, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 27/09/2021, 08:15

Đau đầu chuyện rơm rạ!

THỤY KHUÊ
Trung tuần tháng 6 vừa qua, giữa những ngày cao điểm nắng nóng, chất lượng không khí tại một số tỉnh thành khu vực miền Bắc diễn biến rất xấu. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã phải ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trong vùng vào cuộc, không để xảy ra tình trạng đốt rác thải, rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.
Hình minh họa

Lợi bất cập hại

Đốt bỏ rơm rạ không phải là tình trạng chỉ xảy ra ở khu vực nông thôn miền Bắc, nhưng do đặc điểm khí hậu, cộng thêm đất chật người đông, nên tác hại của việc đốt rơm rạ tại khu vực này càng lớn. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, cứ một hecta lúa sau thu hoạch sẽ để lại từ 10 - 12 tấn rơm rạ. Còn theo kết quả nghiên cứu “Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng” do Sở TNMT Hà Nội chủ trì công bố, thì chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Khoảng 20% trong số này bị đốt, làm phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường. 

Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ phát sinh lượng bụi mịn PM2.5 rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến người dân sống lân cận, mà còn có thể lan truyền trong không khí, làm gia tăng ô nhiễm môi trường diện rộng, tăng nguy cơ bệnh tật cho cộng đồng, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch. Chưa kể lượng bụi này còn cản trở tầm nhìn giao thông…

Xét từ khía cạnh canh tác nông nghiệp, việc đốt rơm rạ cũng có hại nhiều hơn có lợi. Theo Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), trong 1 tấn rơm chứa 5 - 8kg đạm; 1,2kg lân; 20kg kali; 40kg silic và 400kg carbon. Khi đốt đồng, mặc dù góp phần rút ngắn thời gian làm vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt mầm sâu bệnh trên đồng, nhưng các chất hữu cơ trong rơm rạ (và cả trong đất) cũng bị “đốt” thành chất vô cơ, lượng tro để lại không bổ sung dinh dưỡng cho đất là bao. Hơn nữa, việc nung đốt ở nhiệt độ cao sẽ làm cho một lượng lớn nước trong đất bị bốc hơi. Đốt đồng nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất, trở nên chai cứng. Bên cạnh đó, việc đốt đồng còn tiêu diệt các loại côn trùng có ích, làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa. Mà đây lại là một trong những nguyên nhân làm bùng phát sâu, buộc người nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ.

Không đốt nữa thì làm gì?

Ở những mức độ khác nhau, các địa phương đều đã đưa ra một số giải pháp nhằm xử lý rơm rạ. Với các khu vực rộng lớn, có thể sử dụng máy móc, công nghệ, nhiều nơi đã cày vùi rơm rạ vào đất và lấy nước vào ruộng ngay sau thu hoạch; hoặc áp dụng mô hình kết hợp (cuốn rơm - cày vùi gốc rạ - rải phân vi sinh); sử dụng rơm rạ làm nhiên liệu cho sản xuất năng lượng sinh học thay thế. Một số địa phương khác (như tại ĐBSCL), bà con nông dân có thể tận thu rơm để bán cho những người chăn nuôi hoặc trồng nấm rơm. Tuy nhiên, do đặc tính lúa thu hoạch rộ trong một thời gian ngắn mà khi số lượng các máy cuốn rơm ít, hoạt động thu gom rơm khá vất vả mà thu nhập không cao nên nhiều hộ nông dân vẫn lựa chọn giải pháp… đốt cho nhanh.

“Chúng ta chưa thấu hiểu người nông dân, chưa có sự hỗ trợ cụ thể nên giải pháp đưa ra đều không đạt được hiệu quả như mong muốn, hoặc chỉ duy trì được trong một thời gian ngắn”. - TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định. Ở những thửa ruộng cao, khi thu hoạch xong sẽ không có nước để sử dụng chế phẩm sinh học (ủ rơm cho hoai mục, làm phân bón). Ruộng thấp, trũng, mưa ngập lại không thể sử dụng các phương tiện vào cuốn rơm rạ mà phải thu gom thủ công… Trong khi đó, thu nhập từ trồng lúa gạo vốn đã khá thấp, nay buộc người nông dân phải bỏ thêm một khoản tiền để xử lý rơm rạ phù hợp với môi trường (mà không đem lại lợi ích thiết thực trước mắt cho họ) thì quả là không dễ. Và vì thế nếu chỉ áp dụng giải pháp hành chính, xử phạt, xử lý… thì khó có thể coi là giải pháp hợp lý hợp tình.

Theo ông Tùng, các nhà khoa học rất cần vào cuộc để gợi ý cho người dân những mô hình sử dụng rơm rạ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, thậm chí, phù hợp với từng hộ sản xuất. Đó là sử dụng để trồng nấm rơm, làm phân hữu cơ dồi dào dinh dưỡng; che đậy, giữ ẩm cho đất, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho nhiều loại rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng… Rơm cũng là nguồn thức ăn có thể dự trữ lâu dành cho gia súc; làm lớp đệm che chắn, bảo vệ trái cây khi vận chuyển đi xa hay sử dụng làm vật liệu xây dựng...

Những kinh nghiệm tốt

Hợp tác xã nông nghiệp An Lỗ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) tận dụng nguồn rơm từ diện tích 22ha lúa hữu cơ của địa phương để trồng nấm hữu cơ, xây dựng chuỗi thương hiệu hữu cơ khép kín. Bình quân 1 sào lúa thu được khoảng 10 - 12 cuộn rơm (đường kính 80cm), giá 20.000 đồng/cuộn, cung cấp cho các cơ sở làm nấm.

Một điển hình thành công khác là anh Hoàng Công Tấn (thôn Cao Xá, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ đầu tư máy cuốn rơm theo hình thức vốn đối ứng 50/50%. Máy được lắp đặt vào hệ thống máy kéo Kubota có sẵn của gia đình. Sử dụng máy cuốn rơm tại ruộng, gia đình anh chỉ cần 1 ngày để phơi rơm và 1 buổi để thu gom toàn bộ số rơm mà trước đây phải mất khoảng 1 tuần lao động vất vả mới hoàn thành. Máy cuộn mỗi cuộn rơm chỉ mất khoảng 1 phút, trung bình mỗi có thể thu gom 4ha/ngày, tương ứng với 600 cuộn rơm. Nhiều địa phương trong tỉnh này đã tham quan, học tập để nhân rộng mô hình máy cuộn rơm, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ trên đồng, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất