, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 01/03/2021, 08:20

Dấu ấn lập pháp trong một năm đặc biệt

ANH PHƯƠNG
Trong một năm mà cả thế giới bị xáo trộn vì đại dịch Covid-19 và Việt Nam - tuy đã ngoan cường đứng vững trong một thế giới suy sụp, nhưng cũng chịu tác động không nhỏ - công tác lập pháp có thể coi là một điểm sáng, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và củng cố thương hiệu quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhận định xác đáng này tại hội nghị tổng kết của ngành tư pháp.
Dấu ấn lập pháp trong một năm đặc biệt.

Môi trường kinh doanh minh bạch hơn, an toàn hơn cho nhà đầu tư

Tất nhiên, ai cũng hiểu thành quả lập pháp có được từ những nỗ lực chung của toàn xã hội, từ những cán bộ pháp chế cho đến những người đã đóng góp ý kiến xác đáng và khách quan để hoàn thiện thể chế; chứ không chỉ riêng của Bộ, ngành Tư pháp.

Theo Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, trong năm 2020, các cơ quan nhà nước tại Trung ương đã ban hành 546 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Trong số đó có 17 luật của Quốc hội, 158 nghị định của Chính phủ, 39 quyết định của Thủ tướng, 310 thông tư của các Bộ trưởng và một số văn bản khác. So với các năm trước thì số lượng luật, nghị định và quyết định của Thủ tướng không có thay đổi lớn, nhưng số thông tư giảm mạnh. Đây cũng là xu hướng chung của cả giai đoạn 5 năm, từ 2016 đến 2020, phù hợp với chủ trương tập trung công tác ban hành quy phạm pháp luật tại Quốc hội và Chính phủ, giảm số lượng văn bản hướng dẫn thi hành hoặc các văn bản ở cấp quyết định, thông tư để tạo tính minh bạch, dễ triển khai, giảm nguy cơ “gửi gắm” lợi ích cục bộ.

Quay trở lại với năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn khách quan, “bộ 3” gồm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Giới doanh nghiệp ghi nhận, Luật Đầu tư 2020 giải quyết phần lớn những mâu thuẫn, chồng chéo trong trình tự thủ tục đầu tư giữa luật này và các luật chuyên ngành khác; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến ưu đãi đầu tư và bãi bỏ thêm một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (tuy số lượng ngành nghề được bãi bỏ chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp). Luật Doanh nghiệp 2020 tiếp tục có những bước cải cách trong các thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, quy định mới về doanh nghiệp nhà nước, sửa đổi một số quy định liên quan đến quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến. Trong khi đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), một luật mới, đã nâng cấp các quy định về PPP từ cấp nghị định lên thành luật, xác định rõ 5 lĩnh vực thiết yếu để thực hiện phương thức PPP nhằm tập trung nguồn lực; quy định về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu…

Nếu như những nỗ lực xây dựng pháp luật kể trên đã giúp tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch hơn, an toàn hơn đối với nhà đầu tư; thì những quyết sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng cũng đã góp phần không nhỏ hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Đây cũng là một dấu ấn quan trọng không thể không kể tới trong một năm sóng gió. Điển hình là Nghị định 41/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 08/04/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đã xác định rõ các đối tượng là các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch bệnh trong một số ngành, lĩnh vực nhất định; các loại thuế được gia hạn (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; tiền thuê đất) cũng như thời hạn được gia hạn. Bên cạnh đó còn có hàng loạt thông tư về giảm phí, lệ phí liên quan đến quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực (phần lớn là các loại phí của các dịch vụ công cơ quan nhà nước cung cấp). Các thông tư nêu trên đã góp phần giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và có tác dụng thúc đẩy việc gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh. Kết quả là trong năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 2.235,6 nghìn tỷ đồng. Tuy số doanh nghiệp mới thành lập có giảm nhẹ, nhưng tổng số vốn đăng ký lại tăng 29,2% so với năm 2019. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 đạt 16,6 tỷ đồng, cũng tăng 32,3% so với năm trước…

Đôi điều tiếc nuối

Mặc dù vậy, cũng phải thẳng thắn mà chỉ ra rằng, vẫn còn đó những điều tiếc nuối. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, lối tư duy cũ vẫn còn xuất hiện rải rác trong khá nhiều văn bản pháp luật, cụ thể là áp đặt các biện pháp quản lý khắt khe quá mức cần thiết; chưa tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp dân doanh hoạt động, hay thủ tục hành chính còn chưa minh bạch. Một số lĩnh vực có thể kể đến là giao thông đường bộ, quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thẩm định giá…

Lấy ví dụ về những bất hợp lý ngay trong một chính sách tốt là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn, chuyên gia này cho rằng, việc xác định đối tượng được hưởng chính sách này chỉ dựa trên tiêu chí “ngành bị thiệt hại bởi dịch bệnh” sẽ bỏ sót những đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp như các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi các quyết định cách ly, phong tỏa, buộc dừng hoạt động của các cơ quan (các doanh nghiệp có trụ sở, địa điểm, cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong khu vực cách ly theo quyết định của cơ quan nhà nước; các doanh nghiệp có từ 20% số lao động trở lên thuộc diện cách ly bắt buộc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền)…

Để khép lại bài viết này, xin dẫn lại một minh họa dí dỏm của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. Ông Hiếu so sánh việc đảm bảo 4 khâu trọng yếu của cải cách thể chế (rà soát, kiểm soát chất lượng quy định mới, năng lực của cơ quan ban hành chính sách, cơ quan đầu mối kiểm soát chất lượng pháp luật) với việc quản lý một bể bơi (làm sạch nước, lọc nước thường xuyên, duy tu kết cấu hạ tầng và gác bể). Trong đó, chuyên gia này đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu có cơ chế đảm bảo hoạt động hiệu quả, thường xuyên và kịp thời của các cơ quan “gác bể” trong quy trình xây dựng VBQPPL để bể bơi vận hành tốt mỗi ngày, giúp vận động viên đạt được thành tích cao nhất.

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.



Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất