, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 07/12/2023, 19:00

Đâu chỉ có dân Bến Kè thương khoai tía

HOÀNG HÀ
Chè khoai tía được nấu chỉ với củ khoai tía và đường, một món ăn thanh thuần, dân dã. “Khoai tía” là tên phổ biến ở Huế và khu vực miền Trung của giống khoai này. Ngoài ra còn nhiều tên khác: khoai tím, khoai mỡ, khoai vạc, củ mỡ, củ cầm, củ tía, khoai ngà, khoai long, khoai bướu, khoai ngọt… Nghe thì biết giống khoai cho củ lớn, dễ trồng dễ ăn này khá phổ biến, nhiều vùng trồng được.
Chè khoai tía với sắc tím ngọt ngào rất Huế.

Vùng Thạnh Hóa, Long An là một vựa khoai mỡ nổi tiếng, cung cấp cho thị trường Sài Gòn và rộng hơn. Vùng đất phèn Đồng Tháp Mười cũng là đất phù hợp trồng khoai mỡ cho sản lượng cao. Những cánh đồng khoai mỡ Nam Bộ xanh mát mắt, rộng mênh mông, không giống với những luống khoai tía nho nhỏ ở miền Trung. Cũng bởi vậy mà củ khoai mỡ phương nam phổ biến hằng ngày trong bữa ăn gia đình, từ tô canh khoai mỡ nấu tôm đến món bánh hấp, bánh chiên thơm lừng giòn rụm trên những bếp chiên, xe đẩy ven đường phố. Còn ở miền Trung, đặc biệt là ở Huế, món chè khoai tía coi vậy mà công phu. Chè có màu tím đậm rất Huế, được chưng trong chén trắng tinh, chén chè dẻo mịn, bưng nghiêng không sánh không đổ. Món ăn chơi nhưng đầy tính mỹ thuật.

Chẳng biết có phải vì cái dân dã bình dị của củ khoai hiền lành này không mà bao lâu nay những sản phẩm gắn với khoai tía thường cũng chỉ là sản phẩm địa phương, chưa được chú ý phát triển. Nói cách khác, chưa có nhiều cố gắng làm đẹp cho sản phẩm của giống khoai này.

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy khoai mỡ là một trong những loại cây lương thực chủ đạo, quan trọng, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Củ khoai mỡ rất dồi dào kali, giúp duy trì huyết áp ổn định. Khoai mỡ có thể trở thành nguồn nguyên liệu sản xuất thực phẩm hay nguồn dược liệu bào chế. Đặc biệt, đây là thực phẩm rất tốt để giảm cân, hỗ trợ giảm lượng đường huyết và cải thiện các triệu chứng tiền mãn kinh cho phụ nữ - những câu chuyện rất thời thượng của xã hội hiện đại, đồng nghĩa với một thị trường nghìn tỷ, mà hiện đang bị các loại thực phẩm chức năng ngoại nhập không rõ chất lượng làm mưa làm gió.

Vài năm trở lại đây, giá trị kinh tế của khoai mỡ đã được nhìn thấy, nhưng nếu chỉ thỏa mãn với việc thu lợi nên diện tích trồng, vẫn là chưa đủ. Thị trường cho thấy nhiều vụ khoai mỡ được mùa, đạt năng suất 15 tấn/ha, giá bán cũng dao động khoảng từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg. Khoai mỡ là loại dây leo, thân mềm, có sức sống tốt, không quá tốn công sức chăm bón, lại có thể trồng được quanh năm. Khai thác giống cây này theo hướng tập trung vào chuỗi giá trị gia tăng, mở ra chuỗi sản phẩm sau thu hoạch là một hướng đi đầy tiềm năng nhưng chưa được khai mở.

Cây khoai mỡ gắn với bao nhiêu vùng đất là gắn với bấy nhiêu câu chuyện, món chè khoai tía Huế là một ví dụ. Thương hiệu gắn với địa phương có thể là một hướng đi thú vị, phù hợp với xu thế hiện đại. Củ khoai mỡ, những cánh đồng phủ xanh, hay màu tím, màu trắng của từng giống khoai có thể được xây dựng gắn kết chặt chẽ với một khu vực trồng trọt cụ thể, một vùng quê, một tỉnh hoặc quốc gia. Các yếu tố đặc trưng của địa phương được dùng để tạo ra nhận thức liên kết mạnh mẽ đến người tiêu dùng. Cộng đồng địa phương, ngôn ngữ, biểu tượng và văn hóa địa phương sẽ là những chỉ mốc giúp định hình sản phẩm, nhận diện sản phẩm.

Huyện Thạnh Hóa đã đăng ký chỉ dẫn địa lý “Bến Kè” cho củ khoai mỡ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Từ năm 2022, “khoai mỡ Bến Kè” đã có tên có tuổi. Nhưng chỉ Giấy chứng nhận không thôi vẫn chưa đủ. Mục tiêu của thương hiệu địa phương là tạo ra sự thân thuộc, hiểu, đồng cảm và lòng trung thành từ phía người tiêu dùng, đóng góp tích cực vào sự phát triển và phúc lợi của địa phương.

Một ví dụ nổi tiếng về thương hiệu địa phương là “Bò Kobe” từ Hyogo, Nhật Bản. Thịt bò Kobe nổi tiếng toàn thế giới. Các yếu tố làm nên sức mạnh của thương hiệu Bò Kobe bao gồm nguồn gốc địa phương, chất lượng thịt, tiêu chuẩn chăn nuôi nghiêm ngặt, dinh dưỡng và văn hóa. Thông tin được cung cấp rộng rãi kết hợp với những câu chuyện về điều kiện tự nhiên vùng Hyogo, chế độ dinh dưỡng của bò, quá trình chăm sóc chi tiết và quá trình chế biến đặc biệt. Quảng bá thương hiệu bò Kobe gắn liền với câu chuyện về những chú bò hạnh phúc. 

Bò Kobe đã trở thành biểu tượng đặc trưng của ẩm thực cao cấp, không chỉ là chất lượng thịt mà còn cùng với những trải nghiệm ẩm thực độc đáo. Khách hàng có thể ăn “Kobe Beef” khắp nơi trên thế giới, nhưng trải nghiệm đặc biệt vẫn là thưởng thức bữa tối với món bò Kobe ở ngay chính Kobe, Nhật Bản.

Xa quê gần trọn đời người, một người bạn gửi tôi cái email “Rớt củ khoai tía”, đọc rưng rưng nước mắt. Bạn nhớ thương nồi chè khoai tía thời niên thiếu. Sau mùa khoai, ba bạn chọn những củ khoai tốt nhất, già củ, mập chắc, treo trong buồng tối, khô ráo, để dành mùa sau cắt mặt, ươm mầm trồng vụ tiếp. Nơi treo mấy củ khoai tía, ba cấm mấy đứa con không được chạy vô ra nghịch ngợm. Một đêm mưa dầm xứ Huế, đói lạnh cả ruột gan, lũ trẻ trong nhà chợt nghe tiếng rớt “thịch”, ba bạn chép miệng: “Rớt củ khoai tía rồi!”. Giọng ông buồn bực, nhưng trong lòng lũ trẻ, giấc mơ ngọt ngào tới liền sau âm thanh rớt củ khoai tía là nồi chè tím ngắt mẹ sẽ nấu ngày mai. Có vậy thôi mà thương nhớ mấy chục năm trời không nguôi được.

Mùa này, những mặt khoai bắt đầu được ủ cho mọc mầm trước khi đưa xuống ruộng. Từ tháng 11 năm trước đến tháng 7 năm sau (âm lịch), ngoài đồng, những luống khoai tía lá xanh quấn quýt che những chùm khoai to tròn, mập mạp lớn dần trong đất cát quê hương. Củ khoai tía thơm ngon, vừa chắc vừa dẻo, màu tím than, tím bông lau hay trắng ngà, trở thành món canh, món xôi, món bánh đẹp mắt ngon lành trên mâm cơm từng nhà. Trong ký ức của bao người dân Việt, chén canh khoai mỡ thịt bằm tôm lột có mối liên hệ mạnh mẽ với quê hương, gia đình ruột thịt. Chân chất, bình dị như người nông dân, nhưng ẩn sâu cái duyên ngầm gây thương nhớ, mong sao những cánh đồng khoai tía được đầu tư để thành một “nét đẹp tiềm ẩn” của xứ mình nay mai.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất