, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 17/12/2021, 10:27

Đất lúa đâu chỉ để trồng lúa

TÔ VĂN TRƯỜNG
Trong nhiều mục tiêu đề ra, Quốc hội yêu cầu đảm bảo ổn định 3,5 triệu hecta đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực, trong đó bao gồm nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Lương thực: cung cân với cầu

Nước mạnh dân giầu ắt phải đổi thay

Đừng vì lợi ích hôm nay

Mà quên ruộng lúa đường cày năm xưa

Công, nông, đất ở sao vừa

Để cho thiên hạ mãi vừa lòng nhau.

Trên cơ sở báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết xác định mục tiêu là bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. 

Trong nhiều mục tiêu đề ra, Quốc hội yêu cầu đảm bảo ổn định 3,5 triệu hecta đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực, trong đó bao gồm nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Khi phát biểu thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị việc giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng phải bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa, trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế. Bảo đảm an ninh lương thực cho người dân trong mọi tình huống là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội.

Tôi vẫn nhớ cơ quan Lương thực Liên hợp quốc (FAO) cho rằng số người bị đói trên thế giới chiếm khoảng 1/6 dân số toàn cầu đang là mối đe dọa nguy hiểm cho an ninh và hòa bình trên thế giới. Phần lớn người suy dinh dưỡng sống ở các nước đang phát triển. Nhiều nhà khoa học và hoạch định chính sách càng lo lắng với tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu và khu vực có xu thế ngày càng bất lợi như nước biển dâng, nhiệt độ tăng cao tác động xấu đến giống cây trồng… sẽ càng làm cho tình trạng cung cấp lương thực trên toàn cầu trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.

An ninh lương thực không phải chỉ ở Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu. Cần có các giải pháp tổng hợp, đồng bộ từ chiến lược, cơ chế chính sách đến khoa học kỹ thuật, huy động các nguồn lực đối phó, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu để chương trình an ninh lương thực xứng đáng là điều kiện tiên quyết đảm bảo ổn định xã hội và góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế xã hội dài hạn phải được thực hiện sớm làm cơ sở để tiến hành quy hoạch sử dụng đất, trong đó có quy hoạch sản xuất lương thực. Điều chỉnh bổ sung Luật Đất đai đáp ứng mục tiêu phát triển và đảm bảo chương trình an ninh lương thực quốc gia. Cơ chế chính sách bảo hiểm sản xuất nông nghiệp.

Dưới góc nhìn của cử tri, nhất là những người xuất thân am hiểu về nghề nông nhận thấy “đất lúa đâu chỉ để trồng lúa”, vấn đề phải đảm bảo diện tích đất nông nghiệp phục vụ tối thiểu mục đích cuộc sống của con người. Quá trình hình thành đất lúa, để đạt độ thành thục mất hàng ngàn năm, gắn với lịch sử, do vậy mới có văn minh lúa nước. Đất lúa không thể tái phục hồi khi đã chuyển qua mục đích sử dụng khác, trừ trồng cây ngắn ngày khác. Không phải chỗ nào cũng có đất có thể trồng lúa, nhất là lúa nước. Rất đáng tiếc, nhiều năm qua, do tư duy, tầm nhìn hạn chế về quy hoạch sử dụng đất, đã biến nhiều bờ xôi, ruộng mật thành các khu đất công nghiệp. Nhẽ ra, đất cho các khu công nghiệp phải là những vùng đất xấu, bởi vậy: 

Chỉ nên giảm diện tích gieo trồng, bằng cách giảm vụ 3, còn đất lúa không nên giảm. Năm 2018 cũng chỉ còn 4.102.452ha (QĐ 2908-BTNMT-Thống kê diện tích đất đai ở Việt Nam năm 2018). Mỗi năm cũng mất thêm hàng chục ngàn hecta do giao thông, đô thị. Lấy số liệu 2016 (QĐ 2311-BTNMT-Thống kê diện tích đất đai Việt Nam năm 2016), còn 4.136.200ha, tức là giảm 33.748ha sau 2 năm. 

Không giảm diện tích nhưng giữ ổn định được 3,8 triệu hecta là phù hợp, còn hơn 300 ngàn hecta sẽ bị giảm dần cho giao thông, đô thị. Khi đó, đưa hệ số sử dụng đất lúa hiện này từ 1,85 về 1,5 là hợp lý (3,8 triệu hecta x 1,5 = 5,7 triệu hecta gieo trồng). Với diện tích gieo trồng này chúng ta vẫn có thể có trên 20 triệu tấn gạo, đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu 2 - 2,5 triệu tấn. Khi giảm hệ số sử dụng đất, gieo trồng giống chất lượng cao hơn sẽ giảm áp lực lên tài nguyên đất, nước, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Tập trung giảm tổn thất sau thu hoạch. Hiện nay trung bình tổn thất khoảng 11 - 12%, tương đương gần 5 triệu tấn thóc, hay sản lượng của trên 800 ngàn hecta lúa. Nếu đưa về tổn thất chỉ 7 - 8% thì cũng tăng lên xấp xỉ 2 triệu tấn thóc. Mở rộng diện tích tôm - lúa (hiện trên 200 ngàn hecta) để sản xuất lúa - tôm hữu cơ để gia tăng giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên cũng có ý kiến Quốc hội đã thông qua và chủ đề này đã có 2 quan điểm, tranh luận nhau cũng nhiều, suốt cả chục năm nay. Cần giảm diện tích trồng lúa nhưng là để đất đó vẫn dùng cho sản xuất nông nghiệp chứ không phải để cho giao thông hay đô thị. Tư duy giữ diện tích lúa để an ninh lương thực chỉ tốt khi thương mại toàn cầu chưa phát triển. Hãy nhìn những nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật, EU, Israel, họ vẫn an ninh lương thực nhưng không phải là vì duy trì diện tích cây lương thực lớn mà vì nhiều lý do văn hóa, xã hội, chính trị.

Cần giảm diện tích trồng lúa vì hiệu quả kinh tế thấp, sinh kế người trồng lúa thấp khiến xã hội vùng sản xuất lúa không phát triển, xã hội bất ổn do di dân sang vùng khác, thấp trũng về giáo dục… Ngoài ra, sản xuất lúa có bất lợi về môi trường: thải nhiều Metan, N2O là những chất gây hiệu ứng nhà kính. Hội nghị COP26 vừa họp ở Anh đang tìm cách giảm, nhất là metan. Sản xuất lúa sử dụng nhiều nguồn nước ngọt trong khi dự báo nguồn nước ngọt đang ngày càng cạn. 

Theo tôi nghĩ, mấu chốt là tăng hiệu quả kinh tế cho 1 đơn vị sản xuất lúa gạo như kỹ thuật sản xuất, xây dựng thương hiệu, chiến lược định vị thị trường, từ thị trường quay lại tổ chức sản xuất theo đó để tạo giá trị hàng hoá tốt hơn. Từ đó, cải thiện được sinh kế cho người trồng lúa.

Về kỹ thuật: Tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi kết hợp giao thông nội đồng để tưới tiêu chủ động, thông minh, tiết kiệm nước đồng thời phục vụ vận chuyển vật tư, sản phẩm. Lựa chọn giống ngắn ngày, chống chịu điều kiện bất thuận của thời tiết, kháng sâu bệnh, chất lượng cao. Quản lý cây trồng theo hướng canh tác tuần hoàn, tái sử dụng tối đa phụ phẩm trồng trọt và chất thải chăn nuôi. Bón phân cân đối, quản lý sức khỏe cây trồng, sức khỏe đất. Cơ giới hóa tối đa các khâu trong quá trình canh tác đến thu hoạch. Kỹ thuật canh tác giảm phát thải khí nhà kính, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ cây lúa, hạt gạo.

Về tổ chức sản xuất: Liên kết với doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị và thực hiện chính sách giao đất lâu dài cho nông dân, chuyển đổi đất lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, chứ không phải giao cho các địa phương tự quyền quyết định. Cần có bảo hiểm sản xuất lúa, để người trồng lúa có thu nhập tương đương ngành nghề khác trong nông nghiệp. Đẩy mạnh đầu tư cho khoa học công nghệ và các kỹ thuật tiên tiến để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất, chế biến, bảo quản và hệ thống tiêu thụ sản phẩm lương thực. Nghiên cứu đánh giá một cách bài bản, khoa học những tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp hữu hiệu để phát triển sản xuất và lương thực, thực phẩm. Đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng hiện đại hóa đa mục tiêu, đồng bộ từ đầu mối đến nội đồng phục vụ sản xuất hàng hóa, chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Lịch sử chứng minh, nếu quốc gia nào đảm bảo an ninh lương thực, quốc gia đó sẽ có mức độ ổn định xã hội. Tuy nhiên, sử dụng khái niệm an ninh lương thực còn hạn hẹp, không chuẩn xác bằng khái niệm an ninh dinh dưỡng, vừa khoa học vừa bao hàm rộng hơn cả về mặt chất lượng sản phẩm đối với con người.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất