, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 04/12/2021, 08:00

Đánh thức lợi thế đặc thù của Tây Nguyên

HÀ LINH
(nhandan.vn)
Tây Nguyên hiện có được một nền tảng vững chắc về khoa học và công nghệ trong nhiều lĩnh vực sau 5 năm triển khai Chương trình cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” (gọi tắt là Chương trình). Vấn đề đặt ra là các địa phương trong vùng cần phát huy giá trị các nghiên cứu, coi đó là cơ sở, hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội của từng ngành, từng địa phương và nhân rộng các mô hình công nghệ hiệu quả để Tây Nguyên phát triển nhanh hơn.
Các nhà khoa học khảo sát sinh học và thu mẫu sinh vật ở hang động núi lửa Krông Nô (Đắk Nông).Ảnh: THẾ PHÚC

Chương trình được thực hiện từ năm 2016 đến 2020, có sự tiếp nối của ba chương trình Tây Nguyên trước đó, với mục tiêu đưa khoa học và công nghệ vào phát triển bền vững Tây Nguyên, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước là xây dựng Tây Nguyên thành địa bàn vững chắc về quốc phòng-an ninh và vùng trọng điểm kinh tế của cả nước.

Giải các “bài toán” bằng khoa học, công nghệ

Vấn đề bức thiết của Tây Nguyên là suy thoái nguồn tài nguyên. Bởi vậy, 13 đề tài của Chương trình đã đưa ra giải pháp tổng thể sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường và bảo tồn các hệ sinh thái với những cách tiếp cận mới, phương pháp nghiên cứu hiện đại và các giải pháp khoa học-công nghệ mới. Giải quyết khủng hoảng thừa và thiếu nước cho Tây Nguyên là đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ để chủ động điều tiết nguồn nước tại chỗ.

Với nước mặt là khôi phục và tăng dung tích các hồ chứa, sử dụng các ao hồ vệ tinh quanh hồ chứa lớn và ao hồ gần các kênh tưới chính để tích trữ nước mùa mưa và lấy cấp cho mùa khô. Cùng với đó, là giải pháp dâng cao mực nước ngầm trong các tầng bazan chứa nước, thông qua thu gom nước mưa bổ sung vào tầng chứa này. Theo đánh giá của các nhà khoa học, các giải pháp này sẽ góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho Tây Nguyên, thể hiện trí tuệ khoa học Việt Nam với quyết tâm không để Tây Nguyên “khát”.

 Thu hoạch hoa cúc tại làng hoa Thái Phiên, phường 12, TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: VĂN BẢO

Là một tài nguyên thiên nhiên quan trọng của Tây Nguyên, nhưng khoáng sản bauxite chưa được khai thác hợp lý, gây nguy cơ tác động xấu đến môi trường, trong đó đất chịu tác động trực tiếp. Theo TS Nguyễn Mạnh Hà, Phó Viện trưởng Viện Địa lý, hoạt động khai thác mỏ và chế biến quặng bauxite có tác động không nhỏ đến môi trường đất và thảm thực vật, do bùn thải từ tuyển quặng và chế biến quặng và bùn đỏ từ sản xuất alumina.

Để ngăn chặn môi trường bị hủy hoại, cần quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường đất, từ đó có phương án cải tạo đất, giám sát, quản lý khu vực bãi thải, khu khai thác bauxite. Trên cơ sở đánh giá những thay đổi của hệ sinh thái đất tại bãi thải, đến nay, các nhà khoa học của Viện Địa lý đã xây dựng thành công mô hình cải tạo, phục hồi đất tại các khu vực như: Bãi thải khai thác quặng bauxite, bãi thải khai thác vật liệu xây dựng, khu vực bùn thải sau tuyển quặng bauxite. Cùng với đó, đề xuất mô hình quản lý tổng hợp bãi thải, khu khai thác khoáng sản và sử dụng đất bền vững.

Chương trình đã phát hiện cho Tây Nguyên một tài nguyên tự nhiên mới là hang động núi lửa khu vực Krông Nô (Đắk Nông). Đây là hệ thống hang động có quy mô, độ dài, tính độc đáo bậc nhất Đông Nam Á, và lần đầu trên thế giới phát hiện dấu tích người tiền sử sống trong hang động núi lửa. Các giá trị tổng thể của di sản này đã được các nhà khoa học nghiên cứu ở khía cạnh địa chất, văn hóa, đa dạng sinh học, môi trường sinh địa hóa trong hang, tạo nên bức tranh sinh động, toàn cảnh về thiên nhiên và con người thời tiền sử, và là điểm quyết định cho việc UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho Công viên địa chất Đắk Nông vào tháng 7/2020. Với mô hình bảo tồn bảo tàng tại chỗ đã được các nhà khoa học đề xuất, kỳ vọng sẽ hình thành các chuỗi giá trị du lịch tại đây.

Điểm nhấn của Chương trình là đi từ nghiên cứu cơ bản đến các mô hình trình diễn nhằm khẳng định tính khoa học, thực tiễn của các kết quả nghiên cứu, từ đó thúc đẩy ứng dụng khoa học-công nghệ, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Trên vùng đất đỏ bazan thời điểm này, các mô hình công nghệ nông nghiệp công nghệ cao ra đời từ các kết quả nghiên cứu vẫn tiếp tục “đơm hoa kết trái”, tạo sinh kế cho người dân. Đó là: Mô hình trồng cỏ, chế biến thức ăn cho đại gia súc ở Đắk Lắk; mô hình chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm trong chăn nuôi heo rừng, bò sữa, bò thịt; mô hình trồng thử nghiệm sả và các cây tinh dầu ôn đới tại Lâm Đồng... Một số nhiệm vụ khoa học-công nghệ đã tích hợp các kết quả của giai đoạn trước và liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để triển khai, nhân rộng phục vụ phát triển kinh tế quốc phòng, an ninh biên giới.

Các kết quả nghiên cứu khoa học xã hội cho thấy, Tây Nguyên cần được phát triển trong liên kết vùng và hội nhập, và bối cảnh đó cũng mở ra thời cơ, thách thức cho Tây Nguyên trong việc khai thác và phát huy các nguồn lực lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Các nhà khoa học xã hội nhân văn cho rằng, giai đoạn đến năm 2030 cần thực hiện đồng bộ và toàn diện nhiều giải pháp để tiếp tục đầu tư, phát huy nguồn nội lực, kết hợp ngoại lực để thúc đẩy vùng Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững…

Phát huy giá trị các kết quả nghiên cứu

Theo Giáo sư Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình, trong 5 năm triển khai, Chương trình đã huy động được sự tham gia của 918 nhà khoa học thuộc 14 bộ, ngành, hội khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước. Dấu chân của các nhà khoa học đã in trên khắp Tây Nguyên, đã quen với núi cao, rừng sâu, gắn bó với người dân Tây Nguyên trong những chuyến thực địa. Tây Nguyên đã trở thành điểm hẹn của các nhà khoa học và Chương trình là cầu nối cho địa phương gặp gỡ các nhà khoa học đầu ngành.

Mỗi chương trình Tây Nguyên đều để lại dấu ấn đổi thay cho vùng đất này, và quan trọng nhất là đưa ra được luận cứ khoa học cho từng bước phát triển của Tây Nguyên. Dữ liệu khoa học đồ sộ và có hệ thống của Chương trình là tài nguyên quý để xây dựng dữ liệu lớn về Tây Nguyên, góp phần chuyển đổi số quốc gia. Chương trình Tây Nguyên 3 và Chương trình này đã hoàn thành mục tiêu, bám sát thực tiễn của Tây Nguyên, đem lại nhiều giá trị khoa học tổng hợp liên ngành. Qua đó, cho thấy sự đầu tư kịp thời của Chính phủ giúp Tây Nguyên phát triển bền vững cùng đất nước.

Từ góc độ địa phương, PGS, TS Trần Trung Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Tây Nguyên cho biết, thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu, các chương trình Tây Nguyên đã xây dựng lực lượng khoa học tại chỗ có chất lượng cho Tây Nguyên, và củng cố nguồn lực cho các viện khoa học vùng, giúp Tây Nguyên có tiềm lực khoa học vững chắc trong quá trình phát triển.

Nhiều nhà khoa học của Chương trình chia sẻ, họ rất tự hào đã đóng góp trí tuệ của mình để quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong mỗi giai đoạn phát triển của Tây Nguyên. Mong muốn lớn nhất của họ là các kết quả nghiên cứu được truyền thông, được tham khảo, khai thác, làm cơ sở định hướng cho chính sách phát triển của Tây Nguyên trong thời gian tới. Đặc biệt 45 mô hình trình diễn, 46 quy trình thử nghiệm sản xuất của Chương trình đã được nghiệm thu, chuyển giao cho địa phương cần sớm được lan tỏa, nhân rộng, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Để phát huy tốt giá trị các kết quả nghiên cứu về Tây Nguyên, Tiến sĩ, Nghiên cứu viên cao cấp Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ nhiệm, Chánh Văn phòng Chương trình cho rằng, trong gần 100 nhiệm vụ khoa học- công nghệ của Chương trình Tây Nguyên 3 và Chương trình này đã đề xuất hàng trăm kiến nghị khoa học tổng hợp, chuyên ngành, liên ngành…

Cùng với luận cứ khoa học, mô hình phát triển, quy trình sản xuất là khối tài sản trí tuệ rất lớn cần được đầu tư khai thác, phục vụ bổ sung chính sách, thể chế, thay đổi cơ chế và thiết chế văn hóa phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Đồng thời Chính phủ cần tiếp tục đầu tư nhân rộng các mô hình đã thành công, cho thực hiện các dự án, đề án liên kết khoa học-công nghệ trên Tây Nguyên để chuỗi giá trị khoa học-công nghệ không bị đứt gãy.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

“Từ giờ trở đi, sẽ ngày càng có nhiều người lên trọng điểm Cà Roòng – ATP” - là ngôn ngữ của những người tự vác lên mình sứ mệnh mở đường, giữa Trường Sơn.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất