, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 15/04/2024, 06:00

"Đánh bạc" với cam tiến vua

TRỊNH AN
Trở về từ trời Âu, kiến thức nhà nông chỉ là tay ngang, thế mà ông nông dân xứ Nghệ này đưa được cam Vinh vào siêu thị ở Nhật Bản, lại dám “cả gan” làm sống lại cam Xã Đoài chính gốc…

Mời lãnh đạo ngành Hàng không đến… ăn thử

Được xem là một trong những người thành công nhất với cam Vinh khi sở hữu hệ thống trang trại cam rộng gần 80ha trải dài ở nhiều nơi, ông Trịnh Xuân Giáo (quê huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) nói rằng, cam Vinh đến với ông như là một cái duyên.

Năm 2001, trở về quê nhà sau 6 năm mưu sinh ở trời Âu, khi được một người bạn mời ăn thử quả cam Xã Đoài trồng ở vùng quê Yên Thành, ông ngạc nhiên với chất lượng, bởi nghĩ loại cam tiến vua này chỉ hợp với mảnh đất Xã Đoài. “Dù không bằng cam chính hiệu trồng ở Xã Đoài, nhưng tôi thấy nó vẫn rất ngon, thế là đánh liều tính làm nông nghiệp”, ông kể.

Để hiện thực hóa giấc mơ của mình, ông mua lại 20ha đất trồng keo của người dân xã Đồng Thành huyện Yên Thành rồi mời một nông dân có 30 năm kinh nghiệm trồng cam về cùng cải tạo đất, nhân giống để trồng cam. Cả vùng quê nghèo lúc đó ai cũng nghĩ ông Giáo “hâm”, bởi cái vùng đất hoang vu này bao đời chỉ có cây keo sống nổi. Đến chính quyền địa phương cũng không tin ông mua đất để làm nông nghiệp.

“Mình là Việt kiều mới về nước mà, nên khi mua đất ở giữa rừng, đường đi còn không có nên họ cứ nghĩ mình mua để tập kết hàng cấm”, ông Giáo nhớ lại. Bỏ ngoài tai mọi xì xầm, nhòm ngó, “lão gàn” này quyết bắt tay vào cuộc.

Nhiều lần suýt chết dưới băng tuyết trong những năm bôn ba xứ người mưu sinh, nên dường như những trở ngại đó chẳng là gì với ông. “Tất cả mọi thứ mình đều phải tự nỗ lực tìm cách để vượt qua. Nhưng có lẽ khó khăn nhất là kiến thức, kinh nghiệm làm nông nghiệp. Tay ngang làm nông nên mình chưa thể tự đi một mình được”, ông nói thay cho câu trả lời sao lại mời người có kinh nghiệm về cùng trồng cam với mình.

Ông không trả lương, mà cho họ thành cổ đông, mạnh tay chia 1/4 lợi nhuận thu được từ vườn cam để đổi lại sự nhiệt huyết của họ.

Sau 4 năm, hàng chục nghìn gốc cam Xã Đoài cho lứa quả đầu tiên. Từ năm 2013, cam bước vào giai đoạn cho năng suất, chất lượng tốt nhất, doanh thu đạt gần cả tỉ đồng/ha mỗi năm. “Quả ngọt” đó đã xóa tan những hoài nghi của người dân địa phương. Thấy lợi nhuận cao gấp hàng chục lần trồng keo, nhiều người dân sau đó tìm đến ông Giáo học kinh nghiệm để trồng cam.

Ông Ngô Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đồng Thành nói rằng, đó cũng là bước ngoặt giúp địa phương này chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ keo, tràm sang trồng cam. Đến nay, cam đã trở thành cây trồng chủ lực của xã với 120ha, doanh thu trung bình 400 - 500 triệu đồng/ha mỗi năm.

Khi quả cam mình trồng đã chiếm được lòng tin của các cửa hàng trong nước, ông Giáo tiếp tục mạnh tay hướng trang trại phát triển theo tiêu chuẩn GlobalGAP (chứng chỉ uy tín nhất trong sản xuất nông nghiệp toàn cầu) để đưa cam Vinh xuất ngoại. Năm 2019, vườn cam của ông được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Vài tháng sau, những quả cam Vinh bắt đầu được bán tại chuỗi siêu thị ở Nhật Bản - một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới sau khi thông qua những quy trình kiểm tra ngặt nghèo.

Lúc vườn cam đang hái ra tiền, lão nông này đã nghĩ đến ngày lụi tàn của nó, khi chu kỳ cây cam chỉ kéo dài 20 năm, lúc này đất cần phải nghỉ ngơi để tái tạo. Bởi thế, để duy trì được nguồn hàng cung ứng, ông tìm ngược núi lên huyện Con Cuông thuê 54ha đất hoang hóa nằm lọt thỏm giữa các núi đá vôi. Ròng rã hơn 2 năm trời mở đường, san đất, xây hệ thống năng lượng mặt trời, tiêu tốn gần 40 tỉ đồng, ông Giáo mới quy hoạch xong khu đất hơn 50ha.

Giữa năm 2019, khu đất này được phủ xanh với 25.000 gốc cam Xã Đoài theo tiêu chuẩn GlobalGAP. 

Bốn năm sau vườn cam bắt đầu cho quả, chất lượng dần ổn định. Mong muốn đặc sản xứ Nghệ vang xa hơn nữa, ông Giáo đánh liều mời các vị lãnh đạo trong Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đến tham quan trang trại cam của mình, thưởng thức cam rồi đặt vấn đề đưa quả cam lên máy bay phục vụ khách.

Sau khi có mặt ở vườn cam để thẩm định, đại diện hãng hàng không đồng ý thu mua cam của ông Giáo. Từ tháng 11/2023, mỗi ngày 2 tấn cam được bàn giao cho hãng hàng không để đưa vào các suất ăn trên máy bay.

Cam Xã Đoài trồng ở huyện Con Cuông của ông Giáo được đưa vào các suất ăn trên máy bay - Ảnh: Trịnh Giáo.

Đánh cược với cam tiến vua

Nhắc đến cam Vinh, không thể không nói đến cam Xã Đoài được trồng ở xã Nghi Diên huyện Nghi Lộc. Loài cam tiến vua nức tiếng này từng được nhà thơ Phạm Tiến Duật miêu tả “Cam xã Đoài mọng nước - Giọt vàng như mật ong - Bổ cam ngoài cửa trước - Hương bay vào nhà trong”, song hiện đang đứng trước nguy cơ thất truyền vì lụi tàn.

Nói về sự đặc biệt của trái cam có giá bằng 2kg loại cam khác ngoài thị trường, ông Nguyễn Duy Hảo - một trong những hộ dân trồng cam Xã Đoài lâu năm kể: “Một lần, có một đoàn du lịch người Mỹ ghé nhà chơi, họ nói không tin Việt Nam lại có loại cam giá tới 4USD một trái. Sau khi tôi mời ăn thử, họ cười rồi mua liền mấy chục quả đem về làm quà”. Thời gian qua, người dân nơi đây cũng đã tìm nhiều cách cứu vãn giống cam quý này song chưa khả quan.

Ông Giáo “bay” đến đất này, thuê lại 10ha đất lúa của người dân địa phương trên cánh đồng Phượng Sơn - vùng đất từng là trại cam đầu tiên do người Pháp chọn khi đưa giống cam quý này về Xã Đoài trồng. “Cả trăm năm nay người dân đã chuyển sang trồng lúa, nên trong đất có rất nhiều phèn do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Tôi phải lấy đất đưa ra Viện Nông dưỡng kiểm nghiệm. Có đất rồi, còn phải tập trung tẩy rửa, đẩy hết chất phèn ít năm rồi tôi mới bắt đầu trồng cam”, ông kể.

Chưa hết, ông lại đối mặt với việc tiêu thoát nước khi vườn quá thấp. “Nếu mình mua đất nơi khác về san lấp cao lên thì quá dễ, nhưng liệu cam trồng lên có còn đúng vị, bởi ngoài giống cam thì chất đất là yếu tố làm nên thương hiệu cam Xã Đoài? Cùng giống cây này nếu đưa đi vùng khác trồng sẽ cho chất lượng khác”.

Thế là ông chơi “chiến thuật giao thông hào”, không nâng cao vườn cam, thay vào đó là đào 2.000m hào có chiều rộng 3,5m, đáy sâu 2m để tiêu thoát nước cho cam. Xung quanh vườn ông cho xây hệ thống tường bao cao tới 3m để ngăn nước lũ tràn vào khi mưa lớn. Để cho ra được quả cam Xã Đoài chính gốc, ông Giáo còn đem 5.000 cây giống cam Xã Đoài F1 ra Viện Cây ăn quả có múi để cấy lại mô nhằm tẩy sạch bệnh trước khi trồng.

Tôi hỏi ông, có khi nào ông nghĩ sẽ trắng tay bởi ở đời ai biết sau may mắn là gì, thì ông cười rằng bỏ ra hơn 40 tỉ đồng vào vườn cam 10ha, phải thực sự yêu, quý nó vô điều kiện thì mới có thể bảo tồn được giống cam tiến vua này. Nó chẳng khác gì một canh bạc. “Nếu tính toán về kinh tế thì chắc không ai dám làm. Hàng chục tỉ vứt giữa đồng như vậy biết có thu về được hay không, nhưng nếu mình không làm thì sợ mai một đi giống cam quý của quê hương”.

Nghe ông nói nhiều dự định sẽ làm mai sau từ quả cam quê mình, vì cho rằng “nếu không tiến lên thì mình sẽ tụt hậu”, tôi nghĩ tới khát vọng muôn đời của đất khi có đôi tay ân cần cúi xuống, đánh cược đời mình, thì đất sẽ trả ơn... 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất