, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 10/06/2021, 11:30

Đầu tàu kinh tế phía Nam - Cần nhiều thay đổi nhanh để tăng tốc

CẨM HÀ
Trung tuần tháng 05/2021, ngay sau khi Chính phủ vừa được kiện toàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm và làm việc với TP.HCM. Đây không phải là lựa chọn ngẫu nhiên của người đứng đầu Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với TP.HCM.

Bất hợp lý kìm hãm sự phát triển

Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận rằng xu hướng tăng trưởng và phát triển của vùng trọng điểm phía Nam (TĐPN) đang giảm dần. Giai đoạn 2016 - 2019, hoạt động đầu tư toàn xã hội thực hiện tại vùng đã thấp hơn đáng kể (cả về giá trị tuyệt đối và mức độ gia tăng) so với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (KTTĐBB). Tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân cả giai đoạn 2016 - 2019 của vùng TĐPN là 8,8%/năm so với 12,2% của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và 9,3% của cả nước.

Tương ứng với tỉ lệ này, tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP của vùng giai đoạn 2016 - 2019 đã giảm từ 7,0%/năm (2011 - 2015) xuống còn 6,6%/năm, trong khi ở vùng KTTĐBB, tỷ lệ này tăng đáng kể (từ 7,7%/năm lên 8,9%/năm). Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước của vùng cũng giảm từ 43,2% năm 2016 còn 41,4% năm 2019 so với vùng Bắc bộ tăng từ 31,2% năm 2016 lên 32,4% năm 2019.

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do vùng TĐPN thiếu một “nhạc trưởng”, thiếu một cơ chế điều phối cấp vùng cho việc tạo lập và thực hiện nhất quán hệ thống chính sách, kế hoạch và cả môi trường. Mặt khác, theo ông, nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là hệ thống giao thông các loại (gồm đường không, đường thủy, đường bộ) toàn vùng đang ngày càng quá tải do chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu phát triển; đặc biệt là tình trạng ùn tắc nghiêm trọng thường xuyên xảy ra trên các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia ở phía Nam cũng như xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất và các cụm cảng biển tại TP.HCM.

“Cụm cảng biển TP.HCM hiện đang là cửa ngõ chính của khu vực, chiếm 67% tổng sản lượng hàng hóa lưu chuyển của tất cả các cảng tại Việt Nam nhưng tình trạng giao thông quanh các cảng hiện nay đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn về hiệu quả vận chuyển”, ông Cung nhấn mạnh.

Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam được thành lập năm từ năm 1998, khởi điểm với 4 tỉnh/thành phố gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2009, vùng được mở rộng thành 8 tỉnh/thành phố gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang như hiện nay. Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ bao gồm 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên.

Cũng theo ông Cung, tỷ lệ ngân sách được giữ lại của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là TP.HCM, hiện đang thấp hơn nhiều so với các địa phương miền Bắc có cùng quy mô kinh tế. Điều nghịch lý này đã khiến TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế “lực bất tòng tâm” vì không đủ điều kiện nâng cấp hạ tầng tương xứng với nhu cầu cũng như đóng góp của chính mình.

Cần đầu tư nguồn lực hợp lý và quy chế hoạt động thích hợp

Bàn về việc tạo thêm lực đẩy cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TS Nguyễn Đình Cung thẳng thắn: “Như tôi thấy thì “vùng” hiện nay chỉ là sự cộng gộp các địa phương lân cận, chứ thực chất không có liên kết nào đáng kể”.

Một trong những nguyên nhân dễ thấy, theo chuyên gia này, là do hệ thống 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội giống nhau được áp dụng cho tất cả các địa phương. Phân tích của ông Cung chỉ ra rằng với việc cào bằng chỉ tiêu như thế, chính quyền các địa phương sẽ có tâm lý phải cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư, để lo cho “tỉnh nhà” trước. Để có tốc độ tăng trưởng GRDP cao, chính quyền từng địa phương sẽ tìm mọi cách để tối đa hóa tốc độ tăng trưởng của mình, bất chấp những phí tổn mà các địa phương khác có thể phải gánh chịu. “Chừng nào lãnh đạo của một tỉnh vẫn được đánh giá bằng kết quả hoạt động của riêng tỉnh đó về tăng trưởng GRDP, đóng góp ngân sách cho chính quyền trung ương, phát triển công nghiệp, thu hút FDI, hay kim ngạch xuất khẩu... mà hoàn toàn không liên quan đến kết quả hoạt động của vùng thì chừng đó các tỉnh vẫn tiếp tục chuyện mạnh ai nấy xây dựng ồ ạt các khu công nghiệp, sân bay, cảng biển... với chi phí cao mà hiệu quả thấp và không quan tâm đến hiệu quả chung của cả vùng”, TS Cung bức xúc.

Để nâng cấp chuỗi giá trị, nâng cao năng suất nhằm thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển mạnh hơn, các chuyên gia thống nhất cho rằng cần đầu tư nguồn lực xứng đáng hơn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tăng cường hợp tác, liên kết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây được xem là những yêu cầu rất cấp thiết.

“Chúng tôi thấy rất mừng là Thủ tướng Chính phủ đã ủng hộ tối đa đề xuất tăng tỷ trọng ngân sách để lại cho TP.HCM. Phải làm sao để các địa phương có đủ nguồn lực giải quyết các vấn đề bức xúc nội tại của họ cũng như tham gia vào các dự án kết nối vùng”, TS Cung nhận định.

Một số vấn đề còn tồn tại khác, như các quyết định về thành lập và quy chế hoạt động của Tổ chức điều phối phát triển vùng hiện nay, theo các chuyên gia, chỉ mới đề cập tới nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy tổ chức vùng cấp Trung ương và Hội đồng vùng cũng như chỉ đề cập tới chế độ làm việc “theo nguyên tắc tập thể” mà không đề cập tới nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu bộ máy tổ chức vùng. Nguồn kinh phí hoạt động cho bộ máy vùng cũng là một vấn đề khi hiện tại chỉ đủ để duy trì hoạt động sự vụ hàng ngày, không có nguồn lực tài chính để triển khai các chương trình/dự án chung toàn vùng. Thêm vào đó, Chủ tịch Hội đồng vùng được quy định hoạt động theo cơ chế luân phiên hàng năm, nghĩa là mỗi năm sẽ có một chủ tịch mới, là chủ tịch UBND tỉnh thuộc vùng, đảm nhiệm. Điều này hạn chế rất lớn vai trò điều hành hoạt động chung cả vùng của Chủ tịch Hội đồng vùng.

Trao đổi tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ, nhiều chuyên gia cho rằng không thể hợp lý khi các tỉnh công nghiệp xung quanh TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai chỉ được giữ lại lần lượt là 36% và 47% số thu ngân sách, trong khi các tỉnh công nghiệp xung quanh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương có tỉ lệ giữ lại ngân sách lần lượt là 53%, 83%, và 98%. Riêng TP.HCM, tuy có mức đóng góp ngân sách cao nhất nhưng tỷ lệ được giữ lại đang thấp nhất cả nước, chỉ 18%. Mức giữ lại này có thể sẽ được nâng lên thành 23% sau khi Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự đồng tình với mức đề nghị này tại buổi làm việc với TP.HCM vào giữa tháng 5 vừa qua!

“Để hoạch định chiến lược và điều phối vùng thực sự hiệu quả, cần có một cấp chính quyền vùng (dưới cấp quốc gia và trên cấp tỉnh) ở một dạng nào đó. Chủ tịch Hội đồng vùng có thể là Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng”, TS Nguyễn Đình Cung đề xuất. Ông giải thích thêm, cấp chính quyền này cần có quyền lực về tài khóa, quy hoạch và nhân sự. Khi đó, chính quyền vùng sẽ có động cơ theo đuổi lợi ích chung cho toàn vùng chứ không bị chi phối bởi lợi ích cục bộ của từng địa phương. Mặt khác, vùng - khi đó - sẽ trở thành một đơn vị hành chính đủ lớn để có thể phát triển kết cấu và hạ tầng kinh tế hoàn chỉnh, hiện đại đúng với quy mô cấp vùng!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất