển kinh tế nông thôn đi đôi với xây dựng Nông thôn mới. Kỳ họp Quốc hội đầu tiên của khóa XV cũng đã thông qua một số chủ trương lớn để đầu tư và tiếp tục đẩy mạnh Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng. Vấn đề bây giờ là từ những chủ trương lớn đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần sớm có các quyết sách cụ thể, phù hợp để tiếp tục thực hiện chương trình một cách thật hiệu quả.

Kinh tế nông thôn bao hàm rất nhiều nội dung. Nông thôn không chỉ có nông nghiệp mà phải có công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... Thời gian qua, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP - PV) được đẩy mạnh đã góp phần giải quyết khá tốt vấn đề việc làm và thu nhập cho người dân ở các địa phương. Tuy nhiên, tiềm năng của các địa phương vẫn chưa được phát huy nhiều, do đó, cần hết sức quan tâm đến Chương trình này trong thời gian tới. Một ví dụ khác nữa là hoạt động du lịch tại vùng nông thôn. Đây là xu hướng của thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Nông thôn của chúng ta có nhiều khả năng đáp ứng hoạt động du lịch sinh thái, du lịch thiên nhiên. Vấn đề là tổ chức khai thác thế nào cho tốt.

Theo tôi, chúng ta không thể làm kinh tế hộ nữa, dứt khoát phải là kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp. Khi đã khẳng định được vai trò của kinh tế tư nhân thì cần phải có những giải pháp cụ thể hơn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển; chẳng hạn như chính sách về đất đai tạo điều kiện cho doanh nghiệp có khả năng phát triển trên quy mô lớn, từ đó liên kết với nông dân để giải quyết được vấn đề việc làm tại chỗ. Đâu phải chúng ta không có chủ trương mà thực tế là chúng ta chậm chạp trong quá trình thực thi. Tôi thấy thật kì lạ là mỗi tỉnh đều có trung tâm phát triển quỹ đất cho công nghiệp và khu đô thị nhưng không có trung tâm phát triển quỹ đất cho phát triển nông nghiệp. Trong khi đó, muốn doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn thì phải tích tụ ruộng đất, đầu tư đất đai. Đây là những vấn đề còn đang vướng mắc, cần sớm được giải quyết, nếu không, sẽ lại có những dòng người rời làng quê ra đi.

Nếu chúng ta thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế ở nông thôn, tôi nghĩ không chỉ giữ chân được người nông dân mà thậm chí, còn lôi kéo được cả người từ thành thị về nông thôn sinh sống.

Cảm ơn ông vì nội dung buổi trao đổi.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất